Cơ hội để Việt Nam thúc đẩy kết nối thị trường carbon

Việt Nam và các nước ASEAN đang có cơ hội lớn để thúc đẩy kết nối thị trường carbon trong khu vực và toàn cầu...

Việc thiết lập thị trường carbon ASEAN không chỉ giúp các nước thành viên phối hợp kiểm soát lượng phát thải, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội kinh doanh và đầu tư vào các dự án carbon thấp, dự án xanh. Không những thế, khi kết nối với các thị trường carbon lớn như châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ giúp ASEAN tiếp cận được nhiều nguồn tài chính quốc tế và công nghệ hiện đại trong giảm phát thải khí nhà kính.

Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu toàn cầu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời phấn đấu giới hạn mức tăng ở mức 1,5°C.

Điểm đột phá trong giảm phát thải khí nhà kính

Điều 6 của Thỏa thuận Paris đánh dấu một bước tiến quan trọng cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là trong hợp tác với các quốc gia có công nghệ tiên tiến về giảm phát thải và công nghệ sạch. Trong đó, Điều 6.2 khuyến khích các quốc gia sử dụng hệ thống giao dịch tín chỉ giảm phát thải xuyên biên giới để giảm thiểu khí thải; Điều 6.4 tạo cơ chế bù trừ bằng các dự án giảm phát tại các quốc gia khác, cho phép chia sẻ tín chỉ carbon từ các dự án này để hỗ trợ các quốc gia đạt mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) của mình.

Điều 6 của Thỏa thuận Paris năm 2015 là một điểm đột phá trong nỗ lực hợp tác toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Điều khoản này cung cấp cho các quốc gia công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu giảm phát của mình thông qua hai cơ chế chính: giao dịch tín dụng xuyên quốc gia (Điều 6.2) và cơ chế giảm phát thải toàn cầu (Điều 6.4).

Theo Điều 6.2, các quốc gia có thể liên kết hệ thống giao dịch phát thải (ETS), cho phép chuyển nhượng tín dụng phát thải giữa các quốc gia hoặc khu vực.

Cơ chế này tạo điều kiện cho giảm phát thải chi phí thấp bởi các quốc gia có thể chọn thực hiện các biện pháp giảm phát tại nơi nào hiệu quả nhất về chi phí, từ đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các khu vực có ETS liên kết, như trường hợp của EU và Thụy Sĩ, mang lại lợi ích kinh tế và giảm phát thải hiệu quả.

Còn với Điều 6.4, được coi là một cơ chế phát triển bền vững, mở ra cơ hội cho các quốc gia đầu tư vào các dự án giảm phát thải ở các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Cơ chế này có thể bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, trồng rừng, xử lý chất thải, nước thải, khí thải và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, qua đó góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển.

Điều 6.4 hoạt động dựa trên nguyên tắc tương tự với Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) trong Nghị định thư Kyoto, nhưng cải tiến về tính minh bạch và khả năng đảm bảo rằng mỗi tín chỉ giảm phát thải chỉ được tính một lần vào mục tiêu quốc gia của một quốc gia duy nhất.

Sự linh hoạt của Điều 6 cho phép các quốc gia không chỉ giảm phát thải tại chỗ mà còn thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế thị trường, giúp đạt mục tiêu giảm phát thải toàn cầu một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Việc cho phép các nước phát triển tài trợ và triển khai các dự án giảm phát thải ở các nước khác thông qua Điều 6.4 không chỉ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn tạo động lực cho các quốc gia ít phát thải tham gia vào quá trình giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Điều 6 của Thỏa thuận Paris mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua các cơ chế hợp tác quốc tế, bao gồm cả cơ chế thị trường và phi thị trường.

Điều này tạo điều kiện cho các quốc gia có thể chia sẻ tín chỉ carbon qua biên giới thông qua các cơ chế như giao dịch tín chỉ xuyên quốc gia (Điều 6.2) và cơ chế giảm phát thải toàn cầu (Điều 6.4).

Theo đó các quốc gia có thể thực hiện dự án giảm phát thải ở nước ngoài nhưng được tính vào chỉ tiêu quốc gia của mình. Các cơ chế này giúp tăng tính linh hoạt cho các quốc gia khi thực hiện cam kết giảm phát thải, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi có thể tìm đến các công nghệ và nguồn vốn quốc tế để thực hiện các dự án giảm phát thải.

