Người Mỹ nhận ra họ đang đối diện với những thực tế khó khăn lâu dài khi có nhiều lời kêu gọi phải huy động nguồn lực như hồi Thế chiến 2. Một số chính trị gia thậm chí so sánh ý nghĩa lịch sử của cuộc khủng hoảng lần này với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1981, cuộc Đại suy thoái những năm 1930 và sự kiện khủng bố 11/9.
Nhưng không rõ thông điệp quyết liệt này có được mọi người hiểu đầy đủ hay không, đặc biệt là những người Mỹ trẻ tuổi – nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn virus lây lan trước khi nó lên đến ngưỡng có thể khiến hệ thông y tế Mỹ vỡ trận.
Một ví dụ là tại San Francisco, mọi người vẫn đi dạo, trượt băng và đạp xe, bất chấp lệnh yêu cầu người dân ở nhà và chỉ được ra ngoài để mua đồ thiết yếu. Các chuyên gia cảnh báo dù người trẻ không bị biến chứng nặng nếu nhiễm Covid-19 nhưng vẫn có thể lây nhiễm virus cho các nhóm dễ tổn thương như người lớn tuổi.
Trong nỗ lực cứu nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đưa ra một bức tranh ảm đạm nếu Quốc hội không hành động, rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này có thể lên đến 20% vì Covid-19. Kịch bản ác mộng đó sẽ tương đương tình trạng Đại suy thoái trong những năm 1930 và cao hơn nhiều tỷ lệ 9,9% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong lúc có những dấu hiệu cho thấy đại dịch sẽ tồn tại lâu nữa, Nhà Trắng đang tìm kiếm quyền lực bất thường để kéo nền kinh tế khỏi bờ vực.
Kế hoạch kích thích trị giá 1 nghìn tỷ USD, trong đó có việc phát tờ séc 1.000 USD cho hầu hết người dân Mỹ, lớn hơn cả Đạo luật phục hồi đã được dùng để cứu kinh tế Mỹ sau Đại suy thoái.
Tuy nhiên, vẫn chỉ có rất ít câu trả lời từ Nhà Trắng đối với thách thức nghiêm trọng nhất: tình trạng thiết trang thiết bị bảo hộ cho lực lượng y tế, máy thở và giường bệnh điều trị tích cực trong bối cảnh số ca nhiễm có nguy cơ tăng vọt.
Tổng thống Donald Trump giờ đang đối diện với một trong những thách thức lớn nhất mà bất kỳ ông chủ Nhà Trắng trong những năm gần đây gặp phải. Đó là mỗi lời nói của ông đang bị “soi” để tìm ra bằng chứng xem ông đã sẵn sàng cho cuộc chiến không biên giới và vô hình này hay chưa.
“Chúng ta phải chiến đấu với kẻ thù vô hình”, ông Trump nói hôm 17/3, trong khi Mỹ đã có hơn 1.500 ca bệnh, số ca tử vong chạm mốc 100 và Covid-19 hiện diện ở tất cả các bang của nước này.
TS Anthony Fauci, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói rằng phải chờ vài tuần nữa mới biết các cơ chế tự cô lập nghiêm ngặt có làm phẳng đường cong lây nhiễm trước khi nó lên mức đủ khiến hệ thống y tế công cộng của Mỹ sụp đổ hay không. Phát biểu của ông được coi là lời báo động vì cho thấy nền kinh tế sẽ không chỉ phải ngưng hoạt động trong vài tuần mà có thể đứng im vài tháng.
Các quán bar, cafe, nhà hàng và rạp chiếu phim đều phải đóng cửa. Các hãng hàng không cắt giảm hoạt động. Các cửa hàng tắt điện.
“Chúng ta đang thấy một sự sụp đổ hàng loạt của nền kinh tế ở quốc gia này”, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley nói với CNN.
Bộ trưởng Mnuchin vận động các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ một kế hoạch giải cứu trước đó của Hạ viện, trước khi đề xuất triển khai gói hỗ trợ 1 nghìn tỷ USD lớn hơn thế.
“Đó là một con số lớn... Đây là một tình huống rất khác biệt của nền kinh tế”, ông Mnuchin nói.
Tại Úc, Thủ tướng Scott Morrison vừa tuyên bố dịch Covid-19 là “sự kiện 100 năm có một. “Chúng ta chưa từng thấy tình trạng như thế này ở Úc kể từ sau Thế chiến 1, nhưng cùng với nhau, chúng ta sẽ vượt qua thách thức này”, ông Morrison nói tại cuộc họp báo hôm nay, Reuters đưa tin.