Cực Nam hành

TP - 1. Tôi lại đến những miền đất cực Tây Nam và Nam của Tổ quốc. Những Rạch Giá, Hà Tiên, Năm Căn, Đất Mũi...

1.

Tôi lại đến những miền đất cực Tây Nam và Nam của Tổ quốc. Những Rạch Giá, Hà Tiên, Năm Căn, Đất Mũi... Những tháng năm qua, tôi đã qua lại Kiên Giang, Cà Mau nhiều lần rồi, nhưng vẫn nhớ chuyến đi đầu tiên cách đây đã 24 năm, vào cái năm đầu tiên của Thiên Niên Kỷ mới đầy náo nức - năm 2000 ấy.

Hồi đó, tôi được cơ quan cho dứt ra hẳn hai năm để đi học. Nghỉ hè, tôi xách cái ba lô hành phương Nam. Đi na ná lối “Tây ba lô”, đến nơi nào có người quen thì nhờ, không thì tự lo. Phương tiện thì tàu bay, xe đò, xe ôm, tàu sông, xuồng cao tốc… đủ cả.

Nhớ lần đầu đến Rạch Giá. Khi đó thủ phủ của Kiên Giang còn chưa có khu đô thị lấn biển, bến cảng Rạch Giá chưa chuyển, còn nằm ngay gần cái nhà khách Ủy ban tỉnh mà tôi được Đăng Giới - phóng viên thường trú của Tiền Phong ở đây gửi vào ngủ nhờ. Tối ấy tôi nằm nghe tiếng biển ầm ào và hít thở mùi bùn, mùi khẳn đến đến ngây người của cá mắm, của xác tôm cá và các sinh vật biển, đầu cứ hình dung mấy trăm năm trước, cha ông chúng ta, những người Việt đầu tiên đặt chân đến đây đã nôn nao đến thế nào trước một vùng đất mới. Cái mùi nồng, khẳn của bùn và tôm cá ấy cũng đậm như thế ở tối tôi dừng lại ở Năm Căn bên Cà Mau hồi đó còn là một thị trấn trên sông nhỏ bé, lụp xụp nhưng đông chật thuyền bè. Bây giờ, cả Rạch Giá và Năm Căn đã trở thành những đô thị khang trang, và điều tôi nhận thấy là cái mùi nôn nao của miền đất mới ở hai nơi đó đã nhạt đi rất nhiều, không để ý thì không còn nhận ra nữa. Cuối năm ngoái ở Rạch Giá, tôi ngồi ở một quán cà phê nổi tiếng ven biển, nhìn quầng sáng rực rỡ của phố thị rồi lại nhìn mặt biển thẫm lại trong bóng đêm mà ngẫm ngợi về sự thay đổi quá nhanh chóng của cuộc sống bây giờ.

Năm ngoái, sau khi dự Lễ ra quân tình nguyện Hè Trung ương Đoàn tổ chức ở Đất Mũi, tôi quay ngược lên Cà Mau đã dừng lại ăn trái cây, uống nước dừa ở một quán gần cây cầu ở Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn. Nhìn con sông chảy từ biển đông sang biển tây, đoạn qua Năm Căn, bờ một bên đã được kè, cùng phía đó là đô thị đã được quy hoạch đâu ra đấy, mà nổi lên nhìn từ cầu là đài Nghĩa trang liệt sĩ, còn bờ sông bên kia san sát là nhà tôn nhô ra, tôi hình dung lại cái thị trấn nhỏ mà mình đã đến vào chiều tối và qua một đêm thao thức ngày xưa. Tôi không nhớ được tên cậu Phó Bí thư huyện Đoàn Năm Căn đã đón tôi ngày ấy. Lạ thế, có những người mình quên tên, thậm chí không nhớ rõ cả mặt nhưng vẫn không quên người. Ngày ấy, tôi là phóng viên tờ báo Trung ương nên rất được tin phục. Cậu đã tâm sự với tôi về cuộc sống, về hướng đi và xin ở tôi một lời khuyên. Tôi cũng không nhớ là mình đã khuyên điều gì chỉ nhớ là hai anh em đi, nói chuyện trong đêm tối, thỉnh thoảng le lói ánh đèn từ tàu thuyền hắt lên, đôi khi bước qua mấy chiếc thuyền đậu sát nhau để sang bên kia một con rạch.

