> Cô gái chết đuối ở hồ đại học Y bị hoang tưởng
> Nữ học sinh giỏi 'thụt két' bố mẹ, bỏ đi với bạn trai
Khung cảnh ấy thường diễn ra trong căn nhà nhỏ nép mình ở khu phố 8, phường Thanh Hà, TP Hội An (Quảng Nam).
Hai năm trước, Phạm Thị Nhất không thể tưởng tượng một người không lành lặn như mình lại có được cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nhường ấy. Lên 5 tuổi, sau một cơn sốt nặng cô bé Phạm Thị Nhất mãi gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn. Cuộc sống khó khăn, cô gái gốc Hội An ấy chưa bao giờ dám mơ một mái ấm riêng mình.
Tuổi xuân tưởng cứ lặng lẽ qua đi. Năm 2009, một lần ra Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật, Nhất gặp anh Nguyễn Tấn Phát, quê ở Thăng Bình (Quảng Nam) ra chăm em gái bị tai nạn.
“Hai vợ chồng cũng đang tính đến chuyện sinh con. Thèm nghe tiếng khóc tiếng cười của con trẻ rồi”
Ân cần, tận tình, chu đáo với em gái và các bệnh nhân là ấn tượng mạnh mà anh gây cho chị. Chị kể: Phát tội lắm, ngày nào cũng thấy anh tất bật chạy lên chạy xuống không chỉ để chăm sóc em gái, mà còn giúp đỡ những bệnh nhân trong phòng như một y tá.
Cảm động trước một người rộng tình nghĩa, hai người trở thành bạn, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. “Có khi giữa trưa nắng, anh đi bộ cả khắp mấy con phố để mua cho mình suất cơm chay” - Nhất cảm động kể.
Ra viện, hai người giữ liên lạc với nhau. Nhưng rồi, ngày càng thường xuyên hơn cảnh Phát chạy xe máy hơn 40 cây số từ Thăng Bình về phố Hội để tận mắt nhìn thấy và yên tâm rằng người bạn mình vẫn đang sống tốt. Những tin nhắn, cuộc gọi nhiều hơn mỗi khi chị phải đi đâu xa.
Hóa ra người đàn ông ngoài ba mươi tuổi có tấm lòng rộng lượng chưa hề biết yêu ấy đã rung động trước người con gái tật nguyền. Hai năm trôi qua, anh mạnh dạn nói lời cầu hôn. Dù được cả hai bên gia đình ủng hộ, nhưng Nhất vẫn chưa đủ tự tin rằng mình có thể trở thành người vợ cho đến khi tất cả thành sự thực.
Ngày cưới, mọi người trong làng kéo đến rất đông. Tất nhiên không thể thiếu những em bé nghèo mồ côi, khuyết tật ở Ngôi Nhà Cười - nơi chị đang làm công tác xã hội.
Cuộc sống nhanh chóng ổn định cứ như đã được sắp đặt từ trước. Ngày ngày anh chở vợ đi làm, rồi tất bật tới công trường, cặm cụi với nghề thợ xây. Nhưng vốn tài hoa, đàn hay, vẽ đẹp nên cuộc sống hai vợ chồng lúc nào cũng ngập tràn tiếng hát. Ngôi nhà nhỏ được trang trí bằng những bức tranh chân dung do chính tay anh vẽ tặng người vợ hiền.
Công việc càng bận rộn hơn khi chị nhận làm Chi hội phó Chi Hội thanh niên khuyết tật TP Hội An. Thấy vợ tất bật với công việc, càng yêu thêm những đứa trẻ ở Ngôi Nhà Cười, nên mỗi khi rảnh rỗi anh lại cùng chị đến sinh hoạt, vui chơi cùng các em.