Cú sốc ở Trung Quốc: Khi được tìm thấy, thi thể của Lương Tinh không còn da trên đầu gối

Một nhân chứng cho biết khi được tìm thấy, thi thể của Lương Tinh - vận động viên chạy việt dã nổi tiếng ở Trung Quốc - không còn da trên đầu gối.

Cộng đồng người yêu thích chạy việt dã ở Trung Quốc trải qua cú sốc lớn và chìm trong sự thương tiếc sau cái chết của 21 người trong cuộc thi chạy siêu việt dã xuyên núi được tổ chức tại thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc nước này.

Thảm kịch cướp đi 21 sinh mạng này được cho là tương tự một giải chạy năm 2009 ở Pháp đã không kịp hoãn lại khi thời tiết bất ngờ diễn biến xấu. Thêm nhiều chi tiết mới về cuộc đua đang được hé lộ từ lời kể của các nhân chứng sống sót.

Một số vận động viên đã chết trong vòng tay của đồng đội

Sự kiện này có tên là Giải chạy đường mòn “100 km qua Rừng Đá Hoàng Hà” lần thứ tư với hơn 170 vận động viên tham gia, diễn ra vào ngày 22/5. Các quan chức ở thành phố Bạch Ngân đã xin lỗi, cam kết sẽ điều tra thảm kịch và bồi thường cho gia đình những người đã khuất.

Cứu hộ bổ sung đã được cử đến - tổng cộng lên tới 1.200 người. Ảnh: China OUT.

Khu vực đường đua không phải là một địa hình quá cao so với một số cuộc đua khác, cũng không đoạn đường nào có sông băng hay đèo cao. Vị trí cao nhất trên đường chạy “100 km qua Rừng Đá Hoàng Hà” có độ cao 2.250 m. Những lần tổ chức trước đây chưa xảy ra bất trắc nào và giải chạy đã trở thành một sự kiện nổi tiếng.

Thế nhưng năm nay, thiên nhiên đã nổi cơn thịnh nộ bất thường. Đã có những cảnh báo về thời tiết xấu một ngày trước cuộc đua nhưng không ai ngờ thời tiết nhanh chóng chuyển biến khắc nghiệt đến như vậy.

Các vận động viên chia sẻ trên mạng xã hội rằng ngay cả trước khi cuộc đua bắt đầu, họ đã phải tìm chỗ đứng tránh cơn gió lớn. Thậm chí, ban đầu một số người cảm thấy nhẹ nhõm vì trời sẽ không quá nóng (nhiệt độ ở Cam Túc thời gian này thường rất cao).

Hầu hết vận động viên chạy đều mặc quần short, áo phông hoặc áo gió nhẹ khi gió thổi mạnh. Thời tiết bắt đầu diễn biến xấu khoảng 3 giờ sau khi cuộc đua bắt đầu.

Nhiệt độ đột ngột giảm mạnh và xuất hiện mưa đá. Nhiều vận động viên bị gió thổi mạnh tới mức không thể di chuyển, mặt và đầu bầm tím, rướm máu do mưa đá, toàn thân ướt sũng vì mưa. Họ mất phương hướng và nhiễm lạnh, một số thậm chí không thể đứng vững, hay cố gắng tìm chỗ trú ẩn sau những tảng đá, hoặc tệ hơn là đi lạc trong địa hình đầy những hẻm núi dốc và xói mòn.

Gió giật khiến chiếc chăn trợ giúp của nhiều người rách thành từng mảnh. Một số vận động viên đã chết trong vòng tay của đồng đội khi quây lại bên nhau để sưởi ấm. Họ không thể định vị kịp thời do điều kiện khắc nghiệt và tầm nhìn xa kém, ngay cả khi sử dụng GPS và đội cứu hộ được trang bị camera hồng ngoại.

Ông Chu Khắc Minh bên trong chiếc hang dùng để trú ẩn khi thời tiết xấu. Ông đã cứu sống ít nhất 6 nạn nhân trong cuộc đua vì đưa họ về hang trú tạm. Ảnh: Getty Images.

Cứu hộ bổ sung đã được cử đến - tổng cộng lên tới 1.200 người. Một số vận động viên đã may mắn sống sót nhờ một người chăn gia súc địa phương tên là Chu Khắc Minh.

Ông Chu được gọi là anh hùng vì cho nhiều vận động viên ẩn náu trong hang động của mình. Một số vận động viên khác cũng được người dân địa phương đưa về nhà của họ trú tạm.

