Công đoàn “kêu” khó kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm

TP - Trong khi tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn diễn ra phổ biến thì việc khởi kiện doanh nghiệp (DN) để bảo vệ quyền lợi người lao động (LĐ) lại gặp rất nhiều vướng mắc. Câu chuyện dường như không có hồi kết dù tới nay đã hơn 1 năm rưỡi việc khởi kiện DN nợ BHXH được chuyển cho tổ chức công đoàn thực hiện.

Chưa có vụ kiện nào

Mới đây, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình DN năm 2016. Việc giám sát được triển khai tại Hà Nội, TPHCM và Bình Dương. Qua giám sát, tổng số tiền DN nợ BHXH của 3 địa phương là trên 5.723 tỷ đồng. Trong đó, các DN tại Hà Nội nợ hơn 2.187 tỷ đồng, TPHCM nợ hơn 2.753 tỷ đồng, Bình Dương nợ hơn 782 tỷ đồng.

Dù số nợ đóng BHXH lớn như vậy, nhưng tới thời điểm giám sát, tại cả 3 địa phương trên việc tổ chức công đoàn khởi kiện DN vi phạm pháp luật về BHXH vẫn chưa được diễn ra. Lý do là việc khởi kiện ra tòa án còn nhiều vướng mắc.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ LĐ (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) lý giải, việc khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH còn khó khăn do quy định pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất để công đoàn khởi kiện.

Luật BHXH 2014 quy định, từ năm 2016, công đoàn có quyền khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH cho LĐ. Nhưng quy định chủ thể thực hiện thủ tục khởi kiện do công đoàn cơ sở (tại DN) tiến hành. “Tổ chức công đoàn cơ sở là LĐ kiêm nhiệm, trực tiếp làm thuê cho DN, nay lại đứng ra khởi kiện người trả lương cho mình không dễ. Trong khi cơ chế bảo vệ họ chưa hiệu quả. Công đoàn cấp địa phương có thực hiện chuyển tòa án một số hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH, nhưng tòa yêu cầu phải để công đoàn cơ sở thực hiện mới đúng trình tự, thủ tục để mở phiên xét xử”, ông Quảng nói. Ông ví von, hiện công đoàn đang “trở đi cách núi, trở lại cách sông” trong việc khởi kiện DN nợ BHXH.

Theo đại diện Ban Quan hệ LĐ, vừa qua, công đoàn địa phương có thực hiện thủ tục khởi kiện một số DN nợ BHXH, một số DN thấy vậy đã cố gắng khắc phục, đóng một phần tiền nợ.

Phải sửa luật

Ông Lê Đình Quảng cho biết, vừa qua một số cơ quan liên quan đã họp gỡ vướng mắc khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa. Tuy nhiên, dù bàn, nhắc đến nhiều nhưng tựu chung những vướng mắc hiện nay lại là do vướng từ các luật khác nhau. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất, ngoài tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện DN nợ BHXH, cần tiếp tục cho phép cơ quan BHXH thực hiện việc này (như trước thời điểm Luật BHXH 2014 có hiệu lực). Lý do BHXH là cơ quan quản lý quỹ, DN nợ tiền đóng là xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan BHXH.

Theo ông Quảng, phía Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, Luật BHXH 2014 cho phép BHXH thanh kiểm tra và xử phạt DN nợ đóng BHXH, không cho phép BHXH khởi kiện dân sự. Vì vậy, phía Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đề xuất phải sửa đổi các quy định pháp luật, để thủ tục khởi kiện DN của tổ chức công đoàn thực hiện đơn giản, thuận lợi hơn. Đồng thời, cho phép thêm cơ quan BHXH được khởi kiện DN nợ đóng BHXH.

Qua giám sát, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng phát hiện một số sai phạm khác của DN về BHXH, như nhiều DN chậm đóng BHXH 1-3 tháng. Có DN hằng tháng vẫn trích tiền lương người LĐ đóng BHXH (10,5% lương), nhưng không đóng tiền cho cơ quan BHXH. Do nợ tiền đóng BHXH, khi người LĐ nghỉ việc, nhiều DN chưa chốt sổ BHXH cho người LĐ, DN vẫn giữ hàng nghìn sổ BHXH của người LĐ đã nghỉ việc. Đa số DN lấy lý do kinh tế khó khăn, DN mới thành lập, thay đổi cán bộ quản lý hoặc người LĐ không muốn tham gia BHXH để không đóng BHXH đầy đủ.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hết quý I/2017, tổng số tiền nợ các Quỹ bảo hiểm xã hội hơn 14.019 tỷ đồng (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016).