Chuyên gia nói gì về hiện tượng cay mắt, buồn nôn vì clo ở bể bơi?

TPO - Như Tiền Phong, phản ánh, nước tại các bể bơi hiện nay đang dư thừa clo đến mức làm nhiều người cay mắt, buồn nôn. Các chuyên gia cho rằng, điều đó rất có hại cho sức khoẻ, cần khắc phục trong công tác kiểm soát thực tế và văn bản pháp lý...
Trung tâm thể thao quận Ba Đình (tại 115 phố Quán Thánh - Ba Đình - Hà Nội) luôn nồng nặc mùi clo

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, khi vào bể bơi mà thấy mùi clo nặng, cay mặt hay lợm ở cổ là do các cơ sở này sử dụng clo quá nhiều để làm sạch bể bơi. “Nếu lượng clo trong nước quá nhiều sẽ gây rát bỏng, phỏng rộp da, về lâu dài sẽ gây viêm da. Nếu không may, trẻ em uống vào có thể gây viêm, chảy máu đường tiêu hóa…”, GS. TS Trần Đáng cảnh báo.

PGS.TS Lê Văn Khu, giảng viên cao cấp, Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho hay: Nước trong bể bơi (đặc biệt là bể ngoài trời) thường dễ bị ô nhiễm bởi bụi bẩn, vi khuẩn, các loại vi trùng, … Do đó, người ta thường dùng clo (dưới hai dạng chủ yếu là calcium hypochlorite (rắn) và sodium hypochlorite (lỏng)) để khử trùng.

Nếu hàm lượng clo quá cao có thể gây ra các vấn đề không tốt cho sức khỏe như gây khô da, ngứa ngáy mẩn đỏ, khiến tóc khô, dễ gãy... Nếu có cảm giác cay mắt, lợm ở cổ... thì cần hết sức cẩn trọng. Để xác định chính xác hàm lượng clo trong nước bể bơi cần sử dụng những phân tích chuyên dụng. Tuy nhiên, nếu nước bể bơi có mùi clo gây sốc khiến chúng ta cảm thấy khó chịu thì đó là một dấu hiệu cho thấy lượng clo có thể đã vượt ngưỡng.

Về quy định quản lý, Luật sư Đào Liên (Cty Luật Tiền Phong) cho biết, một trung tâm bơi lội phải đáp ứng các điều kiện của Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL (quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức bơi, lặn). Trong đó, nước bể bơi được quy định: Bảo đảm thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước.

Cụ thể hơn, Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL (sửa đổi, bổ sung thông tư Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL nêu trên) quy định, nước bể bơi phải đạt cấp độ II của nước sinh hoạt quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02 :2009/BYT).

Theo đó, nước phục vụ bơi lội phải đạt tiêu chuẩn “không có mùi vị lạ”. Tuy nhiên, một số người hoạt động trong ngành hoá học, thực phẩm cho rằng, quy định như vậy là rất chung chung, vì clo có mùi vị khó chịu nhưng không thể nói là mùi vị lạ hay quen. Ngoài ra, Thông tư số 14 nêu trên cũng không khống chế lượng clo dư trong nước bể bơi.

Theo Thông tư số 14 nêu trên, các tiêu chí về nước bể bơi như được kiểm tra ít nhất 1 tháng/lần. Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động này. Luật sư Đào Liên đề nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, công khai kết quả tại bể bơi.

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều giải pháp để giảm thiểu mùi clo như thay nước thường xuyên hơn, sử dụng quạt gió, máy sục khí… nhưng chủ bể bơi tiết kiệm chi phí nên đang để khách hàng bơi chung với mùi clo nồng nặc.