CSGT nghĩ gì khi bị 'quy' ngành tham nhũng nhiều nhất?
> Những 'con sâu' trong ngành CSGT
> CSGT không được phép hỏi 'xe chính chủ hay không'
Là một chiến sĩ trong lực lượng CSGT Hà Nội, Thượng tá Lê Đức Đoàn không mấy bất ngờ với kết quả cuộc khảo sát này...
“Tiêu cực hay không tiêu cực, ở bất kì cơ quan nào, lĩnh vực nào, bất kì ngành nghề nào, từng lúc, từng nơi vẫn còn những con người gây bức xúc phiền hà cho nhân dân. Cái đó chỉ là “con cá lá rau”, hay nói thẳng ra là những “con sâu” trong ngành, chứ không thể đánh đồng tất cả các chiến sĩ CSGT luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách gương mẫu…”
Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) đã trao đổi với PV về kết quả khảo sát do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố sáng 20-11, trong đó CSGT được cho rằng tham nhũng nhiều nhất.
Là một chiến sĩ trong lực lượng CSGT Hà Nội, Thượng tá Lê Đức Đoàn không mấy bất ngờ với kết quả cuộc khảo sát này, đặc biệt khi mà lực lượng CSGT được các ý kiến đánh giá là ngành có nhiều tham nhũng nhất. Tuy nhiên, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, tiêu cực hay không tiêu cực, ở bất kì cơ quan nào, lĩnh vực nào, bất kì ngành nghề nào, từng lúc từng nơi vẫn còn những con người gây bức xúc phiền hà cho nhân dân.
“Cái đó chỉ là “con cá lá rau”, hay nói thẳng ra là những “con sâu” trong ngành, chứ không thể đánh đồng tất cả các chiến sĩ CSGT luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách gương mẫu”, Thượng tá Lê Đức Đoàn nhận định.
Theo thượng tá Lê Đức Đoàn, xã hội nên nhìn nhận vai trò của đội ngũ CSGT một cách tích cực hơn. Thực tế cả tuyến đường dài, những cung đường, tuyến phố, nơi tập trung đông dân cư, đông phương tiện tham gia lưu thông, nhất là trong giờ cao điểm, không có lực lượng CSGT thì sẽ như thế nào? Đường phố sẽ tắc nghẽn kéo theo nhiều hệ lụy. Thực tế chứng minh, có rất nhiều chiến sĩ CSGT đã không quản hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trước ý kiến của nhiều người cho rằng, hiện nay sở dĩ có tệ nạn tham nhũng trong một số cán bộ ngành CSGT là do chưa có sự chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, thiếu trọng tâm trọng điểm và người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết: “Nhà nước ta luôn chỉ đạo toàn ngành phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, phục vụ nhân dân vô điều kiện. Ngay CSGT Hà Nội, Giám đốc ngành có ký quy tắc số 11 về ứng xử văn hóa giao thông. Trong đó có 12 điều cấm, và 8 điều không được làm. Hơn nữa, pháp lệnh xử phạt hành chính 12 điều của Bộ trưởng về tinh thần phục vụ nhân dân rất rõ. Mặt khác, khi tham gia vào lực lượng CSGT, các chiến sĩ đã được rèn luyện đạo đức, nâng cao trách nhiệm rồi”.
Trao đổi về tình trạng, tại một số điểm người dân cho rằng CSGT hay “núp” để xử lý vi phạm, khi thổi phạt hay gợi ý nhắc nhở này nọ, đó có phải là dấu hiệu của một kiểu tham nhũng, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết: “Hiện nay, vấn đề đầu tư làm cầu vượt, mở rộng ngã tư, đường sá vẫn trong tình trạng quy hoạch chưa đồng bộ, giữa các tuyến giao thông trong nội thành, giữa ngoại thành và nội thành đã gây khó khăn cho lực lượng CSGT trong vấn đề xử lý những vi phạm.
Nếu đứng ở lòng đường sẽ gây cản trở cho giao thông, nên dù có chốt có trạm thì các chiến sĩ vẫn phải tìm chỗ dễ quan sát để làm nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông”.
“Có điều hiện nay ý thức của người dân khi tham gia giao thông rất kém, nhất là văn hóa ứng xử vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt với người thực thi pháp luật là chưa chuẩn. Có trường hợp CSGT xử phạt đúng luật, nhưng người vi phạm cố tình đưa chế độ để chạy chọt, khi bị khước từ lại nói này nói nọ, rồi lại nói với người khác CSGT đã nhận tiền”, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết thêm.
“Để làm giảm bớt những vấn nạn trong ngành, chiến sĩ CSGT hãy phục vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ làm theo 6 điều dạy, phải có văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, xử lý đúng vi phạm, không vu cáo người dân…”, Thượng tá Lê Đức Đoàn đưa quan điểm.
Cuộc khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố về tình trạng “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức viên chức” đã lấy ý kiến của trên 5.460 người, trong đó có 2.601 người dân, 1.058 doanh nhân và 1.801 cán bộ công chức tại 10 tỉnh thành và 5 bộ ngành. 10 tỉnh trong cuộc khảo sát này có dân số chiếm 30% dân số cả nước và đóng góp 65% GDP.
Theo đó, trên 75% ý kiến khi được hỏi cho rằng, bốn lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng, trong đó CSGT là ngành được coi là có nhiều tham nhũng nhất.
“Mặc dù, kết quả trong báo cáo khảo sát không đại diện cho ý kiến của tổng thể nhân dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công chức của Việt Nam và cũng không phải là ý kiến đánh giá của cơ quan nhà nước. Nhưng kết quả này có ý nghĩa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, những người làm công tác hoạch định chính sách về phòng, chống tham nhũng tham khảo, phục vụ nghiên cứu nhằm mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng ở Việt Nam”, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng trao đổi về mục đích của cuộc khảo sát.
Theo Hoàng Ninh
Kienthuc