Mấy thằng chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ trên mặt nước sông đục ngầu, quanh một cái rổ nhựa đựng tôm lột vỏ, cá khoai xắt khúc và mực thái miếng. Nồi lẩu chả đun nước dùng gì hết, chỉ đổ vào ít dấm ăn, thêm vài thìa bột canh, quấy đều, đun sôi, nhúng mấy thứ hải sản kia vào và chén. Đó là lần tôi được ăn những miếng cá khoai, tôm, mực ngọt nhất trong đời. Người ta nói hải sản cốt ở tươi, chắc chả trật tẹo nào.

Ngày ấy chưa có đường bộ từ Cà Mau xuống Năm Căn rồi từ đó xuống Đất Mũi. Tôi đã đáp tàu thủy từ Cà Mau đi Năm Căn. Một chuyến tàu chợ chở người và đồ đủ thứ và dừng thả người ở nhiều chỗ chả phải là bến. Ở một trong những chỗ dừng như thế, tôi đã ngây người nhìn một cô gái diện ngất trời, son phấn mặn mà, mùi nước hoa bay thành vệt theo gió như đặc quánh, kéo ống quần loay hoay lựa bước cho đôi chân đi guốc cao gót leo lên rệ cỏ ven sông chả biết để về thăm quê hay đi đâu. Từ Năm Căn, Phó Bí thư huyện Đoàn giúp tôi thuê một chiếc xuồng cao tốc rồi cùng tôi đi Đất Mũi. Lần đầu được đi xuồng cao tốc, cái thú tuyệt vời đó trên quãng 60 cây số đường sông nước đã thổi bay của tôi một phần tư tháng lương. Tôi kinh ngạc và rờn rợn khi chiếc xuồng vểnh hẳn mũi lên để lấy tốc độ lao đi khiến tôi chỉ còn nhìn thấy trời xanh. Tôi lại kinh ngạc thấy ở tốc độ mấy chục cây số giờ đó, chiếc xuồng trên nước cũng dằn xóc mạnh khi gặp con sóng chẳng khác gì một chiếc ô tô gặp phải một ổ gà cỡ đại. Chiếc xuồng lao như bay trên dòng sông mà từ đó rẽ ra nhiều kênh rạch bao quanh là mênh mông các loại cây như đước, mắm, dừa nước… Xuồng rẽ vào một xã bên sông, thấy một trụ sở, thấy đông thanh niên, thấy một cậu bước ra nói chuyện với Phó Bí thư huyện Đoàn rồi bước xuống và xuồng lại lao đi. Thì ra vừa rồi là một Đại hội Đoàn xã, cậu này là lãnh đạo Đoàn xã khoá vừa mãn nhiệm, vừa trượt khi Đại hội bầu ban chấp hành khoá mới nên rời Đại hội đi chơi luôn. Cậu ta có bạn thân ở Đất Mũi nên Phó Bí thư huyện Đoàn cũng đồng ý cho đi. Tôi rất ngạc nhiên khi đại hội chưa kết thúc mà cựu lãnh đạo đã đi, nhưng thích là nhích, dân cực Nam là vậy.

Du khách chụp ảnh tại tượng đài Đất Mũi.

Giờ thì đường Hồ Chí Minh chạy từ Pác Bó, Cao Bằng vào qua Cà Mau đã tới tận Năm Căn rồi không dừng ở đó mà đi tiếp xuống và chốt điểm cuối của mình ở chính Đất Mũi.

2.

