10 năm cho bộ ba tiểu thuyết
Ở Cao Bằng có một vài cây bút tên tuổi vang danh cả nước như cố thi sĩ Y Phương, nhà văn Cao Duy Sơn hay nhà văn, nhà báo Hoàng Quảng Uyên. Nhắc đến Hoàng Quảng Uyên nhiều độc giả nhớ đến thể loại ký song ông còn gặt hái thành công ở những thể loại khác, tiểu thuyết là ví dụ.
Mặt trời Pác Bó (NXB Hội Nhà văn 2010), là cuốn tiểu thuyết lịch sử tái hiện hoạt động cách mạng của Bác Hồ từ năm 1941 đến năm 1945.
Theo Hoàng Quảng Uyên thì những chương đầu của cuốn tiểu thuyết này ra đời ở trại viết của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá. Viết sắp xong tác phẩm nhà văn người Tày vẫn lúng túng chưa biết đặt tên gì cho “đứa con tinh thần”.
Ông miên man nghĩ Người đón Bác về nước năm 1941 ở Pác Bó tên là Lý Quốc Súng, tên địa phương là “Slung”, phiên âm từ chữ Hán là “Sáng”. Lúc này, nhà thơ Hữu Thỉnh (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - PV) nói với Hoàng Quảng Uyên: “Bác Hồ về Pác Bó không chỉ đem đến ánh sáng cách mạng mà còn đem về ánh sáng văn hoá”. Thế là tên sách bật ra: Mặt trời Pác Bó.
Tự bỏ tiền in sách
Hoàng Quảng Uyên bật mí: Để in bộ tiểu thuyết “Hồ Chí Minh”, ông đã bỏ ra 180 triệu đồng và chưa có kế hoạch thu lại vốn. Tác giả nhất định không chịu rao bán sách trên mạng xã hội, như nhiều nhà văn bây giờ vẫn làm.
Nhà văn người Tày còn là tác giả cuốn khảo cứu về “Nhật ký trong tù”. Ông viết kịch bản phim “Bác Hồ ở Quảng Tây”; “Những tháng ngày lịch sử” và kịch bản sân khấu “Nước mắt rừng Pác Bó”.
Hoàn thành Mặt trời Pác Bó, Hoàng Quảng Uyên vô cùng sung sướng. Ông cảm thấy đã thực hiện phần nào trách nhiệm của người cầm bút sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, quê hương thứ hai của Bác Hồ.
Nhưng cảm hứng về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh trong ông vẫn đầy: “Đã viết về Bác Hồ ở giai đoạn 1941-1945 thì lẽ nào giai đoạn tiếp theo 1945-1954 lại bỏ qua? Phải viết tiếp, tôi đặt lệnh cho mình. Cuốn tiểu thuyết thứ hai Giải phóng, xuất bản năm 2013 ra đời như thế”.
Nhưng viết xong Giải phóng, nhà văn dân tộc Tày vẫn chưa dừng lại. Ông nghĩ đến hình ảnh Hồ Chí Minh ra đi từ Bến Nhà Rồng và 30 năm ở nước ngoài, lại viết tiếp cuốn Trông vời cố quốc, xuất bản năm 2018.
Phóng viên hỏi: “Trong 3 cuốn tiểu thuyết viết về Bác Hồ, ông tâm đắc nhất cuốn nào?”.
Nhà văn người Tày thú nhận: “Tôi yêu 3 đứa con tinh thần như nhau nhưng thật sự tâm đắc vẫn là Mặt trời Pác Bó, bởi trong đó hình ảnh Cụ Hồ hiện lên rất rõ, tình cảm của Người với người dân Cao Bằng khắc hoạ đậm đà. Một số nhân vật như Lê Quảng Ba (tướng lĩnh người Tày đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam - PV), Nông Thị Trưng (nữ lão thành cách mạng, từng làm giao liên cho Bác, thời kỳ 1941-1942- PV) cũng sống động trong cuốn tiểu thuyết đầu tay này”.
Sau khi viết xong 3 cuốn, nhà văn mới chế lại thành bộ ba tiểu thuyết. Tập 1 là Trông vời cố quốc, tập 2 là Mặt trời Pác Bó, tập 3 là Giải phóng, sắp xếp theo đúng thời gian lịch sử”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, âm nhạc, mỹ thuật nhưng tiểu thuyết viết về Bác Hồ lại rất hiếm. Có thể kể đến nhà văn Hồ Phương với tiểu thuyết Cha và con viết về Bác Hồ và cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. H
oàng Quảng Uyên dành phần lớn đời hoạt động văn nghệ của mình để nghiên cứu về Bác Hồ, nên ông sinh nở bộ ba tiểu thuyết về Bác, lên tới 2.000 trang sách. Trung bình mỗi cuốn tiểu thuyết ngốn của ông hơn 3 năm. Ông dành 10 năm cho bộ ba tiểu thuyết được đặt tên Hồ Chí Minh.
