Cuba chuẩn bị hoàn hảo cho thế hệ kế cận

TP - Việc ông Miguel Diaz-Canel được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba chứng minh sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo của quốc đảo này được lên kế hoạch bài bản, chi tiết và hoàn hảo.
Tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (trái) và người tiền nhiệm Raúl Castro ở Havana hôm 19/4. Ảnh: Adalberto Roque.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo “Thời đại hậu Castro” tại Cuba đã được khởi động từ rất sớm. Từ tháng 2/2013, Chủ tịch Cuba Raúl Castro tuyên bố ông sẽ không tiếp tục liên nhiệm sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 4/2018. Sau tuyên bố trên của Chủ tịch Raúl Castro, Cuba tiến hành một loạt biện pháp cải cách, trong đó trọng tâm gồm từng bước “cởi trói” nền kinh tế quốc dân, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ…

Đặc biệt, Cuba rất coi trọng trình tự cơ cấu sắp xếp và bố trí nhân sự cho thế hệ kế tiếp. Trong số 605 đại biểu được bầu ra tại Đại hội đại biểu chính quyền nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa mới vào tháng 12/2017, có tới 530 đại biểu thuộc thế hệ sau cách mạng, tức là những người sinh ra sau khi cách mạng Cuba giành được chính quyền năm 1959. Trong số đó, có tới hơn 1/2 đại biểu lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội, tỷ lệ đại biểu nữ lên tới 53,22%, và có tới 86% số đại biểu có trình độ đại học trở lên, tuổi trung bình của các đại biểu chỉ là 49. Đây chính là khâu trọng yếu trong quá trình bố trí nhân sự và tiến hành cải cách thể chế chính trị của Chủ tịch Raúl Castro. Chính những vị đại biểu trẻ tuổi và đầy năng động này, hôm 19/4 bỏ phiếu lựa chọn nhà lãnh đạo mới.

Quốc hội Cuba hôm 19/4 bỏ phiếu bầu ông Miguel Diaz-Canel, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, trở thành người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Cuba. Quốc hội nước này cũng bầu ra 6 vị phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa mới. Trong số đó, có tới 5 người sinh ra trong thời đại hậu cách mạng. Đặc biệt, trong số 32 thành viên Hội đồng Nhà nước khóa mới, chỉ có hai người thuộc hàng lão thành cách mạng.

“Thời đại hậu Castro” vẫn mang đậm dấu ấn Castro

Việc ông Diaz-Canel được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba không đồng nghĩa với việc “Thời đại Castro” kéo dài từ cuộc cách mạng Cuba năm 1959 tới nay đã chính thức chấm dứt. Bởi tuy thôi giữ chức đứng đầu Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Raúl Castro vẫn nắm quyền lực về đảng bằng việc ông vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba cho đến năm 2021. Với nhân cách và uy tín được tạo dựng và củng cố vững chắc trong cơ sở quần chúng hàng chục năm qua, ông Raúl vẫn tiếp tục phát huy vai trò ảnh hưởng quan trọng tại Cuba.

Thời gian qua, Cuba đã có nhiều động thái trên các mặt về thay đổi xã hội, giải phóng tư tưởng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan niệm truyền thống không thể thay đổi một sớm một chiều. Đa số người dân Cuba (bao gồm tầng lớp thanh niên) vẫn dừng lại ở giai đoạn tư duy “vừa muốn có được phúc lợi cách mạng, vừa không muốn gánh vác và trả giá cho các rủi ro khi cải cách”.

Mặt khác, Cuba vẫn đang ở giai đoạn quá độ giữa cái mới và cái cũ trong khoảng thời gian dài. Dù nền kinh tế dân doanh đã thu hút được gần 600.000 việc làm, nhưng dân số phi nông nghiệp trên toàn quốc vẫn chỉ chiếm khoảng 12%. Do đó, dưới thời Miguel Diaz-Canel, chính sách của Cuba về cơ bản vẫn là sự tiếp nối các chính sách từ thời Chủ tịch Raúl.

Như vậy, có thể thấy rằng, tiến trình chuyển giao thế hệ tại Cuba được Chủ tịch Raúl tiến hành từng bước và chu đáo. Sự chuẩn bị này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó sẽ quyết định khả năng điều hành đất nước và lèo lái cuộc cách mạng Cuba trong tương lai. Và thành bại của tân Chủ tịch Diaz-Canel phụ thuộc vào khả năng của ông trong thời gian cầm quyền kéo dài 5 năm tới.