Chuyện vui về nhuận bút của các nhạc sỹ

Tay cầm 28.000đ nhuận bút, nhạc sĩ Huy Thục tính đi, tính lại: Mình đi xe ôm hai lượt khứ hồi mất 30.000đ, như vậy còn phải bù lỗ mất 2.000 đồng...
Nhạc sỹ Huy Thục

Nhạc sỹ Huy Thục - người vừa được giải thưởng quốc gia về âm nhạc với năm tác phẩm đặc sắc: Con suối la la, Tiếng đàn Talư, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Đợi, Vì miền Nam - nhận được một công văn mời đến Nhà xuất bản Âm nhạc để nhận nhuận bút bài hát “Tiếng đàn Talư”.

Ông nghĩ ca khúc này vừa được giải thưởng Nhà nước nên tiền nhuận bút cũng khá đây. ông không đi bằng xe máy mà đi bằng “xe ôm” từ nhà ở khu tập thể văn công Mai Dịch vào trung tâm thành phố.

Ông căn dặn bác xe ôm “đường thì đông, đi phải chậm và cẩn thận, vì đây là công việc rất cần thiết”. Ông gặp cô tài vụ trong phòng kế toán, cô mở sổ ra báo cáo: “Thưa bác, nhuận bút của bác được 28.000đ”, Huy Thục hơi ngỡ ngàng, hay là cô tài vụ nhìn 280.000đ thành 28.000đ.

Cô tài vụ thú thật là bác chỉ có 28.000đ thôi vì còn trừ nhiều khoản trong đó có khoản trừ 15% theo Luật Xuất bản và xin mời bác ký. Tay cầm 28.000đ nhuận bút Huy Thục tính đi, tính lại: Mình đi xe ôm hai lượt khứ hồi mất 30.000đ, như vậy còn phải bù lỗ mất 2.000 đồng...

Nhạc sỹ Doãn Quang Khải - tác giả của ca khúc “Vì nhân dân quên mình” - nay được coi là quân ca và đã được lấy làm nhạc hiệu cho chương trình phát thanh quân đội và truyền hình quân đội kể tôi nghe câu chuyện về chiếc đàn nhuận bút của ông.

“Khi tôi về nghỉ hưu, hoàn cảnh kinh tế của đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Nhạc sỹ Mạc Hy - người bạn cùng Tây Tiến có nói với tôi: mình cho cậu mượn tập sách dạy đàn ghita của mình, cậu về quê dùng nó để sinh sống bằng cách dạy nhạc.

Nhạc sỹ Doãn Quang Khải

Lúc này, tôi có lên phòng phát thanh quân đội hỏi về một khoản nhuận bút thì được trả lời: “Thưa bác, sự việc đã lâu, nếu lục ra thì cũng chả đáng là bao nhiêu”.

Rất may Ban câu lạc bộ của Tổng cục Chính trị lại biết các đồng chí lấy ra một cây đàn đã cũ trong kho nhạc cụ biếu tôi và an ủi “cây đàn này tuy cũ nhưng tiếng trong và vang lắm, anh dùng tạm vậy”. Như vậy là nhạc sỹ Doãn Quang Khải được nhận nhuận bút bằng “đàn”.

Nhạc sỹ Tô Hải thì kể chuyện: “Tôi bị ngã gẫy xương đùi, phải nằm viện 14 tháng. Bác sỹ chăm sóc tôi công tác ở bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một sinh viên trong thời chống Mỹ hoạt động ở nội thành.

Cảm kích trước những ca khúc của tôi viết ngày ấy, khi được tin tôi bị ngã anh đã đón tôi vào thành phố Hồ Chí Minh điều trị để cảm tạ. Tô Hải coi đó là hạnh phúc của một nhạc sỹ và cũng là một “nhuận bút tinh thần đặc biệt”.