Phần khó nhất của đường đua

Nhiều vận động viên không mang đủ đồ giữ nhiệt vì thời tiết trong các cuộc đua trước khá ôn hòa. Những người sống sót kể lại bất chấp cái lạnh và gió, bằng cách nào đó họ vẫn có sức mạnh và sự quyết tâm để tiếp tục di chuyển, trong khi những người khác đã kiệt sức và dừng lại chịu bỏ mạng. Một số người bị gió thổi rơi xuống sườn núi.

Thật không may, thời tiết đã “giáng cơn thịnh nộ” lên người chạy ngay tại phần khó nhất của đường đua, giữa trạm số hai và số ba, cách điểm xuất phát chưa đầy 30 km.

Một người sống sót kể lại thử thách của mình ở đoạn đó: “Gió tạt những hạt mưa vào mặt tôi như những viên đạn, thật sự rất đau đớn. Tôi không thể mở mắt vì gió lớn và mưa dày, phải nheo mắt lại mới có thể nhìn được”.

“Đây là phần khó nhất của đường đua... đoạn này dài 8 km, với 1.000 m leo núi. Chỉ đi lên, không đi xuống. Đường trên núi là đá lẫn sỏi. Nhiều đoạn rất dốc”, anh nói.

Hang động của một người chăn dê nơi những vận động viên trú ẩn. Ảnh: Handout.

“Người chạy phải leo bằng tứ chi, xe máy không qua được đây, và trạm số 3 không có đồ tiếp tế. Ngay cả khi bạn đã lên đến đỉnh, mọi hy vọng về thức ăn, nước uống và nước nóng đều vô ích. Đó là một ngọn núi cằn cỗi. Không có cách nào để rút khỏi cuộc đua ở điểm này. Bạn phải chịu đựng để đến được trạm số bốn".

Các bức ảnh trước cuộc đua cho thấy vận động viên mặc quần short và áo phông. Tuy nhiên, trên thực tế, ban tổ chức cuộc đua có đưa ra một danh sách các trang bị bắt buộc và khuyến khích mang theo. Theo đó, mỗi người chạy phải mang theo một thiết bị GPS cung cấp vị trí của mình. Các thiết bị theo dõi khác được cung cấp bởi ban tổ chức.

Ngoài ra, mỗi vận động viên đều được cung cấp bản đồ GPS đường chạy để tải lên đồng hồ GPS của họ, nhưng theo dõi nó trong thời tiết khắc nghiệt là điều không thể đối với nhiều người.

Danh sách thiết bị được khuyến nghị mang theo bao gồm một bộ y tế khẩn cấp gồm thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine, thuốc chống tiêu chảy, băng gạc, chất điện giải, kem chống nắng, gel tăng lực, mũ chống nắng, kính râm, đèn đi bộ đường dài, chắn gió và một quần áo lót giữ ấm.

Tại Trung Quốc, việc kiểm tra thiết bị trong các cuộc đua xuyên núi được thực hiện rất nghiêm túc. Người chạy thiếu các vật dụng bắt buộc sẽ không được xuất phát, và vẫn sẽ bị kiểm tra bất chợt trong suốt cuộc đua, dẫn đến các hình phạt về thời gian và truất quyền thi đấu nếu thiếu vật dụng bắt buộc. Cuộc đua này không trang bị những đồ dùng phòng thời tiết lạnh như áo khoác lông hoặc áo khoác không thấm nước, hay quần dài, như những vật dụng bắt buộc.

Các nhà chức trách đã nhanh chóng vào cuộc. Một cuộc điều tra ngay lập tức được công bố bởi Ủy ban Kỷ luật Trung ương về cả nguyên nhân của thảm kịch và trách nhiệm của ban tổ chức cuộc đua.

Một người chăn dê tên là Zhu Keming (ngoài cùng bên phải) đã cứu 6 vận động viên chạy sau khi thời tiết xấu khiến 21 người khác mất mạng. Ảnh: Handout.

Chính quyền địa phương quyết định tạm dừng các giải chạy đường dài sắp tới, không chỉ các cuộc đua xuyên núi mà còn cả marathon đường bộ. Giải Lanzhou Marathon ở Cam Túc vừa thông báo hoãn và danh sách các cuộc đua bị hoãn ngày càng nối dài.

Trong số các nạn nhân của thảm kịch Cam Túc có Lương Tinh, 31 tuổi - siêu sao chạy siêu việt dã tài năng xuất chúng của Trung Quốc.

