Công nhân gồng mình trong bão giá: Bụng đói đến nhà máy

TP - Với tổng thu nhập bao gồm cả tiền tăng ca khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong bối cảnh giá cả của hầu hết hàng hóa - dịch vụ liên tục leo thang, nhiều công nhân buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, kể cả bữa ăn thiết yếu trong ngày mới đủ trang trải cuộc sống. Con em của nhiều công nhân lao động nhập cư đứng trước nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng…

Mệt không dám nghỉ

Tiếp xúc với phóng viên Tiền Phong, một số công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp Sóng Thần 2 (phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, nhiều người mang bụng đói đến nhà máy làm việc. Anh Nguyễn Văn Long (công nhân làm việc tại một công ty trong KCN Sóng Thần 2) bộc bạch: “Tôi nhịn ăn sáng lâu ngày thành thói quen. Ban đầu, bụng cồn cào, làm đến trưa nên rất mệt nhưng bây giờ quen rồi”.

Nhiều công nhân ở Bình Dương nhịn ăn sáng khi đến nhà máy. Ảnh: H.C

Quê ở Quảng Bình, chị Nguyễn Thu Thảo (công nhân công ty may ở huyện Bắc Tân Uyên) đến Bình Dương mưu sinh đã hơn 6 năm với 2 lần thay đổi nơi làm việc vì lương không đủ trang trải. Chị kể, khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu 2021, công ty ngưng hoạt động. Nghỉ không lương, vợ chồng chị tính chuyện về quê nhưng rồi nán lại. Cả hai trở lại nhà máy làm việc từ cuối năm 2021. Thu nhập hai vợ chồng cộng lại hơn 13 triệu đồng/tháng, không đủ xoay xở khi giá cả hàng hóa tăng cao, hằng tháng phải gửi tiền về quê cho ông bà và các con đi học. “Để đủ trang trải, tôi phải nhịn buổi sáng. Hôm nào đói bụng quá thì mua ổ bánh mì dọc đường. Cơm trưa công ty lo, tối về chỉ dám mua mớ rau, quả trứng hay cá nuôi bán dọc đường về nấu ăn”, chị Thảo chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh, anh Bùi Văn Nhi (quê Đồng Tháp, công nhân Khu công nghiệp Đại Đăng ở TP Thủ Dầu Một) cho biết, nhiều hôm, hai vợ chồng không dám mua gói mì ăn sáng, nhịn đói đến công ty. Nhiều hôm mệt quá, anh muốn bỏ việc về quê nhưng nghĩ đến tương lai con cái, lại phải gắng gượng đi làm.

Chị Nguyễn Thị Tâm (công nhân thuê trọ tại phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) kể, không ít công nhân đến công ty bị ngất xỉu vì đói và mệt. “Tháng trước, đang làm việc, tôi ngất xỉu và được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu. Sau khi được truyền nước, tôi khỏe lại, hôm sau lại tiếp tục đi làm. Công ty cho nghỉ 7 ngày nhưng tôi không dám nghỉ. Tôi có 3 con, 2 đứa lớn đang học tiểu học, con nhỏ gửi nhà trẻ. Mỗi tháng, tiền ăn học của các con hơn 8 triệu đồng, tiền nhà trọ hơn 1 triệu đồng, tiền ăn 4 triệu đồng, xăng xe 800.000 đồng…. Tổng thu nhập kể cả tăng ca mỗi tháng của hai vợ chồng là 15 triệu đồng, nếu nghỉ dưỡng bệnh thì tiền đâu mà lo cho các con”, chị Tâm nói

Ghi nhận tại các khu công nghiệp ở Bình Dương như Việt Hương, Sóng Thần, Kim Huy, Đại Đăng… cho thấy, ngoài những công nhân bụng đói đến nhà máy, rất nhiều trường hợp mua thức ăn bày bán trước cổng công ty giá từ 10.000 - 15.000 đồng/suất. “Ăn lấy sức làm chứ chẳng ngon lành gì đâu; chưa kịp tiêu thì phải vào nhà máy rồi”, anh Nguyễn Kha (ngồi ăn mì trộn trước cổng công ty trong khu công nghiệp Sóng Thần 2) nói.

Nguy cơ con em thất học

Bữa cơm tối của một gia đình công nhân ở trọ tại phường 16, quận 8, TPHCM chỉ vỏn vẹn có đĩa cá khô kho mặn. Ảnh: Uyên Phương

Giữa lúc đang bộn bề khó khăn bởi giá cả các mặt hàng leo thang, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương mới đây trình UBND và HĐND tỉnh về tăng mức học phí khiến nhiều gia đình công nhân lao động ở Bình Dương càng thêm lo lắng. Hiện nay, học sinh của tỉnh đang đóng học phí từ 60.000-80.000 đồng/người/tháng. Nếu nghị quyết được thông qua, từ năm 2022-2023, học phí tăng gần gấp 4 lần. Cụ thể, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 300.000 đồng/người/tháng đối với học sinh ở thành thị và 100.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn.

“Ai cũng muốn hy sinh bản thân để lo tương lai cho con nhưng không phải muốn là làm được. Tôi có 2 con đang học cấp 1 ở Bình Dương nhưng không dám nghĩ đến cửa đại học, gắng được đến đâu hay đến đó, trong khả năng thôi”, chị Nguyễn Thị Thúy (quê Đắk Lắk, công nhân trọ tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một) chia sẻ.

Chị Bùi Thị Tuyết (công nhân ở trọ tại phường Bình Hòa, TP Thuận An, Bình Dương) cho biết, thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở Bình Dương, công ty chị cắt giảm nhân sự để làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”. “Tôi nghỉ làm công ty từ tháng 8/2021 và bây giờ hai mẹ con đi bán vé số. Bé học hết lớp 5 thì nghỉ giữa chừng. Bây giờ, hai mẹ con kiếm tiền nuôi con trai đang học lớp 2 ở dưới quê” chị Tuyết tâm sự.

Tiếp xúc các đại biểu HĐND tỉnh mới đây, nhiều cử tri Bình Dương bày tỏ quan ngại về đời sống công nhân lao động nhập cư trước “bão” giá. Cử tri Thái Lệ Thanh (khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một) cho biết, không ít gia đình công nhân có 3 con thì 1 con phải nghỉ học vì thiếu tiền đóng học phí. “Ngay nơi tôi đang sống, có nhiều gia đình đến Bình Dương làm việc. Cha mẹ đi làm công nhân, để con ở lại phòng trọ vì không có tiền đóng học phí. Con còn nhỏ thì gửi phòng trọ kế bên để đi làm. Có những đứa trẻ theo cha mẹ khi còn nhỏ, khi trở về quê thì không được học hành đến nơi đến chốn. Nếu tăng học phí, thêm nhiều con em công nhân có nguy cơ mù chữ”, bà Thanh lo ngại.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương vừa khảo sát ngẫu nhiên hơn 2.000 công nhân lao động trên địa bàn. Kết quả, 77,4% người có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, trong đó từ 5 triệu - 7 triệu đồng/tháng chiếm 40,5%, từ 7 - 10 triệu đồng/tháng chiếm 36,9%. Số còn lại có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng. Về khả năng tích lũy, 42,1% không đủ trang trải, 52,5% vừa đủ trang trải chi tiêu hằng tháng. Có tích lũy chỉ chiếm 5%.