Cơ sở nào xây dựng bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ ở Vĩnh Long?

TPO - UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng kinh phí 400 tỷ đồng.  

Như tin Tiền phong đã đưa, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có Quyết định số 1123/QĐ-UBND (ngày 11/5/2020) phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp (NN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với tổng kinh phí 400 tỷ đồng.  

Nói về sự cần thiết của việc ra đời bảo tàng này, đề án của UBND tỉnh Vĩnh Long ghi rằng: Việt Nam có trên 160 bảo tàng nhưng đa phần các bảo tàng hiện nay đều thiên về lịch sử xã hội, về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ; thiếu những bảo tàng về lịch sử tự nhiên, khoa học kỹ thuật và một số bảo tàng chuyên ngành.

Theo quy hoạch bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 xác định có hơn 20 bảo tàng chuyên ngành dự kiến được xây dựng, trong đó có bảo tàng NN. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có một dự án cụ thể nào được khởi động để có thể khẳng định đến năm 2020 Việt Nam sẽ có một bảo tàng NN.

“Việc xây dựng bảo tàng NN vùng ĐBSCL là rất cần thiết cho thời điểm hiện nay. Bảo tàng không những là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa NN, mà còn là nơi tôn vinh vai trò của người nông dân Việt Nam nói chung, ở ĐBSCL nói riêng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.” – đề án viết.   

Nông dân thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Về những căn cứ khoa học, theo UBND tỉnh Vĩnh Long, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, là vùng đất trẻ, nhưng với sự cần cù sáng tạo của người dân, sự quan tâm phát triển của chính quyền và sự dày công nghiên cứu của giới khoa học, chỉ với diện tích khoảng 40.000km2, ĐBSCL sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% GDP cả nước.

Hai “trụ cột” kinh tế chính của vùng là NN và thủy sản. Trong NN, cây lúa chiếm diện tích lớn, đang gánh vác vai trò an ninh lương thực và xuất khẩu gạo cao nhất nhì thế giới. Với một bề dày lịch sử về NN rất đáng tự hào nhưng ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chưa có một công trình văn hóa có tầm vóc tương xứng để ghi dấu và tôn vinh nền văn minh NN và người nông dân Việt Nam.

Để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng Bảo tàng NN vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nông ngư cụ ở tỉnh Vĩnh Long thế kỷ XX (1919-2000)” do Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ thực hiện, nghiệm thu năm 2011. Tỉnh cũng đã bước đầu sưu tầm trên 1.000 hiện vật và tài liệu về nông cụ và phương tiện sản xuất NN, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Vĩnh Long và nhà trưng bày huyện Vũng Liêm.

Về vị trí xây dựng bảo tàng, UBND tỉnh này cho biết, khu đất xây dựng bảo tàng (ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm) nằm trên tuyến Quốc lộ 53 nối liền tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, giáp với huyện Chợ Lách (Bến Tre) và huyện Càng Long (Trà Vinh), nằm trong cụm không gian du lịch duyên hải phía Đông ĐBSCL gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, thuận tiện giao thông đường thủy lẫn đường bộ phục vụ khách tham quan.

Đề án dẫn lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời: “Để có được ĐBSCL thành khoảnh như ngày hôm nay, thì công sức và sự sáng tạo của người nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và đầu tư của nhà nước. Vì vậy, phải có một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của họ và cũng để giáo dục con cháu sau này.”

Ngoài ra, đề án này còn nêu ra nhiều căn cứ, quan điểm, cơ sở lý luận và thực tiễn, những văn bản liên quan từ địa phương đến trung ương, từ mô hình các nước trên thế giới… để cho ra đời Bảo tàng NN vùng ĐBSCL.   

Đoạn cuối phần “Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề án” ghi rằng: “Tóm lại, Bảo tàng NN vùng ĐBSCL ra đời là rất đúng với đường lối của Đảng và Nhà nước theo chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở ĐBSCL nói chung, Vĩnh Long nói riêng và thực hiện đúng theo di nguyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.” 

Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Trong đó, có những dự án thành phần: sưu tầm tư liệu và hiện vật (100 tỷ đồng); thiết kế và thi công bảo tàng (260 tỷ đồng); tổ chức khai thác (20 tỷ đồng); tổ chức bộ máy quản lý và đào tạo (20 tỷ đồng).