Năm xa đó, tôi có vui bước đến Hà Tiên. Một trong những điều đầu tiên tôi hỏi là nhà thơ Mộng Tuyết còn sống không, nhà ở đâu? Bà là người rất được người Hà Tiên biết đến nên cậu xe ôm cũng dễ dàng đưa tôi đến được nhà bà. Tôi đến Hà Tiên không phải chỉ vì Hà Tiên nức tiếng danh thắng đến mức mà xưa Mạc Thiên Tích và các anh tài trong Tao đàn Chiêu Anh Các phải ngợi ca xướng họa tới 320 bài thơ trong tập “Hà Tiên thập vịnh”. Tôi đến còn vì một câu chuyện, một giai thoại lưu truyền khá rộng trong làng văn nghệ. Ấy là thi sĩ Đông Hồ chết vì thơ của nữ sĩ Ngân Giang. Đông Hồ cùng vợ - nữ thi sĩ Mộng Tuyết là hai nhà thơ sống ở Hà Tiên từ hồi còn trào Thơ Mới. Chuyện kể rằng ngày 25/3/1969, Đông Hồ say sưa giảng cho sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn về thơ Ngân Giang. Đọc minh hoạ bài thơ tuyệt tác “Trưng Nữ Vương” đến đoạn cuối: “Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”, xúc cảm của ông dâng trào mãnh liệt, ông gục luôn trên bục giảng. Học trò vội đưa ông đi cấp cứu nhưng không kịp, ông đã tới thẳng chốn bồng lai. Có người ngợi ca Ngân Giang, cho rằng bà là người phải “chịu trách nhiệm nghệ thuật” về cái chết của thi sĩ Đông Hồ. Tôi đến Hà Tiên là tìm ngay đến nhà của bà Mộng Tuyết, người lúc đó đã 86 tuổi bởi trước đó không lâu tôi đã gặp và hỏi chuyện nữ sĩ Ngân Giang (lúc đó cũng trên 80 tuổi) nhà ở ngoài đê sông Hồng. Tôi đến gặp Mộng Tuyết định hỏi chuyện về phong trào Thơ Mới xưa mà bà là một cây bút nữ được Hoài Thanh đưa vào tập “Thi nhân Việt Nam” trứ danh và kể chuyện làm quà về người “chịu trách nhiệm nghệ thuật” về cái chết của chồng bà cho vui nhưng cuộc trò chuyện không thành vì hôm đó Mộng Tuyết đang bị cơn huyết áp cao, người mỏi mệt và rất cáu kỉnh.

Cuối năm ngoái ở Rạch Giá, tôi ngồi ở một quán cà phê nổi tiếng ven biển, nhìn quầng sáng rực rỡ của phố thị rồi lại nhìn mặt biển thẫm lại trong bóng đêm mà ngẫm ngợi về sự thay đổi quá nhanh chóng của cuộc sống bây giờ.

Lần đó, tôi không qua đêm ở Hà Tiên mà sáng đến thì thuê một cậu xe ôm trọn ngày, bảo cậu ta chở đi khắp nơi, lên cả cửa khẩu biên giới với Campuchia, ăn uống, hát hò cùng nhau như hai người bạn, chơi đến 11 giờ khuya thì cậu ta chở tôi luôn ra bến xe lên chiếc xe đò đường dài tiếp tục hành trình.

Tháng 4 vừa rồi tôi nghỉ lại qua đêm ở Khu Du lịch Khai Long, thuộc xã Đất Mũi của huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Sáng ra chỗ cây cầu ngoạn cảnh nhô ra biển chừng trăm rưỡi mét, tôi nhìn thấy một doi đất mà người ở đó nói rằng đó chính là “mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”, cái điểm nhọn xa nhất về phía Nam ta thấy trên bản đồ Tổ quốc. Qua cái mũi ấy là biển tây, là Vịnh Thái Lan rồi. Từ cây cầu này còn nhìn thấy một hòn đảo - Hòn Khoai. Nghe tên hòn đảo, lập tức nhớ tới một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, không còn biết tên là gì nhưng một câu trong đó “Tau nhớ thầy quá bây ơi” đóng đinh vào vào trí nhớ. Truyện ngắn có nói đến Hòn Khoai đó.

Cột cờ tại Đất Mũi.

Hôm ở chính Đất Mũi, đang được chở bằng xe điện dưới trời nắng toé lửa đi dạo qua các công trình quan trọng giờ có khá nhiều ở mảnh đất cùng này, tôi chợt nhớ đến nhà thơ Trần Tuấn, đồng sự của tôi ở Tiền Phong nhưng trấn nhậm ở Đà Nẵng. Cách đó ít lâu, thấy Tuấn khoe trên phây cái bút ký “Cà Mau quê xứ” của gã được đưa vào sách giáo khoa. Vội bốc máy. Tuấn gửi ngay qua zalo cái “Cà Mau quê xứ” nhé, luôn nhé, đang ở Đất Mũi đây.

