> Cục trưởng Cục Hàng hải bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam
Tuy nhiên, hiện tại ông Dũng không có mặt ở nơi cư trú, cũng không có mặt tại cơ quan.
Theo một nguồn tin, nhiều khả năng ông Dũng đã bỏ trốn. Cùng ngày, CQĐT đã khám xét, bắt giữ ông Mai Văn Phúc (ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nguyên Tổng GĐ Vinalines và Trần Hữu Chiều (trú ở Thái Thịnh, quận Đống Đa), Phó Tổng GĐ Vinalines cũng về hành vi trên.
Các bị can trên bị cáo buộc liên quan những sai phạm trong việc điều hành Vinalines trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam.
Mua ụ nổi quá đát, lãng phí hàng trăm tỷ đồng
Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam.
Trong đó, TTCP chỉ rõ sai phạm khi mua ụ nổi tại dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Đồng thời xác định có trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Trưởng Ban QLDA, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc và Trưởng phòng kế hoạch của Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines.
Cụ thể, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinalines triển khai lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam (nguồn vốn tự huy động), giao Bộ GTVT cập nhật dự án trên vào Quy hoạch điều chỉnh để phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Nhưng sau đó, HĐQT Vinalines đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam với tổng vốn đầu tư hơn 6.488 tỷ đồng và tổ chức khởi công xây dựng nhà máy vào ngày 19-7-2011, khi chưa có tổ chức tài chính hoặc ngân hàng nào cam kết tài trợ cho dự án.
Theo TTCP, HĐQT Vinalines quyết định đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch là sai.
Cùng với việc tự ý phê duyệt dự án trên, trong năm 2007, HĐQT Vinalines đã ra Nghị quyết số 1347 phê duyệt chủ trương đầu tư mua ụ nổi 25.000 tấn với tổng mức đầu tư 13,1 triệu USD, nhưng sau đó lại phê duyệt dự án mua ụ nổi No83M với tổng mức đầu tư thành 14,136 triệu USD.
Đến 15-3-2008, Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi No83M giá 9 triệu USD với Cty Addpower Venture Pte Ltd (Singapore). Ụ nổi này sản xuất năm 1965 tại Nhật, đến thời điểm mua là 43 tuổi, không đảm bảo kỹ thuật để đăng kiểm.
Ụ nổi No83M là thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, nhưng Vinalines lại áp theo quy định mua tàu biển và nhập khẩu ụ nổi đã vượt 28 tuổi so với quy định.
Chính vì mua ụ nổi đã cũ nát, nên Vinalines phải thuê Huyndai Vinashin Nha Trang sửa chữa theo các nội dung chỉ định của Đăng kiểm Liên bang Nga. Việc làm này dẫn đến những chi phí phát sinh vượt tổng mức đầu tư. Sau 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư đã tăng vọt lên 26,3 triệu USD.
TTCP xác định, tổng mức đầu tư cho ụ nổi No83M như trên tương đương 70% giá đóng mới bình quân trên thị trường thế giới (giá đóng mới ước tính 37,5 triệu USD). Hiện nay, Ụ nổi No83M vẫn chưa thể đưa vào khai thác và đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B, với chi phí phát sinh thường xuyên gồm: thuê neo đậu 420 triệu đồng/tháng, thuê 2 tàu lai trực sự số 700 USD/ngày và các chi phí thuê bảo vệ, bảo dưỡng…
Cũng theo TTCP, trong thương vụ mua ụ nổi No83M, lãnh đạo Vinalines đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, gây lãng phí vốn đầu tư phát sinh đến 30-4-2010 la 489,614 tỷ đồng; các khoản chi phí, lãi vay từ 30-4-2010 đến 30-9-2011 là 24,206 tỷ đồng và các khoản chi phí tiếp theo trên 16 tỷ đồng/tháng trong thời gian chưa đưa ụ nổi vào khai thác.