Tổ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 2 chiều 20/6 gồm Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM và bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó chánh án TAND TPHCM. Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng tham dự buổi tiếp xúc này.
Buổi tiếp xúc cử tri hôm nay có 140 cử tri đăng ký phát biểu. Ông Nguyễn Tiến Thịnh (phường Bình Khánh, quận 2) nói rằng, khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 1996. Từ đó đến nay đã qua 4 nhiệm kỳ HĐND, buổi tiếp xúc cử tri lần nào cũng nóng về vấn đề này, nhất là từ năm 2005 đến nay.
Mặc dù cử tri đã nhiều lần phản ánh, gửi đơn thư đến nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn không nhận được trả lời thoả đáng. Ông Thịnh đề nghị lãnh đạo TPHCM cần nhìn thẳng vào sự thật. Bởi, theo ông đây là bức xúc nhiều năm qua của người dân. "Người dân đã trích lục đầy đủ và có thể giải trình đầy đủ từng công văn liên quan đến tính pháp lý, quy mô dự án, sẵn sàng làm việc với lãnh đạo TPHCM để cung cấp hồ sơ và giải trình về quy mô dự án"- ông Thịnh phát biểu.
Về đền bù, tái định cư, ông Thịnh cho rằng, ban đầu có văn bản hứa bán nền đất, nhà tái định cư giá thấp, như giá nền nhà không cao hơn 8,6 triệu đồng/m2 tầng trệt. “Nhiều hộ dân đã đồng tình tái định cư ở khu đất hơn 4ha nhưng sau này TPHCM không giữ lời hứa. Ai tham mưu chuyện này?”, ông Thịnh đặt vấn đề.
Một số cử tri bức xúc về cách hành xử của chính quyền địa phương khi cho rằng dân không đồng tình phương án bồi thường thì bị cưỡng chế đập nhà. Trong khi người dân không nhận tiền thì gửi tiền của dân vào ngân hàng và những người là cán bộ đảng viên.
Cử tri Nguyễn Thùy Dung (phường Bình Trưng Đông) bức xúc phản ánh việc chính quyền giải toả một hộ dân ở địa phương nhưng thay vì bồi thường cho người dân này thì chính quyền lại lấy đất của hộ dân khác cấp lại. “Gia đình tôi là dân cố cựu, có hàng nghìn m2 đất ở Bình Trưng Đông nhưng bỗng dưng một ngày, gia đình nhận được quyết định thu hồi đất”- cử tri Nguyễn Thùy Dung bày tỏ.
Trong khi đó, cử tri Lê Thị Lan bức xúc vì đã trải qua nhiều năm gian khổ vì bị cưỡng chế. “Tôi đề nghị quyết định nhanh gọn đúng chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, nếu vậy thì dân chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm. Là những người kháng chiến, không hiểu sao chính quyền địa phương lại có cách hành xử lạnh lùng như vậy?”.