PV đã làm một cuộc hành trình đến với những người gặp phải nghịch cảnh trớ trêu ấy. Trên hành trình đó, PV cũng đã can thiệp, giúp cho nhiều người có giấy tờ tùy thân, kể cả việc tư vấn nhằm giúp họ thoát khỏi cuộc đời không quốc tịch, được hưởng những quyền công dân chính đáng của mình.
Chỉ còn cách đăng tin tìm mẹ
Cuối năm 2001, anh Ôn Nghiệp Thanh (ngụ P.3, Q.11, TP.HCM) kết hôn cùng chị Từ Nghiệp Dưỡng. Cưới nhau đã 7 năm, anh chị vẫn không có con.
Vào năm 2008, qua lời giới thiệu của người quen, chị Dưỡng lặn lội xuống Bệnh viện đa khoa Bến Lức (Long An) xin một bé gái mới sinh, con của cô N.T.M (quê Cà Mau) về làm con nuôi. Người mẹ trẻ chỉ đưa cho chị một giấy chứng sinh cùng tờ cam kết cho con được viết rất sơ sài và không có cơ quan chức năng nào chứng nhận. Với sự hiểu biết hạn chế về pháp luật, chị Dưỡng vui sướng bồng con về mà không yêu cầu làm thêm thủ tục nào.
Ngày qua ngày, đứa bé ấy khôn lớn, khỏe mạnh và cha mẹ nuôi cũng quên bẵng đi chuyện phải làm giấy tờ tùy thân cho cháu. Cuối năm 2009, bé hơn 1 tuổi, khi nộp đơn lên UBND P.3, Q.11 để làm giấy khai sinh thì anh Thanh mới té ngửa khi nghe cán bộ hộ tịch phường yêu cầu phải có giấy thỏa thuận cho con của người mẹ ruột mới làm thủ tục ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi.
Giấy cho con của cô M. trước đây bị phường bác bỏ vì không hợp lệ và yêu cầu anh đi tìm chị M để làm lại giấy thỏa thuận cho con theo quy định, nếu không được phải đăng báo tìm thông tin người mẹ ruột trong 3 kỳ liên tiếp.
Bỏ hết công việc làm ăn, lần theo địa chỉ cô M ghi lại, anh Thanh lặn lội xuống tận quê của cô M ở Cà Mau để tìm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương tại đây cho biết, không có ai tên N.T.M cả. Đến đây, anh Thanh mới mập mờ hiểu ra rằng cái tên N.T.M của người mẹ ruột chỉ là giả do cô ấy khai man vì sinh con ngoài ý muốn, và muốn che giấu thân phận. Anh nghĩ, bây giờ mà đăng báo thì chắc gì đã tìm được vì mình trực tiếp đi tìm mà vẫn chưa ra. Thất vọng, anh đến Báo Thanh Niên xin được can thiệp để con anh có giấy khai sinh vì cháu sắp đến tuổi đi học.
Về trường hợp này, bà Nguyễn Thị Khánh Mai - cán bộ hộ tịch UBND P.3, Q.11, phân tích: Theo quy định khi sinh con ra, người mẹ phải làm giấy khai sinh xong mới làm thủ tục cho con. Còn nếu xin con nuôi tại bệnh viện thì bệnh viện sẽ làm thủ tục cho con nuôi.
Gia đình anh Nghiệp xin con nuôi nhưng không yêu cầu người mẹ làm giấy khai sinh và thủ tục cho con, do vậy để tránh sau này xảy ra tranh chấp đứa trẻ, gia đình phải đăng tin tìm mẹ cho bé trong 3 kỳ báo liên tiếp.
Đây chỉ là một thủ tục, hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không có ai đến nhận thì UBND phường sẽ làm giấy khai sinh cho bé và ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi của gia đình anh Nghiệp.
Lưu lạc từ tấm bé
Đến bây giờ, Lưu Thị Xuân Phương (ngụ trên đường Bà Hom, Q.6, TP.HCM) vẫn không biết địa chỉ anh chị em ruột ở đâu mà chỉ nhớ sinh ra ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà đông người, mẹ bị bệnh mất sớm, cha lấy vợ khác nên năm lên 8 tuổi, Phương được một người quen đưa lên TP.HCM giúp việc, chỉ nhớ loáng thoáng là ở cư xá Phú Lâm.
Tuổi thơ lặng lẽ trôi đi, Phương khôn nguôi nỗi nhớ nhà, anh chị. Mãi sau này, dành dụm được ít tiền, có vài lần Phương tìm về lại thăm nhà nhưng toàn bộ khu vực cũ bị giải tỏa trắng. Cả nhà lưu lạc đi đâu không rõ. Còn Phương mất hết giấy tờ và lại không biết chữ nên trở lại TP.HCM xin vào làm tại một cơ sở xe nhang. Nhiều lúc muốn chuyển sang nghề khác nhưng nếu đi làm công nhân đòi hỏi hồ sơ thì Phương hoàn toàn không có.
Năm 1993, Phương kết hôn và về ở với bố mẹ chồng. Nhờ chồng có hộ khẩu nên mới xin cho các con được đi học chứ không thì chắc cũng phải đi vào vòng luẩn quẩn của mẹ. Phương cho đến giờ vẫn “4 không”: không khai sinh, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không đăng ký kết hôn.
Nhiều lúc, ngồi buồn, Phương hay tâm sự: “Không có giấy khai sinh được ví như mình không sinh ra và không tồn tại. Cứ cái đà này, chết em khỏi cần làm giấy khai tử, mà có muốn chắc cũng không làm được”.
Còn việc đi học, do giấy tờ bị thất lạc nên Phương cam chịu phận mù chữ. Có đêm bên con ngồi giải toán, Phương ao ước được đi học bổ túc văn hóa ban đêm để có kiến thức hướng dẫn chứ nhiều khi con thắc mắc mẹ chỉ biết... chết đứng.
Bây giờ, ngoài ban ngày làm việc, tối Phương ngủ luôn ngay tại cơ sở xe nhang, cuối tuần về nhà một lần chứ không dám đi đâu. Sợ có ai hỏi han giấy tờ thì khốn. Một lần, chủ cơ sở xe nhang cho toàn bộ anh em đi tham quan Đà Lạt, Phương “mất ăn mất ngủ” mấy ngày vì không có giấy chứng minh. “Ước gì có đầy đủ giấy tờ tùy thân để được tự do đi đây đó một lần thôi cũng được”, Phương tâm sự.
Còn nữa
Thanh Niên