Miệt mài phác thảo mẫu Quốc huy
Tháng 5 vừa qua, khi đến dự Lễ Giới thiệu và tiếp nhận một số tài liệu, bản vẽ của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), tôi có dịp biết nhiều hơn về Quốc huy Việt Nam do hoạ sĩ tài danh này sáng tác. Hôm đó, bà Nguyễn Minh Thủy, con gái cố hoạ sĩ đại diện gia đình đến gửi tặng Trung tâm một số tư liệu, bản vẽ của cha mình - đã hẹn tôi dịp nào đó sẽ chia sẻ kỹ hơn về quá trình sáng tác Quốc huy của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước.
Nay đến nhà bà Nguyễn Minh Thủy tại khu tập thể Thành Công (Hà Nội), tôi biết thêm trong nhiều năm qua, đây là nơi lưu giữ những tư liệu, bản vẽ của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước. “Hiện nay, bản gốc những tác phẩm của cha tôi, trong đó có toàn bộ những bản vẽ về Quốc huy Việt Nam đã được gửi vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để lưu giữ, bảo quản lâu dài. Hiện gia đình chỉ lưu lại những hình ảnh về những tác phẩm của cha tôi làm kỷ niệm”, bà Thủy cho biết.
Cầm theo một quyển sách vừa to vừa dày được đóng bìa cứng để tiếp chuyện tôi, bà Thủy cho biết đây là tập tư liệu lưu lại những thông tin chủ yếu về việc vẽ Quốc huy Việt Nam của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước. Đọc tập tư liệu này, tôi chú ý đến di bút “Tôi vẽ Quốc huy Việt Nam” dài hơn 2 trang được hoạ sĩ Bùi Trang Chước viết năm 1985. Trong di bút hoạ sĩ kể, năm 1953, ông được nhà in Bộ Tài chính cử biệt phái một thời gian để vẽ mẫu huân chương cho Chính phủ. Trong thời gian này, hoạ sĩ được ông Trịnh Xuân Côn, cán bộ Ban Pháp chế phụ trách bộ phận Huân chương của Phủ Thủ tướng đưa cho mẫu quốc huy của một số nước xã hội chủ nghĩa làm tài liệu tham khảo để hoạ sĩ vẽ mẫu Quốc huy của Việt Nam.
Một trong những tác phẩm được họa sĩ Bùi Trang Chước ưng ý nhất là mẫu huy hiệu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng vàng để anh hùng Phạm Tuân mang theo chuyến bay vào vũ trụ trên con tàu Intercosmos năm 1980. Tại buổi lễ giới thiệu, tiếp nhận một số tác phẩm của cố hoạ sĩ Bùi Trang Chước gửi tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III được tổ chức tháng 5/2023, anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: “Khi bay vào vũ trụ, tôi có trách nhiệm mang theo bản Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác, nắm đất tại quảng trường Ba Đình và huy hiệu chân dung Bác Hồ. Đó là những hiện vật rất ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà tôi có vinh dự được mang vào vũ trụ trong một chuyến bay đặc biệt”.
Đọc tới đây, tôi nhớ đến một văn bản mà mình đã biết, được in trong cuốn “Danh hoạ Bùi Trang Chước và những tuyệt phẩm đi cùng năm tháng” (do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước biên soạn) khi nói về việc sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam. Đó là Công văn số 87 (ngày 28/1/1951) của Bộ Ngoại giao gửi Ban Thường trực Quốc hội với nội dung: “Nước ta chưa có Quốc huy và Quốc ấn. Bộ nhận thấy đã đến lúc cần nghiên cứu làm để đạt quy nếp chỉnh tề cho việc giao thiệp quốc tế của ta rồi đây sẽ một thêm phát triển”. Do vậy, trong năm 1951, cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam đã được phát động, thu hút đông đảo hoạ sĩ cả nước tham gia. Vậy là, so với nhiều đồng nghiệp, hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã bắt đầu việc sáng tác Quốc huy muộn hơn.
