Cô giáo vùng cao đạt giải nhất cuộc thi viết về thầy cô và mái trường

TPO - Cô Lường Thị Thu Trang là tác giả bài viết “Thầy ơi” đã giành giải nhất cuộc thi Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2019 do Bộ GD&ĐT phát động.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải nhất cho cô Lường Thị Thu Trang

Sinh năm 1986, cô Lường Thị Thu Trang là giáo viên môn Toán - Trường THPT số 1 Bảo Thắng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai.

Đến với cuộc thi, cô giáo Lường Thị Thu Trang cho biết: Tác phẩm “Thầy ơi” gồm những câu chuyện về thầy giáo Dương Văn Phẩm, nguyên giáo viên chủ nhiệm lớp 4B – Trường Cấp I Duyên Hải – Thị xã Lào Cai năm học 1969 - 1970.

Đến nay đã gần 40 năm, “lứa học trò xưa của thầy đã rải khắp mọi miền đất nước”, thầy cũng đã mất nhưng kỉ niệm về thầy Dương Văn Phẩm mãi không phai mờ trong ký ức của học trò một thủa. Thậm chí, tình nghĩa thầy trò thời gian khó, chiến tranh loạn lạc ấy còn gây ấn tượng mạnh để cô giáo Lường Thị Thu Trang – thế hệ con cháu chắp bút thành tác phẩm.

“Em muốn được thay thế hệ bố mẹ em gửi tình cảm, sự tri ân đến thế hệ nhà giáo năm xưa. Thế hệ bố mẹ em không có điều kiện, cơ hội để tham dự vào những cuộc thi viết ý nghĩa như thế này để được tri ân thầy cô của mình. Thậm chí chiến tranh loạn lạc, ly tán… đã khiến nhiều học trò không còn cơ hội gặp lại hoặc liên lạc với thầy cô giáo cũ dù trong lòng họ mãi khắc khoải mong ngóng và biết ơn sâu sắc thầy cô…” - Cô Trang bày tỏ.

Những câu chuyện về thầy giáo Dương Văn Phẩm của cô được kể lại qua hồi ức từ người mẹ.

Tác phẩm là câu chuyện cảm động ở ngôi trường vùng cao của tỉnh Lào Cai. Những ký ức dung dị thân thương thông qua những tiết học, những bài giảng nhân hậu giàu ý nghĩa. Từ mái trường ấy đã có bao đứa trẻ học sinh vùng cao trưởng thành.

Chia sẻ cảm xúc hồi hộp, xúc động khi nhận giải, cô giáo Lường Thị Thu Trang cho biết: "Ông bà ta có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"; một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thầy cô không chỉ cho ta bội phần của một chữ; mà còn dạy dỗ, làm gương cho ta về cả lẽ sống, tình thương và trách nhiệm. Mỗi một kỷ niệm về thầy cô giáo cũng như ngôi trường mến yêu là một viên ngọc sáng lấp lánh tình yêu thương và là hành trang vào đời của mỗi cô cậu học trò.

“Tôi hy vọng giá trị nhân văn, tinh thần của cuộc thi sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa tới tất cả các thế hệ học trò Việt Nam, để từ những mái tóc đã bạc màu hay đến những bước chân bỡ ngỡ vào trường học thì cũng luôn luôn trân trọng những khoảnh khắc bên thầy cô và mái trường mến yêu của mình", cô Trang bày tỏ.

Năm 2019 là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”; Báo Giáo dục và Thời đại được giao là đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi.

Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh…

Phát động và nhận bài dự thi từ tháng 5/2019, Ban Tổ chức Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2019 đã nhận được gần 70.000 bài dự thi của các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Đây là số lượng bài rất lớn, cho thấy cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung của cuộc thi.

Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỉ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện; song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh thật đẹp, thật đáng trân trọng.

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 234 bài vào vòng Chấm chung khảo cuộc thi. 12 giải cá nhân và 2 tập thể đã được chọn trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo.