Chuyện người con thứ 6 của nhà văn Kim Lân

TP - Anh là con thứ 6 trong gia đình 7 anh chị em, cha đã nổi tiếng rồi mà đa phần anh chị em cũng là người nổi tiếng. Nhưng chính vì thế Từ Ninh lại chọn một cách ứng xử khác. Từ Ninh lặng lẽ bề ngoài nhưng cái tôi bên trong mãnh liệt. Anh bảo: Sợ nhất khi người ta khen tranh tôi đẹp giống tranh… anh Thành Chương.
Từ Ninh và các con khi nhỏ (ảnh: NVCC)

Nguyễn Từ Ninh học cùng lớp, cùng trường với họa sỹ Đào Hải Phong. Nhưng Phong chuyên sâu mảng thiết kế phim ảnh, còn Ninh theo mảng thiết kế sân khấu. Tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1987, anh vào Sài Gòn, làm cho đoàn kịch Trẻ. Vài năm sau chán, lại ra Hà Nội, trở thành họa sỹ tự do từ bấy đến nay.  Gần 30 năm cầm cọ nhưng Từ Ninh chỉ làm 2 triển lãm cá nhân, tham gia một số triển lãm nhóm, ngại phát biểu nọ kia trước đám đông, thế nên người trong nghề biết anh, người ngoài nghề thì chịu. Từ Ninh nhận, anh không hoạt ngôn, khá vụng về ăn nói, nên thiệt. Sang năm, anh sẽ cố gắng mở một cuộc triển lãm với ý nghĩa kỷ niệm 100 năm ngày sinh cha anh, nhà văn Kim Lân (1/8/1920-7/8/2007). Kính yêu cha nhưng Từ Ninh chia sẻ: Anh không muốn núp bóng người cha nổi tiếng. “Mình vẫn phải là mình, dù hay, dở thế nào. Bố viết văn, con viết văn, vẫn chút gì đó dựa hơi”. Từ Ninh cũng không muốn ảnh hưởng anh, chị của mình trên con đường nghệ thuật. Ninh bảo: “Khi tôi vẽ tranh, tôi sợ nhất người ta khen tranh đẹp thế, giống tranh Thành Chương, anh tôi. Khen thế là giết tôi rồi. Tôi phải thay đổi để không có gì gợi nhớ Thành Chương”.

Chẳng phải cứ dát vàng là đắt giá

“Có khi nào nhà văn Kim Lân buồn vì các con chẳng ai nối nghiệp cha không?”, tôi hỏi Từ Ninh. Anh đáp chậm rãi: “Không đâu. Cha tôi cũng muốn các con theo hội họa hơn viết văn”. Qua Từ Ninh được biết, nhà văn Kim Lân khi trẻ từng có thời gian phụ họa sỹ Nguyễn Gia Trí làm tranh sơn mài. Ông cũng thích hội họa, cũng vẽ chơi chơi. Tên “Nguyễn Từ Ninh” do chính nhà văn Kim Lân đặt: “Từ Ninh vừa có nghĩa Từ Sơn- Bắc Ninh, quê cha, lại vừa là tên một nhân vật trong “Thủy Hử” (1 trong 108 thủ lĩnh Lương Sơn Bạc). Bố tôi thích đọc “Tam quốc”, “Thủy hử”. Như tên anh tôi “Nguyễn Mạnh Đức” bắt nguồn từ nhân vật Tào Mạnh Đức (Tào Tháo) trong “Tam quốc diễn nghĩa”.

Nếu cha anh là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về làng quê Việt Nam thì Từ Ninh lại gắn bó với mảng đề tài gia đình, anh thủy chung với chất liệu sơn mài nhưng không chọn sơn ta mà ưa sơn Nhật. Trước hết, vì sơn ta không chọn anh, anh bị sơn “ăn mặt”. Sơn Nhật phóng khoáng, chất liệu rẻ hơn sơn ta. Theo Từ Ninh: “Không nên máy móc, công thức quá. Sơn ta có những hạn chế về màu, về nhiều thứ khác. Sơn ta phải có buồng ủ riêng cho tranh. Đang mải mê hứng thú lại đem ủ, kết bạc, kết vàng… Trong khi đó sơn Nhật như sơn dầu, pha được tất cả các loại màu”. Song anh thừa nhận: Hạn chế của sơn ta lại làm nên nét độc đáo của nó. Giống như đàn bầu có mỗi một dây nhưng thánh thót, “ru lòng người sâu thẳm”.  So với sơn Nhật, sơn ta bền màu với thời gian hơn. Song sơn Nhật bay màu đều, khiến tranh sáng lên, trong hơn, chứ không phải chỗ bay màu, chỗ không, nên bức tranh vẫn đẹp. Từ Ninh nói: “Chọn sơn mài vì tôi thấy mình làm chủ chất liệu hơn, cho dù chọn sơn mài vất vả hơn chất liệu khác, như sơn dầu chẳng hạn”.