Trở lại với Di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy”, hoạ sĩ Bùi Trang Chước cho biết, qua nghiên cứu mẫu Quốc huy của các nước bạn, ông thấy họ chủ yếu dùng hình ảnh bông lúa, búa, liềm hoặc bánh xe để tượng trưng cho công nông nghiệp. Về nội dung, các nước thường dùng hình tượng mang đặc điểm của đất nước, dân tộc mình để thể hiện trong Quốc huy. Dựa trên những gợi ý đó, hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã vẽ một số mẫu Quốc huy, cũng dùng những bông lúa Việt Nam, cái đe hoặc bánh xe để tượng trưng cho công nông nghiệp. Về nội dung bên trong Quốc huy, hoạ sĩ dùng hình tượng cây tre hoặc con trâu, nhưng rồi thấy hai hình tượng này một số nước Á đông khác cũng có. Ông bèn chuyển sang vẽ những địa danh điển hình của nước ta như Đền Hùng, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, tháp Rùa, gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng… trong các phác thảo. Nhưng hoạ sĩ nhận thấy những phác thảo đó có hình dáng khá rắc rối và cầu kỳ, chưa mang tính khái quát cao. Do vậy, hoạ sĩ tiếp tục vẽ với hơn một trăm mẫu phác thảo khác nhau để có thể chọn ra những mẫu Quốc huy ưng ý nhất.
Mẫu Quốc huy được lựa chọn
Trong “Tôi vẽ mẫu Quốc huy”, hoạ sĩ Bùi Trang Chước cho biết, sau nhiều mẫu phác thảo, ông dùng hình tròn là hình cổ truyền mà dân tộc ta từ trước đến nay thường dùng. Hoạ sĩ lấy nền đỏ, sao vàng của Quốc kỳ làm màu chủ đạo, vừa có ý nghĩa về nội dung, vừa đẹp về trang trí để vẽ Quốc huy. Theo đó, mẫu Quốc huy của hoạ sĩ Bùi Trang Chước được chốt lại có hình tròn, hai bên là những bông lúa rủ vào bên trong ôm lấy cái đe ở giữa và phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời có tia chiếu sáng xung quanh.
Họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992) tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh tại xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (cũ), thành phố Hà Nội. Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với thiết kế mẫu “Huân chương” bao gồm Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; thiết kế mẫu “Quốc huy Việt Nam” và tác phẩm “Khu gang thép Thái Nguyên”. Trước đó, năm 2021, Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của hoạ sĩ Bùi Trang Chước được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Năm 2018, tên của hoạ sĩ Bùi Trang Chước được đặt cho một phố tại nơi ông đã sinh ra, nay thuộc phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).
Bà Nguyễn Minh Thủy cho biết, bông lúa là một hình tượng chủ đạo trong toàn bộ các mẫu vẽ được “chốt” lại của hoạ sĩ Bùi Trang Chước. “Để có được hình tượng bông lúa rủ xuống một cách sinh động nhất, cha tôi đã nhiều lần phải lội xuống ruộng để nâng niu, ngắm bông lúa ở nhiều góc độ khác nhau”, bà Thủy cho biết. Rồi bà kể, theo tư liệu mà bà được biết, tháng 10/1954, Ban Mỹ thuật Trung ương đã chọn 15 mẫu Quốc huy của hoạ sĩ Bùi Trang Chước và gửi sang Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, mẫu số 1 trong số 15 mẫu đệ trình đã được chọn, nhưng vẫn cần chỉnh sửa thêm. Theo “Tôi vẽ mẫu Quốc huy”, hoạ sĩ Bùi Trang Chước cho biết, mẫu này sau đó được Bác Hồ góp ý: “Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho công nghiệp hiện đại”. Từ góp ý quý báu đó, hoạ sĩ Bùi Trang Chước tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để có được mẫu Quốc huy hoàn chỉnh nhất.
Năm 1955, hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã hoàn chỉnh mẫu Quốc huy cuối cùng, với hình tượng là bánh xe tượng trưng cho công nghiệp hiện đại để thay thế cho cái đe ở mẫu cũ. Mẫu này được thông qua, chỉ có góp ý thêm chi tiết là nâng bánh xe lên cao một chút để thấy rõ hơn. Nhưng lúc này hoạ sĩ Bùi Trang Chước lại được giao một nhiệm vụ tuyệt mật là vẽ và in tiền, nên việc sửa chi tiết nhỏ nói trên trong mẫu Quốc huy được giao cho hoạ sĩ Trần Văn Cẩn thực hiện. Và tháng 9/1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phê chuẩn mẫu Quốc huy Việt Nam.
Bà Nguyễn Minh Thủy cho biết, việc chỉnh sửa lại chi tiết trong mẫu Quốc huy Việt Nam trước đây vô tình đã tạo ra sự chưa rõ về tên tác giả vẽ Quốc huy. Về việc này, ngày 27/2/2004, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo với nội dung: “Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của hoạ sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và hoạ sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa, hoàn thiện, vẽ mẫu Quốc huy theo ý kiến của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt”. Sau thông báo này, hoạ sĩ Bùi Trang Chước chính thức được công nhận là tác giả Quốc huy Việt Nam.