Trong tập mở đầu cho chương trình Chân dung cuộc tình 2019, nhân vật đặc biệt được nhắc đến là cố nhà thơ Nguyễn Bính, cũng nhưng tác phẩm được chuyển thành bài hát của ông. Một trong những khác mời trong chương trình, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu – con gái nhà thơ Nguyễn Bính, đã chia sẻ những câu chuyện ít biết về thi sĩ lãng mạn này.
Bà Hồng Cầu kể, bố và mẹ - bà Nguyễn Hồng Châu, tình cờ gặp nhau gặp nhau trên đường đi công tác tại miền Tây vào một buổi chiều mưa. Ngay lần đầu tiên gặp gỡ, Nguyễn Bính đã “choáng váng” trước nhan sắc của bà Hồng Châu, rồi đem lòng yêu. Ít lâu sau, ông tìm người mai mối đến gặp mẹ của bà Hồng Châu.
Theo bà Hồng Cầu, bà ngoại rất hài lòng về Nguyễn Bính vì ông vừa là một sĩ phu yêu nước, còn là nhà thơ nổi tiếng. “Bà vui vẻ gật đầu ngay, gả con gái mà như cho không, không cần sính lễ”, bà Hồng Cầu kể.
Khi MC đề cập đến cuốn hồi ký “Đi qua tâm bão” của bà Hồng Châu, nhà thơ Hồng Cầu có nhắc đến “lịch sử” ra đời tên của bà. Lúc đó vào khoảng một năm sau ngày cưới, vợ chồng Nguyễn Bính và Hồng Châu dành thời gian cùng nhau ngắm cảnh. Giữa lúc này, tác giả “Cô hái mơ” tỏ ý muốn đặt tên con gái là Anh Thơ (trùng tên với người yêu cũ của ông). Đang chìm đắm trong bầu không khí lãng mạn, bà Hồng Châu sững người giây lát rồi đáp: “Em rất tôn trọng mối tình giữa anh và chị Anh Thơ. Đó như một giai thoại đẹp trong làng thơ Việt Nam. Nhưng, không phải vì vậy mà con em mang nặng đẻ đau lại lấy tên người khác đặt cho nó. Con em phải do chính em đặt”.
Nghe vậy, vị “thi sĩ giang hồ” dường như cảm thấy có lỗi liền thỏa thuận, con trai sẽ do ông đặt tên, còn con gái sẽ do bà Hồng Châu. Sau này, bà Hồng Châu sinh con gái đầu lòng và đặt tên Nguyễn Hồng Cầu. Tuy nhiên, khi đi làm giấy khai sinh cho con gái, ông Nguyễn Bính yêu cầu thêm chữ “Bính” vào tên con. Ông lý giải, trong lúc chiến tranh loạn lạc nếu không may thất lạc nhau thì con gái còn biết đường tìm về. “Riêng cái tên tôi có cả một bài thơ ông làm, gửi gắm bao nhiêu mơ ước, là thống đất đất nước để cha con đoàn tụ”, bà Hồng Cầu chia sẻ.
Lời nói của Nguyễn Bính vô tình ứng nghiệm. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, trong khi vợ và con gái vẫn ở lại Sài Gòn. Đáng tiếc, cha con chưa kịp đoàn tụ thì nhà thơ qua đời ở tuổi 47 vào năm 1966.
Sau khi chồng qua đời, bà Hồng Châu muốn làm nhà lưu niệm cất giữ những kỷ vật của ông. “Mẹ tôi nghe nhiều thi phi rằng, ông có rất nhiều mối tình bà cũng có nhã ý đi tìm xem bố có để lại những giọt máu nào đó. Đi về ngoài miền Bắc, bà gặp lại người vợ sau của bố tôi, hai người có với nhau một cậu con trai”, bà Hồng Cầu kể.
Theo bà Hồng Cầu, tất cả kỷ vật của Nguyễn Bính đều được người vợ sau trao lại cho bà Hồng Châu, trong đó có bức tranh thêu bài thơ “Đôi mắt” và một cây bút.
Bức tranh thêu bài thơ “Đôi mắt” do bà Vân Thanh, mối tình khác của Nguyễn Bính, thêu lại theo nét chữ của ông; còn cây bút là của nữ sĩ Mộng Tuyết tặng cho tác giả người Nam Định khi còn ở Nam bộ kháng chiến.
Bà Hồng Châu chỉ nhận bức tranh, còn cây bút để lại cho con trai riêng của Nguyễn Bính. Không may, chiếc bút hiện đã lưu lạc, gia đình bà Hồng Cầu không biết nó đang nằm ở đâu.
“Riêng với tôi, tất cả những người đàn bà của bố tôi, người nào mang lại hạnh phúc cho bố tôi, tôi đều xem là mẹ”, bà Hồng Cầu trải lòng.