Cơ quan nhà nước không nên can thiệp sâu vào thị trường

TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Sĩ Doanh, Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, nếu dịch hại, cây trồng ở mức độ bình thường, các cơ quan quản lý nhà nước không nên áp đặt người dân, các cơ sở bán lẻ thuốc BVTV, các HTX nông nghiệp dùng đúng một loại tên thương phẩm thuốc BVTV nào đó.

Trước đó, trong đợt cao điểm phòng chống sâu đục thân hại lúa, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV)  tỉnh Thái Bình đã hướng dẫn cho người dân trong tỉnh về việc phòng trừ sâu đục thân và nêu đích danh một số loại thuốc BVTV dùng phòng trừ. Bên cạnh đó, một số địa phương khác như Phú Thọ, Thái Nguyên… cũng đưa ra khuyến cáo một số loại thuốc BVTV cụ thể trong quá trình phòng trừ dịch bệnh tại địa phương. Cụ thể, Chi cục BVTV Thái Bình đề nghị dùng các loại thuốc như Dupon Prevathon, Vitarko 40WG, Tasodant 600 EC…

Quyết liệt hơn, tại công văn số 451 do bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) ký còn nêu rõ: Nếu xã, thị trấn nào tổ chức phòng trừ không đúng lịch, không đúng thuốc chỉ đạo của huyện… sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hậu quả. Giải thích điều này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT tỉnh Thái Bình cho rằng, việc làm này của ngành nông nghiệp Thái Bình là đúng. Lý do, đây chỉ là bản hướng dẫn, để khuyến cáo bà con sử dụng một trong các loại thuốc đó, không phải là một quyết định hành chính. Văn bản này cũng không gửi đến các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn.

Ông Bùi Sĩ Doanh, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, các Chi cục BVTV có trách nhiệm chỉ đạo bảo vệ thành công sản xuất nông nghiệp, đảm bảo năng suất, chất lượng nên phải hướng dẫn biện pháp phòng trừ dịch hại hiệu quả nhất, kịp thời nhất bảo vệ cây trồng, mùa màng mà thuốc BVTV là một biện pháp, công cụ để phòng, trừ dịch hại. Nếu cơ quan chuyên môn không hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết để nông dân thực hiện thì nguy cơ lây lan thành dịch rất dễ xảy ra. Nếu hướng dẫn theo hoạt chất thuốc BVTV thì sẽ khó khăn cho dân khi lựa chọn vì cùng một hoạt chất có thể có nhiều tên thương mại khác nhau và không phải người dân nào cũng có kiến thức tốt. Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh doanh thì vô tình doanh nghiệp có tên thương mại thuốc nêu trong hướng dẫn của Chi cục sẽ hưởng lợi và có thể không phù hợp với quy định pháp luật khác.

Để đảm bảo phòng trừ hiệu quả dịch hại, cây trồng, bảo vệ sản xuất nhưng vẫn phù hợp với các quy định khác của pháp luật, Cục BVTV đã công văn yêu cầu Chi cục BVTV các tỉnh điều chỉnh hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trong các thông báo phòng trừ dịch hại.