Vậy là trong khi nhà báo, nhà văn Xuân Ba đi cùng đang tán gẫu với hai cán bộ Vườn Quốc gia Đất Mũi, tôi lánh vào dưới bóng đước, đứng choãi chân đọc cái bút ký Tuấn vừa gửi. Đọc xong thấy rưng rưng. Vẫn biết từ lâu rằng sau khi anh Xuân Ba hồi hưu thì Trần Tuấn là cây bút phóng sự, bút ký văn nhất Tiền Phong nhưng vẫn phải thầm trầm trồ thằng cha viết hay thật!

3.

Lần đầu đi Đất Mũi, năm 2000, tôi cứ nghĩ đó phải là một nơi hoang sơ, nghèo rớt. Nhầm! Khi cái xuồng cao tốc lướt trên đoạn sông Cửa Lớn đi những trăm mét cuối cùng của Đất Mũi để ra cửa biển, tôi choáng khi nhìn bờ khá nhiều những tàu thuyền và có biển hiệu của hai… tiệm vàng. Lãnh đạo Đoàn xã vừa thất cử dẫn chúng tôi vào nhà bạn, một căn nhà nửa trên bờ nửa nhô ra sông trên những hàng cọc. Ở thời điểm năm 2000 mà thấy cái nhà vách và mái đều bằng tôn ấy đã có màn hình TV cỡ trăm inch, thứ ở Hà Nội lúc đó cũng còn hiếm. Đất Mũi là nơi cửa sông, nơi ra vào của tàu thuyền đánh cá không chỉ của Cà Mau mà còn nhiều tỉnh. Phần đông dân ở đây nghèo cứ nghèo chứ người biết làm ăn buôn bán thì dễ giàu. Hôm đó, tôi được một bữa trưa đơn giản mà ngon đến giờ, sau ngót một phần tư thế kỷ vẫn còn nhớ. Mấy thằng chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ trên mặt nước sông đục ngầu, quanh một cái rổ nhựa đựng tôm lột vỏ, cá khoai xắt khúc và mực thái miếng. Nồi lẩu chả đun nước dùng gì hết, chỉ đổ vào ít dấm ăn, thêm vài thìa bột canh, quấy đều, đun sôi, nhúng mấy thứ hải sản kia vào và chén. Đó là lần tôi được ăn những miếng cá khoai, tôm, mực ngọt nhất trong đời. Người ta nói hải sản cốt ở tươi, chắc chả trật tẹo nào.

Tấm ảnh chụp trước tấm biển đánh dấu Đất Mũi 24 năm về trước, năm 2000.

Bây giờ đến Đất Mũi, ta có thể thăm cả một quần thể những công trình, cái nào cũng đáng để ta đứng vào ghi một kiểu ảnh lưu giữ kỷ niệm hay ít ra là để nuôi phây: Cột cờ uy nghi làm theo mẫu Cột Cờ ở Thủ đô Hà Nội (công trình do Thành phố Hà Nội xây tặng kèm một một sân lớn như quảng trường mà hôm khánh thành năm 2000 có Thủ tướng đến dự, và khánh thành xong thì quan khách và nhiều nghìn đồng bào xem luôn trận chung kết Sea Games được phát trên các màn hình lớn ngay sân cột cờ); Đền thờ Lạc Long Quân và các Vua Hùng, Tượng Người mẹ Việt Nam (làm hình tượng Mẹ Âu Cơ); Công trình mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh - Km 2.436; Tượng con cua khổng lồ (đặc sản Cà Mau); Mốc Toạ độ Quốc gia GPS 0001 và đặc biệt là công trình tượng đài Mũi Cà Mau hình con tàu trên sóng với cánh buồm cách điệu trên đỉnh cắm lá cờ Tổ quốc. Trên tượng đài này ghi tọa độ điểm đặt tượng đài 8037'30" độ vĩ Bắc, 104043' độ kinh Đông (không thể ghi tọa độ của điểm mũi vì sự bồi đắp phù sa làm điểm này luôn dịch ra phía biển).

