>> Kỳ II: Đa, đề ở Lý Sơn
>> Kỳ I: Sắp đến thời khắc hô thần nhập tượng
Nhiệt thành biểu dương ý thức về cương vực quốc gia lãnh thổ cũng như trân trọng công sức đóng góp ấy nên nhiều tờ báo dùng từ cụ để chỉ ông Đặng Lên!
Kể cũng phải. Nhưng mừng hơn, được ngồi với người trưởng dòng họ Đặng ở Lý Sơn, thì được biết ông năm nay tuổi tròm trèm một hoa giáp (sáu mươi) nhưng vóc người rắn chắc tóc chỉ vài sợi bạc, da thịt đỏ đắn. Chính xác là năm nay ông Đặng Lên tuổi 57.
Mừng nữa được hầu chuyện một chứng nhân của lịch sử mà không hề có sự lẫn lộn phều phào nhớ nhớ quên quên.
Lúc mới tới, ngồi chờ lúc lâu trong ngôi nhà còn chút hơi hướng cổ, trần thưng ván có chạm khắc cột gỗ đỏ au, gian thờ chính giữa ba lớp nghiêm ngắn các đồ thờ tự. Tại vị trí trang trọng mé trái ban thờ là tấm khung lớn bản sao tờ lệnh Hoàng Sa thời vua Minh Mạng lồng kính.
Bà vợ người con trai trưởng dòng họ Đặng là Đặng Tôn (đã mất năm 2003) khá cởi mở và mặn chuyện với khách. Qua bà được biết việc thờ tự cúng kiếng vẫn được tổ chức tại nhà trưởng họ này. Bà sai cháu sang nhà ông em chồng nhưng kiếm hoài không thấy...
May quá, ông Đặng Lên đã về. Bộ đồ dùng cho việc cúng, đi chùa màu lam dường như càng tôn thêm những nét của một cơ thể khỏe mạnh. Ông cho biết vừa ở Chùa Hang về.
Ông là người chủ chốt trong Ban quản lý chùa Hang. Chùa Hang, hôm trước tôi có tới... Chùa tên chữ là Thiên Khổng tự, một cái hang lẹm sâu vào hẻm núi đá. Xưa là Đền Chăm cổ, nay thờ Phật trên một cái nền phẳng lỳ hàng trăm mét vuông, một thắng cảnh độc đáo có nhiều du khách trong đất liền thăm viếng. Chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích.
Ông cười, giọng khá vang bảo rằng, ông biết nhiều giọng nói ở các vùng miền của nước mình cũng bởi có chân trong ban quản lý di tích vì hàng ngày đều có du khách tứ xứ viếng chùa.
Không biết ông có căn tu tiếp không nhưng nhà họ Đặng này có đấy. Trong 4 anh em trai nhà ông Đặng Lên, người em kế của ông là Đặng Như Tri tức Thượng tọa Huệ Minh. Người em trai hiền lành ít nói ấy tìm tới cửa Phật từ hồi còn rất trẻ, năm 1960. Đầu tiên thì tu ở chùa của đảo nhà. Sau đó thì theo thầy vào đất liền. Miết thế, hiện nay thượng tọa đang làm phật sự tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chuyện nhà có người đi tu có lẽ cũng bình thường trong thời buổi bây giờ. Nhưng lại không thường vào những năm của thời bao cấp! Năm 1945, hai vợ chồng cụ Đặng Văn Minh, thân sinh ông Đặng Lên, tham gia phong trào Việt Minh của địa phương. Năm 1946, do có nhiều thành tích nên cả 2 vợ chồng đều được kết nạp Đảng.
Năm 1951, Pháp nhẩy dù và đổ bộ xuống vùng tự do Lý Sơn mở một trận càn quét khốc liệt. Nhà cụ Đặng Minh bị đốt trụi, cụ bị Pháp bắt. Chúng đưa cụ về Đà Nẵng và giam ở đó hơn 3 tháng. Cụ trốn thoát được sau đó lại bị bắt lại. Hơn 2 năm sau, cụ được thả. Những đòn tra dã man trong lao tù đế quốc khiến cụ xuống sức rất nhanh. Mặc dù được vợ con và người thân chăm sóc tận tình nhưng cụ đổ bệnh rồi mất vào năm 1953.
Sau giải phóng, có chỉ thị kê khai những gia đình và cá nhân có công đóng góp với cách mạng. Người ta đặt dấu hỏi một cách ngớ ngẩn, ngớ ngẩn đến ác ý rằng, tại sao nhà họ Đặng ấy lại có người đi tu?! Đi tu thành nhà sư là cái chi đó không bình thường?
Hiềm một nỗi nữa, những giấy tờ liên quan đến việc cha mẹ ông tham gia cách mạng tất tật đã bị thất lạc trong trận Pháp càn quét đốt làng, đốt nhà. Mặc dù có nhiều người sẵn sàng làm chứng việc cụ Đặng Văn Minh bị Pháp bắt và sau đó qua đời vì những đòn tra dã man, nhưng khi ấy những nhà chức việc không thể lọt tai những lời nói phải ấy!
