Chuyện lớn, chuyện nhỏ

TP - Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam trao đổi với Tiền Phong.

Quy hoạch chung Hà Nội:

Chuyện lớn, chuyện nhỏ

TS Liêm nói: Trong quy hoạch, xây dựng Hà Nội hiện nay có những vấn đề lớn: Một số quận mật độ dân số quá cao, phải giảm đi, nhưng chưa biết giảm cách nào, như quận Hoàn Kiếm. Quá mức ấy, không thể nào quản lý quy hoạch; thứ hai, ách tắc giao thông nhiều người nói rồi; thứ 3 môi trường ô nhiễm.

Chuyện nhỏ, chuyện bình thường như việc người ta lăm le nhảy vào Công viên Thống Nhất mấy lần; sự biến mất của một số chợ dưới danh nghĩa cải tạo. Chợ cũng như công viên, đều là không gian công cộng, mọi người dân có thể vào mà không phải trả tiền, xin phép. Không gian công cộng đang rất cần cho đô thị.

Quy hoạch chung Hà Nội đang chờ phê duyệt. Theo ông, còn những vấn đề gì đang đặt ra hiện nay với đô thị Hà Nội?

Hiện nay, ở nước ta dường như mới chỉ quan tâm việc lập quy hoạch, còn tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch vẫn là vấn đề. Chúng ta vẫn coi quy hoạch như một sản phẩm, nhưng hầu hết các nước coi quy hoạch là quá trình. Không thể tư duy mười năm trước cũng như mười năm sau, vẫn quy hoạch đó nhưng thực hiện phải có sự thay đổi phù hợp. Như thế phát triển đô thị mới lành mạnh, đúng đắn.

Con người trong đô thị cần có mối đồng cảm (cảm nhận cộng đồng) với nhau. Phải có không gian công cộng. Thứ hai, người dân phải có cảm nhận, yêu quý thành phố của mình. Nếu những cái đó tốt, cộng giao thông, môi trường, trật tự an ninh tốt thì đó là một đô thị tốt.

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam .

Hà Nội đang đối mặt nguy cơ bị thu hẹp dần những không gian công cộng. Cùng với quá trình đó, dường như nhiều khu đất vàng đang rơi vào tay một số đại gia?

Lỗi là do chính quyền, chứ không lên án người ta được. Vấn đề chính quyền thay mặt dân quản lý xã hội hay thay mặt đại gia. Thay mặt dân, anh phải điều hòa các lợi ích và không làm ảnh hưởng đến lợi ích nhân dân.

Quy hoạch phải được công khai, minh bạch, phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, vì đó là luật, không phải chuyện của một quan chức nào. Sau đó là việc nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch đó. Những người đứng đầu phải có tầm nhìn, phải đặt vấn đề xem bộ mặt thủ đô sẽ ra sao sau 10, 20 hay 50 năm nữa.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy