> Công ty Rượu nếp 29 Hà Nội đóng cửa
> Bộ Y tế công bố 3 loại rượu có thể gây chết người
> Sáu người chết vì rượu độc: Thu hồi sản phẩm, khởi tố vụ án
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Cty Cổ phần XNK 29 Hà Nội (gọi tắt Cty 29) từng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý liên quan chất lượng và các thủ tục, quy định về việc sản xuất, kinh doanh rượu. Từ năm 2009 tới nay, cơ quan chức năng đã 5 lần kiểm tra, xử phạt Cty này.
Ngày 5/12/2009, Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra Cty 29, phát hiện Cty không có giấy phép sản xuất rượu, không thông báo địa điểm kinh doanh, không có giấy chứng nhận tập huấn VSATTP. Đội QLTT số 17 lập biên bản đề xuất Chi cục QLTT Hà Nội xử phạt Cty 11,2 triệu đồng.
Ngày 29/12/2011, Đội QLTT số 14, phối hợp Phòng 6 C49 (Bộ Công an) kiểm tra Cty 29, tạm giữ 268 chai rượu vang đỏ loại 10vol, 750ml có dấu hiệu kém chất lượng so với bản công bố chất lượng. Ngày 9/1/2012, Đội QLTT số 14 lập biên bản và quyết định xử phạt Cty 4 triệu đồng. Ngày 14/9/2012, Đội QLTT số 16 lại kiểm tra Cty 29, xử phạt 3 triệu đồng về hành vi ghi nhãn không đúng quy định.
Ngộ độc rượu có methanol cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng và nếu có cứu sống được thì người bệnh có thể bị biến chứng mù mắt suốt đời
PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)
Theo tìm hiểu của phóng viên, địa chỉ Cty 29 ghi trên can rượu dung tích 2 lít là số 40 Vũ Xuân Thiều (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội). Tuy nhiên, Cty đăng ký tại danh bạ điện thoại của VNPT Hà Nội lại ở số 214 chợ Mới, Thạch Bàn, Long Biên, còn trụ sở phóng viên tiếp cận ở số 80/310 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên chiều 9/12, tại trụ sở trên, Cty 29 đóng cửa im ỉm.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hùng, Trưởng Công an quận Long Biên, nói, việc uống “Rượu nếp 29 Hà Nội” khiến một số người chết xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh. Việc này, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Bộ Công an khởi tố vụ án và tiếp tục điều tra. “Chúng tôi đã kiểm tra, cho thấy, Cty 29 có đầy đủ thủ tục giấy tờ theo quy định. Về chất lượng rượu, phải chờ cơ quan chuyên môn kết luận”, ông Hùng nói.
Thế nhưng, trong buổi làm việc với lực lượng liên ngành TP Hà Nội ngày 7/12, ông Nguyễn Duy Vường, Giám đốc Cty 29, lại không xuất trình được giấy tờ theo quy định. Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đề nghị ông Vường và Cty phải có trách nhiệm thông báo với các đại lý, những điểm bán hàng, tạm dừng lưu thông các sản phẩm rượu của Cty trên toàn quốc.
Đình chỉ hoạt động
Theo văn bản chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ngày 9/12, thành phố yêu cầu tạm thời đình chỉ ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty 29; niêm phong sản phẩm hàng hóa, dây chuyền sản xuất, kho hàng để tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải tịch thu, tiêu hủy, không cho phép mua, bán, sử dụng các sản phẩm rượu của Cty 29 có hàm lượng methanol vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, thành phố cũng giao Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh.
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ngay khi nhận được thông tin về các trường hợp ngộ độc rượu đã yêu cầu lực lượng QLTT phối hợp ngành y tế kiểm tra ngay doanh nghiệp và bảo vệ hiện trường. Theo lãnh đạo Sở giấy phép sản xuất rượu của Cty 29 được Sở cấp ngày 6/1/2010 cho sản phẩm rượu mạnh (Vodka, rượu nếp, whisky) và rượu vang tại địa chỉ sản xuất số 40 Vũ Xuân Thiều, phường Sài Đồng (Long Biên).
Trong hồ sơ xin cấp phép, Cty này đã cung cấp giấy chứng nhận cơ sở có đủ điều kiện VSATTP số 1976 do Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cấp và giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm rượu cao độ (rượu nếp) do Sở Y tế cấp ngày 20/5/2009. Theo lý giải của Sở Công Thương, do ngày 21/5/2012 đơn vị này đã được Chi cục ATVSTP Hà Nội cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy này có giá trị 3 năm kể từ ngày cấp nên đến thời điểm hiện tại chưa phải xin cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại Sở Công Thương.
Quản lý thị trường: Hậu kiểm rượu là cơ quan y tế
Đó là khẳng định của lãnh đạo Đội QLTT số 16 (Chi cục QLTT Hà Nội) liên quan vụ ngộ độc rượu khiến 6 người tử vong tại Quảng Ninh do uống Rượu nếp 29 Hà Nội.
Ngày 9/12, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Đội QLTT số 16, đơn vị có trách nhiệm quản lý các loại hàng hóa lưu thông ở quận Long Biên (Hà Nội), cho biết: Rượu nếp 29 Hà Nội gây ngộ độc chết người sản xuất tại Hà Nội. Chi cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo đội QLTT các quận, huyện kiểm tra, cảnh báo để người dân không dùng loại rượu này. “Lực lượng QLTT chỉ có chức năng kiểm tra khi hàng hóa lưu thông, việc hậu kiểm xem sản phẩm rượu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thuộc chức năng của cơ quan y tế”, vị lãnh đạo nói.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, rượu là hàng hóa bị hạn chế sản xuất nên để sản xuất được rượu, các công ty phải đáp ứng nhiều điều kiện cần và đủ. Cụ thể, đơn vị sản xuất phải có một loạt giấy tờ liên quan như: giấy phép đăng ký kinh doanh; các loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện kinh doanh; các loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… “Khi đưa rượu ra thị trường, nếu sản phẩm rượu đó không đáp ứng các điều kiện khắt khe, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, công ty đó phải tự chịu trách nhiệm”, vị lãnh đạo nói.
Thu hồi hàng loạt rượu không an toàn
Ngày 9/12, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo kết quả xử lý sản phẩm rượu có hàm lượng methanol cao của Cty 29. Tại Quảng Ninh, đã thu giữ gần 6.000 sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” loại bình nhựa 2 lít, trong đó có 4.047 sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” sản xuất ngày 12/10/2013. “Rượu nếp 29 Hà Nội”, bình nhựa 2 lít với số lượng nhập 400 thùng (6 bình/thùng), nhập và xuất toàn bộ hàng cùng ngày 29/11/2013 cho Đại lý Đỗ Thị Thanh Hằng, tại số 13 B Trần Hưng Đạo, Quảng Yên, Quảng Ninh (đã được cơ quan chức năng Quảng Ninh thu hồi).
Tại Hải Dương, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra có 5 đại lý lớn kinh doanh rượu tại TP Hải Dương và 1 tại thị xã Chí Linh. Đoàn đã kiểm tra được 2/4 đại lý đang kinh doanh rượu tại TP Hải Dương, 2 cơ sở đóng cửa chưa kiểm tra được. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân Sáng Nhàn (địa chỉ 199 Trương Mỹ, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cam kết không kinh doanh sản phẩm rượu của Cty 29. Phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Hưng Thủy (120 phố Bạch Năng Thi, TP Hải Dương) mới nhập và kinh doanh 2 loại rượu của Cty 29 Hà Nội, tuy nhiên tại 2 kho không còn sản phẩm nào. Rượu vang nổ loại chai thủy tinh 750 ml (thuộc danh mục rượu có hàm lượng methanol cao phải thu hồi) với số lượng 50 thùng (12 chai/thùng), nhập ngày 29/11/2013, đã xuất hết cho 16 cơ sở bán lẻ chủ yếu tại huyện Kinh Môn, Nam Sách, Ninh Giang, Sao Đỏ.
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng niêm phong kho với 11 danh mục sản phẩm gồm 371 thùng và 12.716 đơn vị sản phẩm. Tất cả sản phẩm này đều ngày sản xuất 12/10/2013. Cục An toàn Thực phẩm cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tại các địa phương thu hồi, xử lý và cập nhật thông tin đến người tiêu dùng.
PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết hằng tuần đều tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu, hầu hết là nam giới, trong độ tuổi 20-40. Kết quả xét nghiệm mẫu máu lấy từ các bệnh nhân ngộ độc rượu cho thấy, trong máu có nhiều chất độc, chủ yếu là chất methanol.
Methanol không chỉ gây hại cho sức khỏe mà đôi khi có thể gây tử vong. Ngộ độc rượu gây hệ luỵ lâu dài, người thường xuyên uống nhiều rượu phải đối mặt nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ...