Như thông tin đã đưa, phát biểu tại Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm vừa diễn ra, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trên thế giới, mại dâm tồn tại từ lâu, có khả năng tạo thu nhập cho bản thân đối tượng hành nghề và một số bên liên quan. Thực tế, nhiều nước công nhận mại dâm là một nghề, nhưng cũng nhiều nước cấm. Vậy “nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm”, là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm.
Theo ông Lập, dù cấm hay không, xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Trong khi đó, hầu hết người hoạt động bán dâm đều tự nguyện, chỉ một số do bị ép buộc là nạn nhân của nạn buôn bán người.
Theo báo cáo của các địa phương trên toàn quốc, hiện cả nước có khoảng 15.000 người hoạt động bán dâm. Tuy nhiên, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lại đưa ra con số, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó người bán dâm là nữ khoảng 75.000 người. Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua internet (facebook, zalo)...
Sau khi thông tin trên được đăng tải, bên cạnh những ý kiến phản đối, có nhiều ý kiến phản hồi về tòa soạn bày tỏ quan điểm ủng hộ để nhà nước dễ quản lý, đồng thời tránh được những hệ lụy cho xã hội.
Bạn đọc Hoàng Thám ở địa chỉ Email hoanghoatham30111992vb@gmail.com cho biết: "Cái này là đúng, có thể nói ở đâu có mua thì sẽ có bán nên mại dâm cũng là một nghề. Nhà nước cấm nhưng nếu không được xử lý, quản lý tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra như ép buộc bán dâm. Chúng ta nên học nước ngoài cho là một cái nghề, như vậy sẽ dễ quản lý và tránh được hệ lụy như các bệnh xã hội, ngoài ra còn có thể đóng góp một nguồn thu nhập đáng kể cho xã hội".
Bạn Văn Minh Quang, địa chỉ Email vmq777@gmail.com nêu quan điểm: "Dù cố gắng không công nhận mại dâm là một nghề, thì tự bản thân trong cộng đồng xã hội nó đã là một nghề có từ xa xưa rồi. Tốt hay xấu cũng chỉ là do quan niệm của xã hội thôi. Trong xã hội khi nào có cầu cũng sẽ có cung, đó cũng là quy luật của kinh tế thị trường. Tổ chức 'khu đèn đỏ' như một số nước trên thế giới để kiểm soát và thu lợi cho đất nước cũng là điều nên làm".
Cùng chung quan điểm, bạn Cảnh Phan, địa chỉ Email Canhphan1204@gmail.com ủng hộ đề xuất hợp pháp hóa mại dâm: "Tôi đồng ý nghe mại dâm cũng là một nghề vì các nước phát triển kinh tế nhờ thu nhập bằng nghề này là khá cao, điển hình như Nhật Bản có hẳn một nghề đóng phim nhạy cảm nổi tiếng thế giới".
Một số ý kiến cho rằng việc cho hợp pháp hóa hoạt động mại dâm sẽ giúp nhà nước quản lý dễ dàng hơn, nhưng cần có quy định rõ ràng trong việc đăng ký, tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám bệnh định kỳ như mô hình quản lý được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Bạn đọc Huỳnh Thái, địa chỉ Email Thai@gmail.com nêu ý kiến: "Nhà nước nên công nhận 'mại dâm' là một nghề để quản lý và thu thuế. Phải đưa vào một khu vực 'phố đèn đỏ', có khám định kỳ cho người bán dâm".
Cùng chung quan điểm, bạn Đỗ Minh Thủy, địa chỉ Email dominhthuy1962@gmail.com cho rằng, "có không hợp pháp hóa thì cái nghề đó vẫn mặc nhiên tồn tại. Công nhận thì dễ kiểm soát, có quy củ, không công nhận thì trá hình biến tướng và thất thu thuế, vậy cái nào hơn?".
Bạn Cao Hoàng Phương, địa chỉ Email HOANGPHUONG510545@GMAIL.COM cho rằng, trước khi xem xét hợp pháp hóa cần phải làm rõ trách nhiệm để dễ quản lý và các chính sách cho người hoạt động ngành nghề nhạy cảm này: "Nếu làm thì ai là người người quản lý? Sẽ quản lý như thế nào? Rồi những người hết tuổi nghề họ sẽ sống ra sao? Chế độ như thế nào?".
Trong lúc vẫn còn có nhiều định kiến về loại hình dịch vụ nhạy cảm trên, bạn Khoái Hà, địa chỉ Email hung8tien@gmail.com nêu đề xuất lấy ý kiến về việc hợp pháp hóa: " Sao không lấy ý kiến của người dân về vấn đề hợp pháp hóa? Nếu tỷ lệ ủng hộ thấp cao thì vẫn cấm. Nếu tỷ lệ ủng hộ hợp pháp hóa cao cao hơn thì chấp nhận thôi".
Trước đó, trao đổi với Báo Tiền Phong, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra quan điểm đồng tình với việc đưa mại dâm vào quản lý. Luật sư Tuấn Anh cho rằng: "Phải thừa nhận đây là một câu chuyện trong thực tế. Suốt nhiều năm qua, chúng ta không quản lý được và chưa có cách thức để quản lý lĩnh vực này.
Nếu muốn đưa mại dâm vào diện quản lý thì những nhà hoạch định chính sách cần phải có những quy định, quy chuẩn rõ ràng. Quy hoạch khu nào được hoạt động được cung cấp dịch vụ này, ai là những người được cung cấp dịch vụ, ai là những người được thực hiện dịch vụ. Tất cả phải rõ ràng.
Từ đó, chúng ta có thể quản lý được các đối tượng hành nghề mại dâm và kiểm soát được các vấn đề bệnh tật, sức khỏe của những người hành nghề và các đối tượng sử dụng dịch vụ. Nếu có ích, chúng ta mở rộng, còn nếu không có ích chúng ta tìm cách thu hẹp và quản lý hoạt động đó”.
Theo luật sư Tuấn Anh, thực tế hiện nay chúng ta chưa có thống kê nào về số người hoạt động mại dâm ở Việt Nam và có bao nhiêu người mua dâm. "Rõ ràng nếu muốn quản lý và kiểm soát thì nên đưa mại dâm vào một khu vực riêng, biệt lập ví dụ như phố đèn đỏ ở Thái Lan. Nhưng người hoạt động phải có chứng nhận, có đóng thuế. Còn các hoạt động bên ngoài đều là bất hợp pháp và có thể bị xử lý hình sự.