Theo lời kể của các ngư dân đi trên trên tàu QNg 96055 TS, những ngày qua khu vực Hoàng Sa biển động dữ dội. Một số tàu cá của ngư dân Lý Sơn đã tìm cách neo đậu tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngày 31/12/2018, anh Giàu điều khiển tàu cá QNg 96417 TS của mình rời đảo Cây Dừa gần đảo Phú Lâm khi trên biển có sóng lớn, biển động cấp 8 cấp 9. Đối với trình độ đi biển của ngư dân đánh bắt xa bờ Quảng Ngãi, cấp 9 vẫn có thể vượt sóng về bờ.
Đến rạng sáng ngày 1/1, khi về cách đảo Lý Sơn 93 hải lý thì tàu của anh Giàu bị sóng lớn đánh nghiêng khiến phuy đựng 1.000 lít nước ngọt đổ, lăn xuống biển, làm tàu mất cân bằng. Anh Giàu và một phụ lái là Lâm Trọng (32 tuổi) đang ngồi ở cabin lập tức bị hất rơi xuống biển. Lúc này, dây dù trên tàu đổ xuống biển cũng đã quấn chặt chân vịt làm tàu mất điều khiển. Ngư dân Lâm Trọng may mắn bám được vào dây neo, còn ông Giàu dù có kinh nghiệm đi biển, tuy nhiên do trước đó bị va đập mạnh nên đuối sức dần và trôi mất tích. Đến sáng ngày 1/1, các ngư dân mới cắt được dây dù, cho tàu chạy về đảo Lý Sơn vào ngày 2/1.
Thông báo tin dữ, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện đảo Lý Sơn ông Nguyễn Quốc Chinh không khỏi ngậm ngùi đau xót. “Sóng gió dữ dội quá, anh em khi ấy cố gắng neo lại tìm kiếm anh Giàu, nhưng đành tuyệt vọng!”.
Không còn phép màu 5 năm trước?!
Còn nhớ số báo ra ngày 27/5/2014, báo Tiền Phong có bài “Ngư dân bị cướp ở Hoàng Sa: Sẵn sàng trở lại vùng biển nóng” của hai tác giả Nam Cường-Anh Thư. Cùng những bức ảnh chụp thuyền trưởng kiêm chủ tàu trẻ Dương Văn Giàu khi đó mới 37 tuổi trên con tàu QNg 96417 TS tơi tả vì bị tấn công, đập phá. Đó là những ngày Hoàng Sa dậy sóng, trở thành “vùng biển nóng” với giàn khoan
HD-981.
Bài báo ghi lại lời kể của thuyền trưởng Giàu, rằng tàu anh cùng 11 ngư dân xuất bến rời đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa vào ngày 23/4/2014. Đến tối ngày 7/5/2014, khi đang cho tàu hoạt động gần đảo Colin (16 độ 45 phút vĩ bắc - 112 độ 20 phút đông thuộc quần đảo Hoàng Sa), để lặn hải sâm, bất ngờ 1 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện. “Lần này họ không dọa nạt, đẩy đuổi hay phun vòi rồng nữa, mà lẳng lặng áp sát mạn tàu tui rồi thả 3 xuồng máy cơ động cùng lực lượng bao vây. Không nói không rằng, họ lăm lăm dùi cui điện và tuýp sắt hung hăng nhảy lên tàu cá chặt phá dây hơi, đánh đập ngư dân rồi cướp toàn bộ trang thiết bị nghề cá gồm máy Icom, máy định vị, máy dò cá và lấy đi gần 400 con hải sâm vừa khai thác được” - ngư dân Giàu bức xúc.
Còn ngư dân Bùi Ngọc Lại, hôm ấy kể với phóng viên Tiền Phong: “Lúc đó anh em quá bất ngờ. Cứ nghĩ như mọi lần, họ chỉ phun vòi rồng thì mình bỏ chạy. Ai ngờ họ thả một lúc 3 xuồng máy, trong tích tắc mấy chục người đã nhảy lên tàu mình. Không kịp trở tay. Họ nhìn thấy ai đầu tiên là dùng tuýp sắt quất thẳng. Sau đó bao nhiêu đồ đạc bị lấy sạch. Gạo bị đổ xuống biển chỉ chừa cho ăn trong vài ngày”.
Sau gần 2 ngày trôi dạt tự do, đến chiều ngày 9/5, tàu anh gặp được một tàu khác cùng ở Lý Sơn. Mượn máy liên lạc gọi về cho ông Lê Quốc Chinh trình báo sự việc xong, thuyền trưởng Giàu quyết định mượn luôn ngư cụ của bạn nghề để tiếp tục bám biển cho đến tận cuối tháng ấy. “Rất may, tàu này sẵn lòng cho mượn tay lưới, câu mực và vài thúng để anh em tiếp tục hành nghề. Tàu bạn cũng cho ít gạo, thực phẩm, thế là chúng tôi ở lại” - ngư dân Bùi Thanh Hiền kể lại.
Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2014, con tàu QNg 96417 TS của thuyền trưởng Dương Văn Giàu đã 5 lần bị cướp bóc, truy đuổi ở Hoàng Sa. Gần dịp đó nhất chính là lần bị phun vòi rồng vào đầu năm 2013 nhưng anh chạy thoát được. Ngay sau đó, tàu hải cảnh Trung Quốc trên đường đuổi tàu anh Giàu đã gặp tàu Bùi Văn Phải và bắn tàu anh Phải cháy nóc cabin...
Nhưng đến lần này, có lẽ hy vọng vào một “phép màu” đưa người thuyền trưởng quả cảm ấy trở về từ Hoàng Sa đã cạn…?!
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, sau khi nhận được tin dữ về ngư dân Dương Văn Giàu, lãnh đạo huyện đã đến nhà động viên, chia sẻ nỗi mất mát với gia đình anh.