Nghịch lý 9 con không nuôi nổi mẹ già
Ở góc đường An Dương Vương - Khiếu Năng Tĩnh (quận Bình Tân, TPHCM) ban ngày lúc nào cũng có một bà cụ ngồi co ro, không ngừng vẫy tay mời chào người qua đường mua trái cây.
Đó là cụ Lưu Thị Thà (ngụ tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh), năm nay đã 92 tuổi. Chồng mất sớm, từ hơn 40 năm trước. Gần nửa thế kỷ qua, một tay bà nuôi dưỡng 9 người con.
Thời gian chồng mới mất, bà Thà chạy đủ thứ nghề, hễ ai kêu gì thì làm nấy, chắt chiu từng đồng để lo đủ 10 miệng ăn trong nhà. Dù có không ít người theo đuổi, muốn chia sớt nỗi cực nhọc với bà, nhưng đều nhận cái lắc đầu từ người phụ nữ góa bụa.
Cụ bà quan niệm: "Con là do mình sinh ra, mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng. Đi bước nữa thì có lẽ tôi sung sướng, nhưng con tôi khổ. Vậy thôi, tôi thà ở vậy, nuôi con tới khi nào không được nữa thì thôi".
Nhiều năm vất vả nuôi con, bà Thà chỉ mong đợi ngày các con trưởng thành, có thể phụng dưỡng, an ủi mẹ. Ngờ đâu số phận nghiệt ngã, khiến 4 con trai đầu của bà lần lượt ra đi.
"Chưa kịp mừng vì sinh đứa con đầu, tôi bàng hoàng phát hiện con bất thường, bệnh tật. Sau này, thằng hai, ba, tư lần lượt lìa bỏ mẹ, rồi thằng con đầu cũng mất luôn. Lúc đó tôi đau khổ lắm, mọi hy vọng, điểm tựa đều tan biến", bà Thà nghẹn ngào.
Dù còn sống, nhưng người con trai út của bà cũng bệnh tật, "nửa tỉnh, nửa mê". Tuổi đã ngoài 50 nhưng anh như đứa trẻ, lúc nào cũng khóc đòi mẹ. Bà Thà dù đã lớn tuổi, nhưng vẫn chăm sóc, lăn lộn kiếm tiền nuôi anh đã hơn nửa đời người.
"Con tôi nó không biết gì hết, lúc nào cũng cười cười, thỉnh thoảng lại lên cơn đập phá khiến tôi vừa sợ, vừa thương. Nhiều lúc muốn bỏ hết, lên chùa tu nhưng nghĩ đến thằng út, tôi không kiềm lòng được", cụ bà 92 tuổi kể, gương mặt nhăn rúm dù nước mắt cũng đã cạn khô.
Các con trai đều đau yếu, yểu mệnh, bà Thà còn 4 người con gái thì đều lấy chồng xa, gia đình riêng cũng khó khăn, mỗi người 2 - 3 con nên không đủ kinh tế lo cho bà và cậu út. Mẹ già thỉnh thoảng được an ủi khi có cô gửi cho mẹ vài trăm nghìn hoặc túi gạo rồi lại hối hả, bặt tăm với cuộc sống riêng.
Hiểu được hoàn cảnh của các con, bà cụ 92 tuổi chưa từng hỏi đòi điều gì, tự bươn chải sớm hôm với cuộc mưu sinh nơi hè phố Sài Gòn.
Ước mơ của mẹ
Trước đây, bà Thà từng ở Tiền Giang, bán đồ ăn sáng, rồi đi cắt cỏ mướn. Mãi sau này, thấy công việc không kiếm đủ tiền mua thuốc cho con, bà đã lặn lội dắt díu con út ngây dại hơn 120 km lên TPHCM. Không nhớ nổi bản thân đã dắt con lên thành phố từ khi nào, bà Thà lẫn lộn những ký ức, lúc ngỡ 10 năm, lúc nhẩm tính lại thì có lẽ 15 năm.
Mỗi ngày, bà Thà thường dậy rất sớm để sắp xếp công việc trong nhà, qua nhờ hàng xóm trông coi, giúp cho cậu út ăn. Sau khi khóa cửa cẩn thận, bà đón xe ôm, đi từ nhà đến điểm bán.
Có khi bà phải ghé chợ đầu mối lấy trái cây từ 2h sáng để có hàng đi bán. Thường thì chủ vựa không thu tiền trước, để bà bán hết rồi mới lấy sau. Cứ bán xong 1 ngày, bà đem tiền trả, ngày nào mưa gió, bán ế thì bà Thà đành kiên nhẫn ngồi thêm 2-3 ngày cho hết số hàng đã lấy.
Người dân ở đây hầu như ai cũng biết hoàn cảnh của bà Thà. Những người sống trong con hẻm nhỏ thì thay phiên cho bà ít cơm, nước uống hay đơn giản là mua hàng giúp, nhiều người biếu bà cụ luôn tiền dư.
"Lúc nào có công việc đi ngang đây tôi đều ghé mua trái cây phụ bà. Nhìn cảnh này tôi thấy thương quá. Trong khi bà nội mình đã về hưu, được con cháu phụng dưỡng thì bà Thà vẫn phải mưu sinh, kiếm tiền nuôi con", chị Như Quỳnh (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ.
Dù nắng hay mưa thì bà vẫn ra đầu đường bán. Hôm nào mệt mỏi, bà vẫn cố sức đi mua thuốc uống rồi dậy bán tiếp chứ không dám nằm viện ngày nào. Chỉ có duy nhất 1 cây dù đã rách dùng che nắng che mưa, bà lão đen sạm, da dẻ đầy vết đồi mồi vẫn nhẫn nại ngồi vỉa hè.
"Còn sức thì còn kiếm tiền, ngồi ở đây hơn chục năm rồi nên tôi đã quen. Tôi cũng không có ước mơ gì, chỉ mong cho hai mẹ con khỏe mạnh, còn ở bên nhau lúc nào hay lúc đó. Tôi lo khi tôi không còn nữa, không biết con tôi sẽ ra làm sao", cụ bà thở dài nơi góc phố.
Link gốc: https://dantri.com.vn/an-sinh/cu-ba-92-tuoi-ban-dao-muu-sinh-khi-9-con-khong-nuoi-duoc-me-20221107220502160.htm?fbclid=IwAR3C8Wos0nDb2C337ZuN76aFcTGjT4KLzqglBAqb1w_M1sOGsM-gKlxLuj0