Tên bộ sách cũng là kỷ niệm khó quên của Hoàng Quảng Uyên: “Tôi xin giấy phép NXB Hội Nhà văn mà cứ lo không được chấp nhận vì tên sách của tôi là Hồ Chí Minh, rất ngắn gọn. Nhiều người góp ý tôi nên đổi tên sách dài hơn như Người là Hồ Chí Minh chẳng hạn. Nhưng cuối cùng, tôi được cấp giấy phép, không phải đổi tên sách. Lúc biết kết quả, tôi muốn hét to lên sung sướng”.
Qua đây, Hoàng Quảng Uyên tự đúc kết kinh nghiệm cho mình và cho những ai đang ấp ủ dự định viết về Hồ Chí Minh: “Khi viết về Cụ Hồ thì trong đầu nên bỏ ngay suy nghĩ đó là bậc vĩ nhân, cao vời vợi, không thể chạm tới. Nghĩ như thế đã tạo cho mình áp lực, không thể tung bút”.
Theo dấu chân Bác trên con đường tù đày
Hoàng Quảng Uyên chia sẻ khó khăn khi viết bộ ba tiểu thuyết Hồ Chí Minh dày 2.000 trang: “Người là nhân vật lịch sử rất gần gũi với chúng ta nên hư cấu thế nào là bài toán khó. Hư cấu xa vời thực tế, sự kiện, tính cách của Hồ Chí Minh là thất bại. Dù nhà văn để trí tưởng tượng bay lên vẫn phải dựa vào những sự kiện lịch sử, tính cách của Cụ Hồ, làm sao thuyết phục được người đọc, khiến họ tin rằng, ở sự kiện ấy, Bác Hồ phải hành động như thế, suy nghĩ như thế. Trong cuốn Mặt trời Pác Bó, khi kể chuyện Bác Hồ đến cột mốc 108 tôi cũng phải hư cấu. Các nhà thơ cũng phải hư cấu, chẳng hạn nhà thơ Tố Hữu viết: Ôi sáng xuân nay, xuân 41/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về im lặng con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ…”.
Khác với nhiều nhà văn, nhà thơ có cơ hội quý được gặp Bác, được trò chuyện với Bác, Hoàng Quảng Uyên chỉ được gặp Người qua sách vở và qua những chuyến đi thực tế của bản thân.
Đam mê nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh đã thúc giục ông sang tận Quảng Tây, Trung Quốc, đi theo những con đường Hồ Chí Minh bị tù đày: “Tôi đã đến thị trấn Túc Vinh, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt ngày 27/8/1942, đã đến tận nơi Bác và Dương Đào bị giam giữ, nay nơi này chỉ còn là những bức tường rêu phong. (Dương Đào là dẫn đường cho Bác, bị bắt và bị giam cùng Bác-PV). Vì mải mê theo dấu chân Người, mải mê chụp ảnh nên tôi từng bị công an nước bạn đưa về trụ sở làm việc”, ông kể.
Đi lại Quảng Tây nhiều lần đến mức Hoàng Quảng Uyên đã quen thân với nhiều vị giáo sư, nhà nghiên cứu nổi tiếng ở đây: “Lần đầu tiên tôi đi 15 ngày, tỉnh Cao Bằng cho tôi 10 triệu đồng nhưng không đủ nên tôi “rút két” của vợ lấy thêm 10 triệu đồng nữa. Chính từ chuyến đi tôi quen thân với nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu ở Quảng Tây, Trung Quốc. Sau này chính các giáo sư bên đó tài trợ cho các chuyến đi của tôi”.
Nếu không theo chân Bác trên con đường tù đày có lẽ Hoàng Quảng Uyên không viết được bộ tiểu thuyết đồ sộ.
Ông gật gù tán đồng: “Tôi lãi từ những chuyến đi. Nhiều tư liệu tôi đưa vào Mặt trời Pác Bó. Tôi được Giám đốc Nhà lưu niệm ở Liễu Châu, Giáo sư Ôn Kỳ Châu, dẫn đến ngọn Tây Phong Lĩnh, địa danh được Bác viết trong bài Mới ra tù tập leo núi: Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/ Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa. Tôi cũng đến thăm gia đình Dương Đào. Ra tù Dương Đào mất ở Liễu Châu. Bác Hồ từng viết bài thơ bày tỏ buồn thương khi Dương Đào ốm nặng. Tôi cũng đến trấn An Đức, hang Lũng Trung, nơi Bác Hồ và các đồng chí của mình lánh nạn trên đường về nước”.
Sau bộ ba tiểu thuyết Hồ Chí Minh, Hoàng Quảng Uyên có dự định gì? Tôi hỏi.
Nhà văn tự thấy, đến lúc này ông có thể tạm gác bút ở đề tài lớn này. Tuy nhiên, nếu cảm hứng và thời gian cho phép, Hoàng Quảng Uyên vẫn muốn viết thêm một cuốn tiểu thuyết về Bác, từ năm 1954 đến khi Bác ra đi.