Cơ hội kết nối thị trường carbon ASEAN và toàn cầu

Việt Nam và các nước ASEAN đang có cơ hội lớn để thúc đẩy kết nối thị trường carbon trong khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải và đạt mục tiêu trung hòa carbon.

Việc thiết lập thị trường carbon ASEAN không chỉ giúp các nước thành viên phối hợp trong kiểm soát lượng phát thải mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu vực có thêm cơ hội kinh doanh và đầu tư vào các dự án carbon thấp.

Thị trường carbon cho phép các quốc gia và doanh nghiệp mua bán tín chỉ carbon, thúc đẩy các dự án giảm phát thải và khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh. ASEAN, với các nền kinh tế phát triển ở nhiều cấp độ khác nhau, có tiềm năng trở thành một trung tâm quan trọng trong giao dịch carbon của khu vực châu Á.

Việc kết nối với các thị trường carbon lớn như châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ giúp ASEAN tiếp cận được nhiều nguồn tài chính quốc tế và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính.

Trung Quốc đã có một thị trường carbon quốc gia và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia ASEAN như Việt Nam kết nối, học hỏi và áp dụng các phương pháp đo lường, báo cáo, và xác minh (MRV). Sự hợp tác này sẽ giúp các quốc gia ASEAN xây dựng những tiêu chuẩn cao, tạo nền tảng cho việc tham gia vào các thị trường quốc tế.

Đối với Việt Nam, tham gia vào các thị trường này không chỉ giúp mở rộng khả năng bán tín chỉ carbon mà còn giúp nâng cao vị thế quốc gia trong thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Thị trường carbon ASEAN không chỉ là một cơ hội kinh tế mà còn là công cụ hữu ích giúp các quốc gia thành viên đạt được các mục tiêu khí hậu một cách hiệu quả hơn, qua đó tạo ra các tác động tích cực đối với phát triển bền vững.

Liên kết với các thị trường carbon toàn cầu còn giúp ASEAN hưởng lợi từ sự hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ của các quốc gia phát triển, đặc biệt khi các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, đang trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng carbon và tích cực triển khai các cơ chế định giá carbon.

Các cơ chế trong Điều 6 cho phép Việt Nam và các nước khác hợp tác chặt chẽ trong chia sẻ tín chỉ carbon và phát triển các dự án giảm phát thải chung, nhờ đó tận dụng được công nghệ tiên tiến và nguồn tài chính từ các quốc gia phát triển. Các công nghệ này bao gồm hệ thống thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất và lưu trữ hydrogen xanh, là nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.

Minh chứng, Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác trong nhiều công nghệ tiên tiến nhằm giảm phát thải như lưu giữ CO₂ trong môi trường biển và công nghệ phát triển thực vật có khả năng hấp thụ CO₂; nghiên cứu và phát triển các công nghệ sản xuất và lưu trữ hydrogen, amoniac xanh, cũng như công nghệ thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon nhằm áp dụng vào các lĩnh vực có cường độ phát thải khí nhà kính cao. Điều này giúp Việt Nam tiến xa trong hành trình đạt mục tiêu Net Zero, tạo cơ hội cho sự chuyển đổi xanh, phát triển các ngành công nghiệp mới dựa trên nền tảng giảm thiểu khí thải.

Để thúc đẩy hợp tác, Việt Nam và Hàn Quốc cần thiết lập cơ chế hợp tác rõ ràng, bao gồm quy định cụ thể về phê duyệt dự án và phân phối kết quả giảm phát thải carbon. Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án giảm phát thải tại Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia và tạo ra một nền tảng tài chính bền vững cho các dự án khí hậu...

Tham gia sâu vào chuỗi giá trị carbon toàn cầu

Hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước trong ASEAN mang lại lợi ích cho Việt Nam, tạo tiền đề để hội nhập vào thị trường carbon quốc tế trong tương lai. Thông qua các dự án thử nghiệm và liên kết, Việt Nam có thể đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thị trường carbon nội địa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các thị trường carbon toàn cầu.

Hơn nữa, thông qua cơ chế giảm phát thải toàn cầu (Điều 6.4), Việt Nam có thể thực hiện các dự án giảm phát thải trên lãnh thổ của các quốc gia khác và ngược lại, tạo ra một hệ thống linh hoạt cho phép các bên đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án xanh và đổi mới công nghệ...

(*) PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường;

(*) Lê Thị Lan - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Vneconomy.vn