Vào thời điểm anh qua đời, thứ hạng của anh tại bảng xếp hạng của Hiệp hội Chạy bộ Đường mòn Quốc tế (ITRA) là 918 điểm, đứng thứ 8 trên thế giới. Anh là vận động viên chạy việt dã hàng đầu của Trung Quốc và châu Á. Lương Tinh cũng đã chiến thắng trong kỳ tổ chức năm ngoái của chính cuộc đua này.

Lương Tinh trong một cuộc đua trước đó tại Hong Kong. Ảnh: Sportograf.

Một nhân chứng cho biết thi thể của Lương Tinh, khi được tìm thấy, không còn da trên đầu gối. Anh chết vì hạ thân nhiệt, bị gió thổi văng vào một hẻm núi, sau đó không thể gượng dậy được. Cuối cùng Lương Tinh không thể chống chọi được với cái lạnh, anh ra đi, để lại phía sau là vợ và con thơ.

Ngoài ra, trong số những người thiệt mạng có Hoàng Ngân Bân, người đang theo sát nút Lương Tinh trong chặng đua. Là một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp, có sự dẻo dai hơn người và luôn sống tích cực, tài năng của Hoàng Ngân Bân đã đưa anh lên đỉnh cao của môn thể thao này.

Thi thể của Hoàng Ngân Bân được tìm thấy cách Lương Tinh không xa. Nạn nhân thứ ba nổi tiếng là Hoàng Quan Quân, nhà vô địch marathon quốc gia Thế vận hội Paralympic 2019 dành cho người khuyết tật.

Ban tổ chức đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn

Cam Túc được thiên nhiên ban tặng thiên nhiên ngoạn mục và nhiều di tích văn hóa, lịch sử trải dài toàn bộ nền văn minh Trung Quốc, với niên đại lâu đời nhất lên đến hơn 6.000 năm tuổi.

Để cải thiện sinh kế của người dân địa phương ở các vùng nông thôn, chính quyền khu vực ở Cam Túc đã và đang tận dụng các nguồn tài nguyên này. Tổ chức các sự kiện ngoài trời, ví dụ các cuộc đua đường mòn, là một trong những cách thúc đẩy kinh tế và tạo nguồn thu nhập. Ngành công nghiệp hoạt động ngoài trời của Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây với việc dân thành phố ngày càng ưa thích các môn thể thao trên núi như chạy đường dài.

Một số cuộc đua đường trường xuyên núi hàng đầu thế giới hiện được tổ chức tại Trung Quốc và những vận động viên quốc tế hàng đầu cũng tham gia.

Ban tổ chức Giải chạy Đường mòn Rừng Đá Hoàng Hà đã phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề từ giới truyền thông và cộng đồng người yêu thích chạy bộ.

Trang tin Wangyixinwen cho biết tất cả 22 nhân viên của cuộc đua đều là làm việc bán thời gian. Một trang web tương tự cũng đưa tin mặc dù đã có nhiều lời kêu gọi giải cứu người chạy bắt đầu từ khoảng giữa trưa, nhà tổ chức chỉ miễn cưỡng tạm dừng cuộc đua rồi cuối cùng đồng ý thực hiện vào khoảng 14h. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho rằng một số quan chức địa phương đã đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn, từ đó dẫn đến thảm kịch khiến 21 người chết ở tỉnh Cam Túc.

Một người sống sót được điều trị y tế sau cuộc đua. Ảnh: Reuters.

Michel Poletti, người đồng sáng lập Ultra Trail du Mont Blanc, một trong những sự kiện chạy xuyên núi hàng đầu thế giới với hai cuộc đua được nhượng quyền tại Trung Quốc, cho biết thảm kịch này gợi nhớ đến một cuộc đua khác.

“Cũng đã một tai nạn tương tự ở Pháp vào năm 2009, trong một cuộc đua (100 km) ở Mercantour. Đó là những năm bùng nổ của môn chạy đường dài, tình hình ở Pháp năm 2009 ít nhiều giống với Trung Quốc bây giờ… rất nhiều giải chạy mới”, ông nói.

“Có ba vận động viên đã thiệt mạng, chính xác vì cùng một lý do - bão lớn ập đến… một số (vận động viên) chết vì lạnh, những người khác thì trượt chân. Nhà tổ chức đã phạm một sai lầm lớn khi không dừng cuộc đua kịp thời".

Theo Zing