Một số người cho rằng: Tranh sơn mài truyền thống, sơn ta, có giá hơn hẳn so với tranh Việt dùng sơn Nhật.  Họa sỹ Từ Ninh cười: Không phải cứ dát vàng thì đắt tiền đâu. Giá trị bức tranh nằm ngoài vàng, bạc… Từ Ninh chưa bao giờ bán được nhiều tranh như Đào Hải Phong nhưng Đào Hải Phong lại rất trân trọng Từ Ninh. Phong bảo, nếu là khách hàng anh sẽ mua tranh của một vài tác giả không đình đám, trong số đó có Từ Ninh: “Ninh vẽ hay”, Phong nhận xét. Và một thứ khác khiến Phong trọng Ninh hơn cả chuyện tranh pháo, ấy là nhân cách. Một bữa cà phê với nhau, Ninh có việc nên về trước. Chờ Ninh lên xe máy, Phong chỉ cho tôi cái ngón út bị mất 2/3 của Ninh: “Biết vì sao hắn bị mất ngón tay út không? Kể riêng cô nghe nhé, là hắn tự chặt đấy, khi có người vu oan cho hắn ăn cắp. Hắn không phân bua, chặt luôn ngón út và khẳng định: Hắn không làm chuyện đó, rồi bỏ đi”. Trong mắt Đào Hải Phong, Từ Ninh có khí chất “anh hùng Lương Sơn Bạc”, như tên.

 15 năm gà trống nuôi con

Trở lại chủ đề gắn bó trong tranh Từ Ninh: Gia đình. Anh giải đáp thắc mắc của tôi với giọng nửa đùa, nửa thật: “Ừ, thì thiếu gì thì vẽ nấy”. Từ Ninh “một mình” đã lâu. Chia tay vợ, anh nuôi 2 cô con gái, khi đó cô gái út mới được hơn 2 tuổi, lại có bệnh hen suyễn. Hầu như không tháng nào Từ Ninh không phải đưa con vào viện, thức đêm chăm con ở viện đã thành chuyện bình thường của Ninh. Hồi hai con còn nhỏ, Từ Ninh chẳng dám đi xa, đến nhà ở cũng phải mua loanh quanh trong phố, tiện để hai con đi học. Nay hai con gái của anh đã lớn, cô con gái đầu đã là sinh viên năm thứ ba, Đại học Mỹ thuật. Con gái thứ hai đã 17, 18 tuổi, đang học nhạc ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Vì thế, Từ Ninh mới mua đất xây nhà, gần sông. Anh khoe với tôi tổ ấm của ba bố con. Trên diện tích 70 m2, anh xây nhà 3 tầng, tầng trên cùng dựng ngôi nhà gỗ. Mặt ngôi nhà hướng thẳng ra sông. Nơi đây yên tĩnh nhưng không hoang vu, chạy xe một lát đã vào ngay phố cổ. Từ Ninh thích sống bên sông hoặc sống trên núi. Ninh còn một ngôi nhà trên núi nữa. Anh đã từng đưa hai con lên núi sống.

Quan điểm giáo dục của Từ Ninh khác nhiều bậc phụ huynh thời nay: “Tôi không ép con học, học vừa phải, chủ yếu đọc sách, nghe nhạc, xem phim, đi chơi. Học giỏi mấy mà vô cảm, không biết cảm thông, chia sẻ thì cũng chẳng có giá trị gì”. Anh hướng nghiệp cho các con từ khi chúng mới lên lớp 7. Con gái lớn ban đầu thích theo nghề y nhưng sau một thời gian lại thay đổi ý định, chuyển sang hội họa. Anh cũng đồng ý và đầu tư cho con. Con gái út thích đàn, anh cổ vũ con thi vào một trường nghệ thuật.

