COVID-19 có báo hiệu một cuộc chiến tranh sinh học không?

TPO - Robert Farley, giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Lục quân Mỹ cho rằng câu trả lời là không. Theo ông, không có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về khả năng một cuộc chiến tranh sinh học, trong bài viết trên National Interest.
Dù có nhiều đồn đoán liên quan đến COVID-19, chuyên gia nói khó có khả năng về một cuộc chiến tranh sinh học.

Nhưng những người theo thuyết âm mưu ở cả Trung Quốc và Mỹ đã cáo buộc bên kia phát triển và sau đó phát tán virus, dù cố ý hay vô tình. Những cáo buộc về việc sử dụng chiến tranh sinh học từ lâu đã vượt xa bằng chứng thực tế về các cuộc tấn công như vậy.

Chẳng hạn, người Athen đổ lỗi cho người Sparta đầu độc giếng nước và gây ra dịch bệnh khi bắt đầu chiến tranh Peloponnesian. Thực tế, trong khi một số quốc gia đã cố gắng tiến hành chiến tranh sinh học, họ hiếm khi thành công.

Ngay cả khi khoa học vi sinh học đã phát triển, sự thiếu chính xác và không kiểm soát được của các tác nhân sinh học đã ngăn cản việc sử dụng chúng. Nói một cách dễ hiểu là giả dụ Mỹ tung ra vũ khí sinh học nhằm vào Trung Quốc thì chính nước Mỹ sau đó cũng “dính đòn”.

Nguy cơ rõ ràng nhất của việc sử dụng thứ truyền nhiễm làm vũ khí là nó sẽ quay lại tấn công kẻ chủ mưu.

Thành công của một cuộc chiến tranh sinh học phụ thuộc rất lớn vào khả năng phân biệt “địch-ta”, và thực tế đã chứng minh rất khó tạo ra các tác nhân có thể phân biệt bạn và thù.

Vũ khí sinh học hoạt động tốt nhất trong điều kiện khi một bên có khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc khi các yếu tố tác động dẫn đến lợi thế ngầm cho bên này hoặc bên kia (ví dụ như bệnh tấn công những người phòng thủ bị bao vây, không thể tránh tiếp xúc gần với nhau).

Ngoài ra, một cuộc tấn công sinh học có thể dẫn đến lợi thế nếu hệ thống chính trị và kinh tế của những người phòng thủ ít có khả năng vượt qua đại dịch hơn so với kẻ tấn công. Ví dụ, kẻ tấn công có thể lý giải rằng các hệ thống quản lý khủng hoảng của họ có khả năng phục hồi tốt hơn so với người phòng thủ, hoặc các đặc điểm của bệnh sẽ (vì sự khác biệt trong lối sống và văn hóa) có tác động đột phá hơn đối với người phòng thủ so với kẻ tấn công.

Tương tự, sự khác biệt trong thói quen ăn uống có thể khiến các cuộc tấn công sinh học chống lại một số loại vật nuôi hoặc các mặt hàng nông sản khác gây ra tàn phá nghiêm trọng hơn đối với người phòng thủ hơn là kẻ tấn công.

Tuy nhiên, do không thể đoán trước được các hệ thống chính trị kiên cường sẽ chống lại một cuộc chiến tranh sinh học như thế nào, gây ra một đại dịch chung với hy vọng ta phải chịu đựng tương đối ít hơn một kẻ thù là rủi ro vô cùng lớn, vô đạo đức và bất hợp pháp theo các công ước quốc tế hiện có.