COC - một chặng đường dài

TP - Việc bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cùng Trung Quốc ngày 6/8 đồng ý thông qua bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) là một bước tiến mới và được kỳ vọng góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Tuy nhiên theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công An, từ bộ khung đến văn bản hoàn chỉnh là một chặng đường dài và không đơn giản.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).

Ngày 6/8, phát biểu bên lề cuộc họp ở Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo, đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC sẽ bắt đầu trong năm nay và một khi thỏa thuận đã đạt được, các bên phải nghiêm túc tuân thủ. Ông nhận định gì về sự kiện này?

Chuyện có bộ khung COC hay không đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Biển Đông lặng hay dậy sóng đều do Trung Quốc. Trung Quốc luôn giành thế thượng phong trong vấn đề biển Đông. Khi họ có thiện chí thì biển Đông yên lặng, khi họ không có thiện chí thì biển Đông dậy sóng. COC cũng vậy. ASEAN đã đề nghị Trung Quốc ký COC 10 năm nay rồi, nhưng bây giờ họ mới ký bộ khung. Phải thừa nhận thiện chí của Trung Quốc vào lúc này.

Tại sao Trung Quốc đồng ý ký bộ khung COC lúc này? Có hai lý do sâu xa. Thứ nhất, những việc cần làm trên biển Đông họ đã làm xong rồi. Có thể nói, Trung Quốc đã tiến hành xong việc quân sự hóa trên biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc có khả năng giám sát mọi máy bay, tàu chiến hoạt động qua eo biển Malacca về biển Đông. Chuyện này cả thế giới đều biết và việc họ đồng ý ký bộ khung COC cũng là động thái buộc ASEAN phải công nhận chuyện đã rồi. Lý do thứ hai họ đồng thuận ký là họ cần tranh thủ ASEAN để triển khai chiến lược “Vành đai - Con đường” qua biển Đông, qua ASEAN. Họ phải ký để tạo đồng thuận, tạo không khí cởi mở với ASEAN để tham gia vào chiến lược đầy tham vọng này.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, sau khi được thông qua, dự thảo khung COC sẽ được trình để các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 xem xét và hướng dẫn các bên tiến hành các vòng đàm phán thực chất cho COC. Ông có cho rằng, văn bản hoàn chỉnh COC sẽ sớm được hoàn tất?

Theo tôi, từ bộ khung COC đến văn bản hoàn chỉnh COC là một chặng đường dài, chưa biết bao nhiêu năm mới đạt được. Nên nhớ là Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) ký ở Campuchia năm 2002, mà tới tháng 7/2011, Trung Quốc mới đồng ý với  ASEAN thống nhất đường lối, chỉ đạo, thực thi DOC. Như vậy, khi DOC đã có văn bản hoàn chỉnh rồi mà mãi 9 năm sau mới có đường lối, chỉ đạo, thực thi. Cho đến bây giờ 15 năm rồi mà DOC vẫn chưa thực hiện được. Cho nên, bài học lịch sử này cho thấy rằng, từ bộ khung đến văn bản hoàn chỉnh là con đường dài khó khăn và phải trải qua hàng trăm cuộc họp tranh cãi chứ không đơn giản. Tôi lấy một ví dụ đơn giản về quy định không gian bao quát COC. Theo ASEAN là bao quát toàn bộ biển Đông, nhưng Trung Quốc không đồng ý, chỉ cho rằng nó bao hàm Trường Sa thôi, thế đã là cả vấn đề. Ngay cả vấn đề COC là văn bản gì, ai ký cũng đang tranh cãi. ASEAN cho rằng, phải nguyên thủ quốc gia ký, thông qua quốc hội phê chuẩn, nhưng Trung Quốc cho rằng, chỉ cần bộ trưởng ngoại giao ký. Nếu nguyên thủ ký thì văn bản có tính ràng buộc chặt chẽ, có tính pháp lý cao, chứ bộ trưởng ngoại giao thì cũng chỉ là tuyên bố chung chung thôi. Nên có thể nói, từ văn bản khung đến hoàn chỉnh COC còn rất nhiều vấn đề cụ thể. Cái khó thống nhất chính là vấn đề cụ thể. Cho nên đừng nghĩ rằng, có bộ khung rồi thì có thể nhanh chóng chuyển thành văn bản chính thức. Giả sử có văn bản hoàn chỉnh COC rồi thì đến khi thực hiện cũng là một chặng đường dài nữa.

Dù sao, việc Trung Quốc đồng ý ký vào bộ khung COC là một thiện chí đáng hoan nghênh nhưng cũng đừng quá lạc quan. Bởi dù sao, có bộ khung COC vẫn là điều tốt, còn hơn không có. Tuy nhiên, từ bộ khung COC đến việc biển Đông lặng sóng là một chặng đường dài và không hề đơn giản.

Cảm ơn ông.