> Nợ đọng BHXH vượt mốc 10.000 tỷ đồng
> Khi học sinh, sinh viên thờ ơ với bảo hiểm y tế
ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, quy định bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc là không khả thi. Nếu người dân không thực hiện thì cũng không có chế tài xử lý. “Đầu tư trang thiết bị còn hạn chế, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, còn phân biệt giữa khám chữa bệnh dịch vụ và khám chữa bệnh bằng BHYT thì không thể hấp dẫn người dân tham gia BHYT”- Bà Chi nói. Do vậy, luật sửa đổi nên giữ như quy định hiện hành, lúc nào đủ điều kiện thì mới thực hiện BHYT bắt buộc.
ĐB Đặng Thị Kim Chi cho rằng, đang có tình trạng kết dư quỹ ở tỉnh nghèo đem bù cho tỉnh giàu. “Đây là điều nghịch lý do vậy nên cho phép những địa phương có kết dư trích lại một phần để phục vụ nâng cao chất lượng dịch vụ trên địa bàn. Địa phương nào để quỹ bội chi thì tỉnh đó phải bù một phần ngân sách của mình nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý quỹ và phát triển thêm số người tham gia trên địa bàn”- Bà Chi nói. ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) đồng tình quy định có tỷ lệ phần trăm quỹ kết dư để lại cho địa phương và nêu rõ mục đích sử dụng. Cùng với đó là bổ sung trách nhiệm địa phương trong quản lý quỹ.
ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) chỉ ra mức đóng BHYT đã nâng khá cao. Quỹ BHYT đã kết dư gần 13 nghìn tỷ đồng. Do vậy, Quốc hội nên xem bỏ mức đồng chi trả cho đối tượng là người về hưu, thân nhân người có công với cách mạng, hộ gia đình cận nghèo. Những đối tượng này rất khó khăn, bị lâm trọng bệnh phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh là nỗi khổ lớn. Các đối tượng còn lại thì nên hạ mức đồng chi trả từ 20% hiện nay xuống 10%. “Điều này sẽ không ảnh hưởng đến quỹ BHYT”- Ông Công nói. ĐB Hà Thị Vân (Thanh Hóa) cũng cho rằng, mức cùng chi trả vừa qua chưa hợp lý, trong đó có việc thân nhân người có công chịu mức cùng chi trả cao hơn người nghèo. Ngoài ra, để xử lý việc cấp trùng thẻ BHYT cho đối tượng chính sách, việc bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã trong lập danh sách các hộ gia đình trong địa bàn được cấp thẻ là cần thiết.
ĐB Lưu Thành Công đề xuất tăng cường mở rộng xã hội hóa cho các cơ sở y tế ngoài công lập được tham gia khám chữa bệnh BHYT, tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho người bệnh có thẻ BHYT. Theo ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) BHYT tự nguyện cần đa dạng để đáp ứng nhu cầu khác nhau, người tham gia BHYT có thể chọn bệnh viện. Tuy nhiên, bà An cho rằng, việc xã hội hóa tại các bệnh viện công lập đã nổi lên một số bất cập, gây nhiều phiền toái. Do vậy, không nên để bệnh viện công lập thực hiện xã hội hóa dịch vụ y tế.