Ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Đường bộ - cho biết, từ ngày 1/10/2022, Tổng cục Đường bộ chính thức tổ chức lại thành cục. Mô hình tổng cục có 3 cấp là tổng cục, cục và các chi cục quản lý đường bộ, khi tổ chức thành cục chỉ còn lại 2 cấp là cấp cục và các khu quản lý đường bộ.
“Sau khi sắp xếp từ 3 cấp còn 2 cấp, Cục Đường bộ đã giảm 34 đầu mối, điều chuyển 7 nhân sự từng giữ chức vụ cấp trưởng xuống làm cấp phó, dôi dư 19 nhân sự cấp phó các cục, vụ, đơn vị trực thuộc tổng cục phải sắp xếp lại. Khi chuyển đổi như vậy cũng rất khó khăn, nhưng cán bộ công chức Cục Đường bộ đã đoàn kết, đồng lòng, không có đơn thư khiếu kiện, tất cả nhất trí hoàn thành nhiệm vụ được giao, cũng là cách thể hiện quyết tâm cải cách”, ông Cường nói.
Với 19 cấp phó dôi dư, theo quy định hiện hành, Cục Đường bộ sẽ sắp xếp trong thời hạn 3 năm.
Cũng theo lãnh đạo Cục Đường bộ, sau khi chuyển đổi từ tổng cục thành cục, lượng công việc từ chỗ chia cho 3 cấp nay dồn vào 2 cấp nên khối lượng tăng gấp rưỡi so với trước. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức của cục phải làm việc tích cực và năng suất cao hơn.
Trong bối cảnh công việc tăng lên, nhân sự giảm đi, theo ông Cường, đơn vị sẽ phải đưa công nghệ thông tin vào quản lý nhiều hơn, phù hợp chủ trương chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử.
Trước đó, từ tháng 10/2022, Bộ GTVT thực hiện sắp xếp lại bộ máy, trong đó Tổng cục Đường bộ được hạ cấp và tách thành 2 cục, gồm Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc.
Sau khi tổ chức lại, Cục Đường bộ có 14 đầu mối (chuyển từ cấp cục xuống phòng), gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Pháp chế - Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Tài chính; Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Phòng Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế; Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.
Cùng đó, các chi cục được chuyển thành khu quản lý đường bộ 1, 2, 3 và 4.