Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Chương trình kỳ họp do Quốc hội biểu quyết thông qua nhưng việc điều chỉnh chương trình kỳ họp chưa xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề Biển Đông để đưa vào chương trình kỳ họp là đúng đắn, nhưng ở thế bị động, cần chủ động, nhạy bén hơn trong chuẩn bị nội dung kỳ họp. “Việc bố trí thảo luận tại hội trường có buổi còn chưa phù hợp, chưa lường hết các tình huống”, ông Phúc đánh giá.
Cho ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, vấn đề Biển Đông và Đại hội đồng IPU 132 là hai kế hoạch rất lớn, rất hệ trọng và mang tầm cỡ quốc tế, do vậy báo cáo đánh giá kỳ họp phải làm nổi bật điều này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, trong mỗi nội dung cụ thể của phiên họp, bất kỳ nội dung nào, bất kỳ vấn đề nào mà Quốc hội và đại biểu đề cập đến đều hướng đến quan điểm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và vấn đề Biển Đông. Từ kinh tế xã hội cho đến các luật đều bàn về vấn đề Biển Đông. Thời gian phát biểu về chủ quyền, về vấn đề Biển Đông chiếm rất nhiều. Hầu như vấn đề nào cũng có, đặc biệt bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội cũng được đánh giá rất cao vì đã toát lên được tinh thần của kỳ họp...
“Cần có thêm bình luận đánh giá nữa để cho đúng thực chất và phù hợp hơn”, ông Lý góp ý vào báo cáo đánh giá kỳ họp thứ 9.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị khắc phục tình trạng đọc bài phát biểu sẵn và tăng phát biểu có tính tranh luận, như vậy phiên họp sẽ rất hay và thu hút người tham gia. Tuy nhiên, theo bà Mai, rất đáng tiếc không phải tất cả các phiên họp có được không khí này. “Nhiều phát biểu trùng lắp nhau, nhiều khi nghe mệt mỏi. Tình trạng này có khắc phục được không? Tôi rất tâm đắc với những người chuẩn bị sẵn trong đầu, không cần tài liệu khi phát biểu”.
Tuy nhiên ông Phan Trung Lý cho rằng, cách phát biểu của đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị tốt hơn. Việc chuẩn bị bằng lời hay bằng phát biểu, mỗi cái đều có cái hay riêng. Có những bài phát biểu bằng văn bản cũng rất sâu, ví dụ bài phát biểu của đại biểu Lê Thị Nga chỉ một vấn đề thôi nhưng lại rất sâu. Ngược lại có những bài phát biểu trực tiếp nhưng lại chưa được chuẩn bị nên rất lỏng lẻo.
Bên cạnh đó, ông Phan Trung Lý và một số đại biểu chưa hài lòng với kết quả chất vấn và trả lời chất vấn vì nhiều câu trả lời lặp lại, hiệu quả không rõ, trách nhiệm càng không.