Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), tiếp cận thông tin quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhân. Nếu không có thông tin thì người dân sẽ không thực hiện được chức năng: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân giám sát. Vì thế, các quy định trong luật cần đảm bảo nguyên tắc “công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ”, tránh bưng bít thông tin.
Cũng theo bà Tuyết, việc cung cấp thông tin cho người dân phải kịp thời, chính xác, nhất là những thông tin liên quan đến sức khỏe và ảnh hưởng đến số đông người dân. “Đối với những thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…, liên quan đến sức khỏe, sự an toàn tính mạng của chính người dân thì phải cung cấp nhanh nhất, chứ 5 ngày sau khi có yêu cầu mới cung cấp thì hơi muộn, không đáp ứng nhu cầu “khẩn cấp”. Do đó, cần nghiên cứu rút ngắn thời gian cung cấp thông tin xuống một cách tối đa để người dân kịp thời biết mà phòng tránh, cũng như ngăn chặn thực phẩm bẩn”, bà Tuyết đề nghị.
Đề cập đến quy định cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng chưa đầy đủ. Nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân rất đa dạng, không chỉ từ cơ quan Nhà nước mà còn cả từ các tổ chức chính trị, các chủ thể tiêu tiền ngân sách, các doanh nghiệp Nhà nước, bệnh viện, trường học… “Có mở rộng buộc các cơ quan trên cung cấp thông tin thì mới đáp ứng được yêu cầu dân biết, dân làm, dân kiểm tra, và đó chính là giải pháp then chốt chống tham nhũng”, ông Vinh góp ý. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng ủng hộ đề xuất trên và đề nghị quy định rõ trong Dự thảo là: Tất cả các cơ quan hưởng ngân sách Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, hầu hết các thông tin mà người dân quan tâm là các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình do các cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nắm giữ. Do đó, dự thảo Luật quy định cơ quan Nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là phù hợp. Quy định này cũng nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc công khai, minh bạch các hoạt động của mình trước Nhân dân. Còn các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước, theo ông Lý, việc cung cấp, công khai thông tin đã được thực hiện theo điều lệ, quy chế, tôn chỉ mục đích của mình và theo quy định tại các văn bản pháp luật cụ thể như: Luật phòng, chống tham nhũng, Luật đầu tư, Luật ngân sách, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.... Vì vậy, việc giữ nguyên quy định như trong Dự thảo là phù hợp.