Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, ông nghiêng về đề xuất chọn phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư 26 tỷ USD của Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Theo ông Đức, phương án lựa chọn của Bộ KH&ĐT cũng nằm trong báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT, không phải nghiên cứu mới. Dù Bộ GTVT đưa ra kinh nghiệm hiện đại hóa đường sắt của Đức, Hà Lan theo cách nâng cấp đường sắt hiện hữu để khai thác tàu khách nhanh hơn, kết hợp cả tàu hàng. Tốc độ chạy tàu chỉ khoảng 200km/h. Dù phương án này có lợi thế chi phí thấp, nhưng Bộ GTVT không lựa chọn vì không phải là mô hình đi trước đón đầu xu hướng phát triển của thế giới.
Trong khi đó, phương án lựa chọn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Bộ GTVT, theo ông Đức, là quá ôm đồm với số tiền lên tới 58,7 tỷ USD. “Bộ GTVT muốn đi trước đón đầu, đưa vận tải đường sắt đi thẳng lên hiện đại. Nên đề xuất đầu tư tuyến đường sắt hoàn toàn mới để chở khách, và nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng. Nên đề xuất tốc độ khai thác lên tới 350km/h”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, Bộ GTVT chưa tính tới năng lực quản lý. Khi đầu tư một dự án đường sắt hiện đại, tổng vốn đầu tư lên tới 58,7 tỷ USD, yêu cầu về năng lực quản lý sẽ rất cao.
Do đó, thay vì chọn phương án tốn nhiều tiền, ông Đức chọn phương án ít tiền hơn, là của Bộ GTVT, để nếu có đội vốn cũng chỉ bằng tiền theo phương án của Bộ GTVT đã chọn.
“Điều tôi lo ngại không phải là chọn phương án hay công nghệ nào, quan trọng là năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không thì đều như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, hay các tuyến metro TPHCM, đều đội vốn lên gấp đôi, chậm tiến độ nhiều năm, trong khi quy mô đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam lớn hơn nhiều lần”, ông Đức nói.
Trước đó, Bộ KH&ĐT có báo cáo gửi Chính phủ về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó đưa ra đề xuất chỉ làm tuyến này trên cơ sở nâng cấp đường sắt hiện hữu, tổng mức đầu tư 26 tỷ USD, rẻ hơn 32 tỷ USD so với phương án của Bộ GTVT.