Tôi gặp cụ Kính trong ngôi nhà cấp 4, mái lợp xi măng ở số 70 phố Quán Sứ (Hà Nội). Căn nhà ước khoảng chục mét vuông, vừa đủ cho cụ Kính và người con út chui ra chui vào. Bên trong ngôi nhà không có vật dụng đáng giá, tôi chú ý là cỗ tràng hạt trên ban thờ và một chum đầy thóc.
Cụ Kính kể, sinh được ba trai, ba gái. Hai con trai của cụ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Ba con gái hiện sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Cụ ở với con trai út.
Nhiều lần, cậu út khuyên cụ nghỉ ngơi, dưỡng già, nhưng cụ vẫn quyết tâm: ngày nào còn sống, còn làm được việc giúp ích cho bản thân và cho đời thì cứ làm. Đó là niềm vui và hạnh phúc!
Trước mặt tôi, cụ già tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, lúi húi gom những hạt thóc, gạo vương ra sàn nhà, cho vào túi nilon. Cụ bảo, để mang chúng cho bầy chim sẻ...
Theo lời cụ Kính, từ năm 1973 đến nay, năm nào, cụ cũng bốn lần rong ruổi khắp nơi, tìm mua những chú chim sẻ do người dân bẫy bắt, nhốt trong lồng hoặc trong quán ăn.
Nhiều lần, cụ kể, còn về tận Nam Định, Thái Bình, thậm chí lặn lội vào Nghệ An, Hà Tĩnh, để tìm mua những chú chim chẳng may dính bẫy. Mua về, cụ chăm sóc chúng khỏe mạnh rồi phóng sinh.
Trước đây, giá chim sẻ chỉ 5.000 - 7.000 đồng/con, mỗi quý, cụ Kính mua 200 - 300 con. Bây giờ, giá chim từ 12.000 - 15.000 đồng/con nên số tiền cụ làm mấy tháng trời cũng chỉ đủ mua 50 - 100 con chim mất tự do.
Ngoài việc bỏ công sức, tiền túi “cứu” chim, mỗi tháng, cụ Kính còn mua khoảng 30 kg thóc để làm thức ăn “bồi dưỡng” cho đàn sâu, sẻ.
Ngày nào cũng vậy, cụ cho lũ chim ăn ba bữa: 7 giờ sáng, 11 giờ trưa và 17 giờ. "Có những hôm, lũ chim đói quá, tôi cho ăn, chúng cứ tíu tít quanh chân. Những lúc như thế, tôi thấy trong lòng rất vui sướng, hạnh phúc” - cụ Kính tâm sự.
Nuôi chim trời
Đến giờ, người dân phố Quán Sứ đã quá quen với hình ảnh cụ già, sáng sáng, ngồi bán vàng mã... trước hiên nhà, mang thức ăn cho đàn sẻ.
Chị Trần Ngọc Bích, một người sống gần nhà cụ Kính, nói: “Cứ 7 giờ sáng, hàng trăm con chim sẻ rủ nhau về trước cửa nhà cụ Kính để nhặt thóc. Có trưa vắng người, chúng còn đậu cả lên vai cụ Kính.
Tiếng chim ríu rít cả một góc phố. Chim hót làm khu phố trở nên nhộn nhịp, vui tươi hơn. Việc cụ Kính làm giúp người dân chúng tôi thêm yêu thiên nhiên, yêu cảnh quan môi trường hơn nữa”.
Chị Bích cho biết thêm, bọn trẻ ở khu phố ban đầu còn bắt trộm chim, về sau, cụ Kính biết và nhắc nhở nên chúng không còn bắt trộm nữa.
Cụ Kính bảo, tiền kiếm được, dành mua thóc, gạo cho những chú chim sẻ, chim sâu vẫn làm tổ trên cây cổ thụ dọc phố Quán Sứ.
“Tôi bắt đầu việc chăm sóc những chú chim này từ mấy chục năm trước. Hồi đó, tôi còn nặng gánh gia đình, cuộc sống đầy lo toan vất vả. Nhưng, không hiểu sao, mỗi sáng thức dậy, được nghe tiếng chim hót líu lo, tôi thấy trong lòng bình yên lắm...".
Cụ bảo, chú chim sẻ đầu tiên được cụ đưa về nhà nuôi là từ năm 1973. “Ngày ấy, việc săn bắt chim không tàn bạo như bây giờ. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại, đất đai ngày càng hẹp, chẳng còn nhiều nơi ở cho chim nữa. Tôi mới nảy ra việc mang thóc cho chim ăn, dụ chúng về sinh sống trên những tán cây cổ thụ trong khu phố và trong chùa Quán Sứ”.
Sau nhiều năm cần mẫn mua gom chim và “gọi” chim về phố xây tổ, bây giờ, bầy chim lên tới hàng nghìn con. Cụ bảo, đàn sẻ thường làm tổ trên cây quanh nhà cụ, trong chùa Quán Sứ và trên những cây sấu, xà cừ... của những hộ dân gần đó. Mỗi lần mưa bão, gió to, trứng chim rơi nhiều. Vì thế, mỗi lần có mưa hoặc gió to, cụ đi dọc khu phố và quanh những gốc cây to để tìm chim non không may rơi khỏi tổ.
“Nhiều lần, chim sẻ mới nở, da vẫn còn đỏ hồng, không may rơi xuống vỉa hè hoặc mái nhà dân, tôi mang về ủ ấm, chăm sóc. Có con non quá, khi rơi xuống bị va đập mạnh vào vỉa hè nên không sống nổi. Trông cảnh ấy, tôi không cầm được nước mắt...” - cụ Kính kể với giọng xúc động.
Việc làm của cụ Kính đã tác động đến nhiều người dân trong khu phố. Không ít người sau cơn mưa lớn, để ý xem trong sân nhà mình có chú chim nào bị rơi xuống hay không để mang tới cho cụ chăm sóc, nuôi dưỡng. Thường, cụ chỉ cần đặt những chú chim non này trước cửa và vãi thóc, một lát sau chim mẹ bay tới cắp con đưa về tổ. Nhưng cũng có trường hợp chim non bị thương, hoặc có quả trứng còn lành lặn, cụ phải giữ lại để ấp cho nở, chăm sóc cẩn thận rồi mới trả chúng về với tự nhiên...