Cổ phần hóa DNNN: Nhà đầu tư không biết mua gì

TP - Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm tăng gánh nặng nợ quốc gia. Điều này gây cản trở quá trình cổ phần hóa DNNN, khó thu hút nhà đầu tư. Cách nào để giải quyết tình trạng này?

Nợ gấp 3-10 lần vốn chủ sở hữu

Kết quả nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa (CPH) DNNN, CIEM đã chỉ rõ rủi ro tài chính của DNNN. Theo đó, tổng nợ của DNNN đến cuối năm 2016 lên tới 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3-10 lần. Nguồn vốn vay ngân hàng và nguồn vốn chiếm dụng lẫn nhau cao cho thấy tình hình tài chính của tập đoàn, tổng công ty nhà nước không lành mạnh.

“Trên thực tế, DNNN đang làm cho gánh nặng nợ quốc gia thêm lớn vì khi Chính phủ bảo lãnh vay, DN không trả được sẽ trở thành nợ của Chính phủ. Nhiều DNNN thua lỗ gây bức xúc trong xã hội, khiến nhà đầu tư chiến lược không tích cực tham gia CPH”, báo cáo của CIEM chỉ rõ.

CIEM cũng chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với việc mua cổ phần của DNNN. Đầu tiên, việc định giá DNNN (gồm xác định giá trị DN, xác định giá bán cổ phần cho cổ đông chiến lược) chưa phù hợp. Cách thức định giá DN ở Việt Nam chưa theo kịp phương pháp, chuẩn mực quốc tế. Quy định hiện hành về định giá vướng mắc, thiếu hướng dẫn và xung đột, mâu thuẫn nhau. Phương pháp định giá bằng tài sản sử dụng tại Việt Nam bộc lộ nhiều khiếm khuyết, kẽ hở trong quá trình định giá DN.

Hơn nữa, lợi nhuận của DNNN chưa cao. Dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) của toàn bộ DNNN đạt 15-17%/năm nhưng không đồng đều với mọi DN. Năm 2014, lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chiếm 72,4% lợi nhuận của 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Lợi nhuận khủng của một số ít công ty khiến bức tranh lợi nhuận của DNNN tươi sáng một cách sai lạc. Phần lớn các doanh nghiệp ROE đạt dưới 10%. Thậm chí nhiều DNNN thua lỗ, gánh nặng nợ nần không trả được. DNNN quản trị yếu kém, bộ máy nhân sự thiếu động lực và không hỗ trợ quá trình hợp tác với cổ đông chiến lược”, đại diện CIEM đánh giá.

Nhà đầu tư không biết mua gì?

Theo thống kê của CIEM, dù quá trình cổ phần hóa DNNN thực hiện từ năm 1992 đến nay với tổng số 4.500 DN, nhưng chưa đạt mục tiêu. CIEM nghiên cứu sâu 46 tổng công ty được phê duyệt phương án CPH giai đoạn 2011-2016. Theo đó, tổng vốn điều lệ của các DN này đạt 171.225 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước chiếm 70%. Số vốn nhà nước phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược gần 28.400 tỷ đồng, chiếm 16,57% vốn điều lệ.

“Thực tế, số vốn bán cho nhà đầu tư chiến lược chỉ đạt gần 13.000 tỷ đồng, chưa bằng một nửa số vốn được phê duyệt. Trong khi đó, tỷ lệ vốn bán cho nhà đầu tư nước ngoài rất nhỏ, chỉ chiếm 8,7%”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban cải cách và phát triển DN (CIEM) cho biết.

Đánh giá về việc CPH DNNN, ông Adam Stikoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội cho rằng, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tìm hiểu để mua cổ phần các DNNN của Việt Nam. Nhưng sau quá trình tìm hiểu, họ rời bỏ.

“Quá trình CPH DNNN của Việt Nam còn nhiều bất cập, khiến nhà đầu tư nản chí như việc công khai thông tin chưa tốt, nhà đầu tư không biết họ sẽ mua những gì. Quá trình định giá chưa phù hợp với thông lệ quốc tế khiến nhà đầu tư khó thẩm định được việc cổ phần họ mua có công bằng hay không và dựa trên cơ sở nào?”, ông Adam Stikoff cho biết.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, chỉ có gần 39% DNNN công bố thông tin theo quy định của Chính phủ. Hầu hết DNNN đang CPH không có thông báo, tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược bằng tiếng Anh khiến nhà đầu tư tốn thời gian, chi phí để tìm đối tác là DNNN.

“Quy trình CPH gắn với cổ đông chiến lược phức tạp, nhiều thủ tục, nhiều lần phê duyệt ở nhiều cấp thẩm quyền gây tốn kém thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Không có cơ quan chuyên trách để hỗ trợ DNNN trong các khâu, quy trình CPH nên khi DN có khúc mắc phải xin chủ trương chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Điều này làm nản lòng chính nhà quản lý DN lẫn cổ đông chiến lược tiềm năng do tốn quá nhiều thời gian”, ông Trung nói.