Sự giàu có về công trình của Đất Mũi bây giờ khác hẳn thời điểm tôi đến vào năm 2000. Khi đó chiếc xuồng cao tốc chở chúng tôi đã rời sông vào con rạch chạy đến rất gần tấm pa nô to đại đánh dấu điểm Đất Mũi. Cả Đất Mũi lúc đó chỉ có tấm pa nô này là đáng kể. Tôi tìm được tấm ảnh chụp tôi và bạn Phó Bí thư huyện Đoàn Năm Căn đứng trước tấm pa nô nội dung ghi đơn giản “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. MŨI CÀ MAU” và tọa độ hình như cũng chính là tọa độ trên đây. Tôi nhớ khi ấy để đến tấm pa nô, chiếc xuồng đã chạy vào chỗ bùn loãng sền sệt như cháo hoa, mấy cậu bé quanh đó lập tức nhảy xuống bùn ngập đến bụng, phụ giúp chúng tôi đẩy nó đến sát chỗ bùn chắc hơn nhưng lội xuống chân vẫn thụt đến bẹn.

Tôi nhớ chi tiết ấy nên tháng 5 năm ngoái, 2023, tôi đã xúc động khi thấy bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, đi ủng gọn gàng, tự mình leo theo cái thang làm dã chiến bằng những thân đước tươi được dựng gần như dốc đứng ở một chỗ bờ kè gần Đền thờ Lạc Long Quân để xuống bãi sình trồng đước trong Lễ phát động Thanh niên tình nguyện Hè. Thật chẳng phải dễ dàng gì ngay cả đối với một thanh niên chứ đừng nói đến một phụ nữ đã đứng tuổi lại đã từ lâu giữ trọng trách quốc gia.

Tác giả trên sông Cửa Lớn đoạn qua Đất Mũi.

Bờ biển Đất Mũi phía Đông, bao lấy các công trình kể trên đã phải làm bờ bao kè do bị lở. Còn bờ phía Tây thì liên tục bồi. “Ngay cả phía Đông bờ biển đang lở trên nhưng vẫn bồi dưới, và đất ở cả hai bờ vẫn đang tiến ra biển” - Chủ tịch xã Đất Mũi Võ Công Trường cho biết khi tiếp chúng tôi trong trụ sở uỷ ban xã.

Đó là một quan chức cơ sở có trình độ thạc sĩ, hiểu biết và nắm vững các thông tin, các vấn đề của địa phương thuộc phận sự phải coi sóc và mặn chuyện. Khoảng gần một tiếng đồng hồ làm việc với anh, tôi đã hình dung rõ cái xã Đất Mũi, quy mô của nó, mức độ phát triển, các vấn đề kinh tế - xã hội của một điểm đến rất đặc biệt của đất nước cũng như chuyện anh chàng ngụ cư Võ Công Trường bén rễ nơi đất mới rồi phát triển từ một nhân viên kế toán lên chủ tịch xã cực nam của Tổ quốc diện tích đến 14 nghìn héc ta, có 3.422 hộ dân với 13.134 khẩu, có gần 100 doanh nghiệp, 3 tháng đầu năm có gần 100 nghìn khách du lịch tới thăm, dự kiến sang năm sẽ đạt chuẩn nông thôn mới này.

Trước khi rời Đất Mũi trong chuyến đi tháng 5 năm 2023, tôi hỏi một cậu lái đò máy chở mấy bà mấy cô qua sông Cửa Lớn là tôi muốn thuê chạy một vệt dọc sông để nhìn nhà cửa hai bên bờ.

Cậu đã chạy đò ra sát cửa biển rồi lại chạy ngược lên phía trên cho đến khi hết nhà. Tôi đã nhìn thấy đôi biển tiệm vàng, có thể là tiệm vàng đã thấy ngày xưa (Chủ tịch Võ Công Trường đã cười khi tôi nhắc kỷ niệm xưa và đọc được tên tới 5 tiệm vàng hiện có: Mỹ Hồng, Tuấn Vũ, Quốc Thới, Mỹ Tiên, Kim Út).

Tôi cũng thấy rất nhiều tàu đánh cá biển số nhiều tỉnh khác nhau vào neo đậu san sát ở bến sông. Đó là một trong số các nguồn sống và đi lên của Đất Mũi.

Khi tôi hỏi hết bao nhiêu tiền để trả, cậu lái đò buông một câu: Chú đưa bao nhiêu cũng được.

Đó là cái chân chất vẫn còn ở Đất Mũi.