Trong hai cô con gái, Từ Ninh nhìn thấy gái út rất có khả năng nối nghiệp ông nội, nhà văn Kim Lân. Bởi cô bé viết văn tốt, có góc nhìn lạ. Thí dụ, trước đây khi nhận được đề văn yêu cầu viết về gia đình, cô bé lại đặt trọng tâm bài viết ở cánh cửa ra vào. Cánh cửa ngôi nhà như nhân chứng trong gia đình. Khi cô bé bước chân ra ngoài một thế giới khác rộng mở với bao hoài bão, mơ ước đón chờ. Nhưng hạnh phúc thì nằm sau cánh cửa. Hạnh phúc khác niềm vui. Cô bé phân biệt rõ ràng. Trong bài, gái út của Từ Ninh viết: Gia đình tôi không được hoàn chỉnh như những gia đình khác. Chúng tôi không có mẹ. Nhưng tôi không cần sự hoàn chỉnh đó. Và đối với tôi bây giờ cái không hoàn chỉnh, chính là hoàn chỉnh. Ba bố con. Thế là đủ. Nhắc lại đoạn văn của con gái, Từ Ninh cười hạnh phúc: “Con bé đầy cá tính”.  Khi đề văn yêu cầu viết về môt danh lam thắng cảnh của đất nước, con gái Từ Ninh lại chọn viết về bến đò. Khi khác, cô bé lại viết về trại cùi dưới chân đèo Hải Vân, để nói đèo Hải Vân không chỉ đẹp ở cảnh mà còn đẹp ở tình người. Chính Từ Ninh khi dẫn hai con đi du lịch đã đưa chúng vào thăm trại cùi (trại phong).

15 năm nuôi con một mình, hỏi Từ Ninh có thấy cực hay không? Anh tâm sự: “Tôi không hiểu thế nào là vất vả. Nuôi hai đứa từ năm 2005, thành quá quen rồi, thấy thanh thản, thấy vui”. Từ Ninh không dùng roi vọt để dạy con nhưng anh khá nghiêm khắc. Hồi bé, đi học về, các con mách, bị bạn bắt nạt. Anh nói: Bố sẽ nói chuyện với cô giáo một lần, lần sau các con phải tự giải quyết lấy. Bố mẹ sinh ra các con không phải để người ta đánh đập, kể cả còn bé, các con phải tự biết cách bảo vệ mình. Các con không được bắt nạt ai nhưng không được để ai xúc phạm các con. Quý hơn mọi thứ trên đời là lòng tự trọng”.

Tranh Từ Ninh (NVCC)

Trong hai cô con gái, Từ Ninh nhìn thấy gái út rất có khả năng nối nghiệp ông nội, nhà văn Kim Lân. Bởi cô bé viết văn tốt, có góc nhìn lạ.

Khúc “biến tấu” từ cuộc đời mùi vị

Từ Ninh nuôi con bằng những đồng tiền bán tranh. Tuy không bán được đều đều, song có vài phòng tranh trước tết Tây và Noel lại lấy của anh một lượng tranh lớn để bán cho khách nước ngoài và Việt kiều về thăm quê. Mỗi đợt như thế anh thu được một số tiền kha khá, mỗi tháng lại rút ra, tiêu dần. Nhưng sau năm 2010, việc bán tranh không được thuận lợi như trước, Từ Ninh vẫn tiếp tục phải mưu sinh, vì con cái. Anh theo anh trai của mình, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, tức Đức Nhà sàn, phục dựng văn hóa cổ, lúc nhận việc ở Văn Miếu, lúc ở phố cổ: “Năm 2018, chúng tôi làm “Một thoáng Việt Nam” ở Hội An cho một tập đoàn lớn. Chúng tôi làm những ngôi nhà đặc trưng ở đồng bằng sông Cửu Long, như nhà điền chủ, nhà của Bạch Công Tử… Sau đó, ra nhà Nam bộ, nhà của người Chăm, nhà rông- Tây Nguyên. Cứ thành từng cụm như thế. Rồi nhà rường Huế, nhà Bắc bộ… nhà người Tày, người Thái”.

Chính sự thúc bách của cuộc sống, sự yêu cầu của công việc đã ảnh hưởng đến hội họa Từ Ninh. Tranh anh có những biến chuyển, chứ không tuân theo một phong cách từ đầu đến cuối. Anh khoe với tôi bức “Biến tấu” đẹp như tấm thảm Ba Tư được miêu tả trong những câu chuyện cổ và chia sẻ: “Thực ra bức này tôi vẽ hỏng, song lại vẽ đè lên. Vẽ thế này in trên kính thành tranh kính, có đèn rọi phía sau thì đẹp tuyệt vời”. Nếu như có một cuộc sống gia đình ấm êm, đủ đầy đúng nghĩa, chắc gì tranh Từ Ninh đã “biến tấu” như bây giờ? Tôi hỏi Từ Ninh: “Anh thấy mình được mất gì từ nghề họa?”. Ninh cười, không trả lời thẳng câu hỏi: “Tôi thấy họa sỹ được thể hiện cái tôi mạnh mẽ, độc lập hơn so với nhà văn”.