Họ nhất quyết rằng, không thể có chuyện bố mẹ làm cách mạng mà con lại đi tu được! Vậy nên, đến tận bây giờ vẫn chưa có thứ giấy tờ chi của chính thể này liên quan đến những thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp của thân phụ người từng giữ tờ lệnh Hoàng Sa từ thời vua Minh Mệnh!
Tờ lệnh phát lộ sau 175 năm nhà ông từng lưu giữ mà báo chí trong nước vài trăm bài từng loan tải sự ghi nhận của nhà nước mình về cái công trông coi cất giữ tờ lệnh của gia đình họ Đặng mà không có một bảo tàng nhà nước lẫn tư nhân của đất nước này sánh được!
Cái ngày kỵ của họ Đặng tại nhà ông anh ruột, ông tộc trưởng Đặng Tôn có lẽ còn lưu lại với ông Đặng Lên lâu nữa mặc dầu từ bấy đến nay đã chẵn 20 năm. Nhằm bữa ấy, ông Đặng Tôn, chỉ còn anh em họ hàng bà con thân tộc, cẩn thận hơn, sau khi cho các bà các cô lui ra ngoài đã trịnh trọng thông báo với một số người, trong đó có ông.
Đại ý, tại ngôi nhà này đang cất giữ một thứ quý giá không riêng chi với riêng họ Đặng mình mà cả với quốc gia này, một tài liệu tờ tợ như công văn kiêm giấy công lệnh về chuyến đi Hoàng Sa của đội dân binh Lý Sơn trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có từ thời vua Nguyễn mà có nhiều đời người của họ Phạm, họ Đặng, họ Nguyễn, họ Võ... của Lý Sơn tham gia.
Người được ông Đặng Tôn dặn dò những việc cụ thể liên quan là người em ruột, ông Đặng Lên. Trong đó có chi tiết rằng đợi đến khi có điều kiện thuận tiện sẽ báo cho Nhà nước mình tờ công vụ lệnh này.
Ông Đặng Lên, không nhiều lời mà lẳng lặng chiểu theo lời dặn của người anh, một công dân bình thường của nước Việt, một lương dân của đảo Lý Sơn tìm đến một kênh để phát lộ thứ gia bảo ấy của họ Đặng mà ông đặt hy vọng.
Đó là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đang là Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ngãi (xin xem thêm Bài “Khám phá mới trong văn bản Cổ lệnh Hoàng Sa” của TS Nguyễn Đăng Vũ trên Tiền phong Cuối tuần số 29 và 30 cuối tháng7 năm 2009).
Từ cái hôm thắp hương trịnh trọng thông báo với tiền nhân tại nhà thờ tổ này rồi sai thằng cháu là Đặng Tấn Thành trực tiếp vô Quảng Ngãi để báo cho TS Vũ (không được nói trên điện thoại, không được nhờ người khác, ông Đặng Lên dặn anh cháu thế và mời bằng được TS Vũ người mà ông biết thạo chữ Hán ra trực tiếp nói chuyện với ông), ông Đặng còn nhớ đó là một ngày cuối tháng 2 Dương lịch năm nay.
Mọi việc tiến triển khá nhanh... Cái ngày chính thức tờ lệnh được cất trong cái ống quyển sơn then đặt ở một nơi kín đáo trong ba lớp của gian thờ kia được ông Đặng Lên thay mặt cho dòng họ Đặng Lý Sơn trao cho đại diện Nhà nước CHXHCN Việt Nam, gian nhà chúng tôi đang ngồi đây đầy chật các nhà chức việc của huyện đảo của tỉnh của Trung ương và nghi ngút nhang khói dự lễ kính cáo với tổ tiên họ Đặng.
Tôi không biết trong những động thái khấn vái kính cẩn trước tiền nhân kia, có động thái nào hứa trước vong linh tiền nhân họ Đặng rằng sẽ đáp ứng nguyện vọng và cũng là quy ước của dòng họ Đặng Lý Sơn do ông Đặng Lên thay mặt khi trao tờ lệnh? Nguyện vọng và quy uớc ấy đại để, Nhà nước tạo điều kiện giúp cho họ Đặng Lý Sơn có một nhà thờ tiên tổ.
Bất kỳ thời điểm nào, khi đại diện dòng họ Đặng Lý Sơn xin được tiếp cận với bản chính của tờ lệnh thì các cơ quan hữu trách tạo mọi điều kiện dễ dàng thuận tiện! (có lẽ khi thay mặt dòng họ Đặng Lý Sơn nêu yêu cầu này, chắc ông Đặng Lên có chợt nghĩ đến khúc nhôi trần ai cái đoạn năm nào khai báo thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp của cha và gia đình mình?)
Và điều khoản cuối cùng có vẻ đơn giản nhưng tôi nghĩ cũng khá hóc cho những ai nếu đã hứa và chấp nhận rằng, dòng họ Đặng Lý Sơn đang có nhiều con cháu chưa có công ăn việc làm mong nhà nước tạo kiều kiện thuận lợi để giúp đỡ!
Sắp một tiết ngâu năm Sửu