Chuyên gia: Chống ngập là 'dắt mưa ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào'

TPO - Nhìn nhận về vấn đề chống ngập tại TPHCM, TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường cho rằng, chúng ta bàn và phân tích nguyên nhân rất nhiều song có điểm chính gồm: Thủy triều, lũ thượng nguồn và mưa. Từ đó có 2 nguyên nhân chính đó là triều lũ và mưa. Do đó, bản chất chống ngập là cần dắt mưa ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

05/12/2018 09:11

Phát biểu tại hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM”, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, TPHCM là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội lớn của cả nước. Trong những năm qua, kinh tế thành phố liên tục phát triển với tốc độ tăng cao hơn trung bình của cả nước từ 1,5 đến 1,7 lần. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng và đến nay dân số thành phố đã đạt gần 13 triệu người. 

Bên cạnh những thành tựu rất lớn thì việc nhiều khu dân cư mới được thành lập, cơ sở hạ tầng phát triển nhưng không tương ứng với tốc độ tăng dân số và làm phát sinh nhiều vấn đề trong quản lý đô thị. Một trong những vấn đề đó là tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố không chỉ trong hiện tại mà cho cả tương lai.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại hội thảo

Bão số 9 đổ bộ vào khu vực Nam Bộ vừa qua, dù không quét sâu vào địa bàn TPHCM nhưng lượng mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ra trận ngập lụt lịch sử chưa từng có ở TPHCM. Nạn ngập nước ở TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi bản chất, nguyên nhân của hiện tượng có thể vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện. Nhiều chuyên gia chỉ ra là do tình trạng bê tông hóa, san lấp kênh rạch, không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay…

Nhìn lại quá trình phát triển hạ tầng thoát nước của TPHCM có thể thấy vào năm 1975, thành phố tiếp quản hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước được phát triển dưới thời Pháp và chế độ cũ với chất lượng khá tốt so với nhiều đô thị trong cả nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, khu vực nội thành còn khoảng 20% – 30% diện tích chưa có hệ thống thoát nước, 700 km cống thoát nước cũ bị tắc nghẽn do nạn xả rác và không được nạo vét, duy tu kịp thời cùng với hệ thống kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm với hàng nghìn căn nhà ven và trên kênh rạch. Nhiều ao hồ có chức năng điều tiết nước bị san lấp. Nhiều tuyến cống, hố ga, cửa xả bị lấn chiếm hư hỏng,… đã làm tình trạng ngập nước của TPHCM ngày càng nghiêm trọng hơn.

TPHCM đã nỗ lực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 (còn gọi là quy hoạch 752), Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (còn gọi là quy hoạch 1547). Đến nay toàn thành phố xây được 4.176 km/6.000 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075 km kênh rạch (đạt hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… và vẫn chưa giải quyết được bài toán chống ngập. 

Trong khi đó, TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các cơn mưa cực đoan có lượng mưa cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước và hiện nay đã xác lập kỷ lục 1,71 m. Thành phố đang lún với tốc độ từ 3 đến 5 cm mỗi năm. Cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập với các cao ốc, chung cư tiếp tục mọc lên ở trung tâm thành phố… càng làm bài toán chống ngập trở nên nan giải. Hàng chục năm qua, TPHCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng đến nay ngập nước vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh niên của người dân thành phố.  

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học - côngnghệ - xây dựng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, đối với chương trình giảm ngập nước, nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 73.000 tỷ đồng. Do ngân sách gặp nhiều khó khăn, TPHCM sẽ phải kêu gọi tư nhân đầu tư, xã hội hóa công tác chống ngập với tổng kinh phí cần huy động lên tới 20.000 tỷ đồng. 

Một tín hiệu đáng mừng là gần đây, một số doanh nghiệp đã đi tiên phong, chủ động đầu tư kinh phí, nghiên cứu công nghệ thực hiện các dự án chống ngập như sử dụng siêu máy bơm thông minh khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” xóa ngập cho gần 7 triệu người trên lưu vực 570 km2 gồm trung tâm TPHCM và bờ hữu sông Sài Gòn với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án vẫn gặp không ít khó khăn, thậm chí đình trệ.

Để tìm giải pháp chống  ngập nặng, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM”. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan ngồi lại tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ nguyên nhân thấu đáo và đề xuất hướng đi đúng để góp phần giải bài toán chống ngập cho TPHCM. 

“Thay mặt Ban biên tập Báo Tiền Phong và BTC, tôi xin trân trọng cảm ơn và nồng nhiệt đón chào các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu đại diện các đơn vị, các nhà khoa học và tất cả khách mời đã quan tâm dành thời gian tham dự hội thảo quan trọng này” – Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn bày tỏ.

05/12/2018 09:14

05/12/2018 09:16

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Minh

05/12/2018 09:39

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại hội thảo. Clip: Văn Minh

05/12/2018 09:40

Nói về tình trạng ngập ở TPHCM, TS Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP HCM cho biết, giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000 là thời kỳ phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch, quản lý quy hoạch về cơ sở hạ tầng nên tình trạng ngập phát sinh. Hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, tiếp tục bị hư hỏng, hầm ga, kênh rạch bị nghẽn do rác và đất cát… gây úng ngập khu vực nội thành bất cứ khi nào có mưa lớn, một số quận mới thành lập (quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân) đô thị hóa “tự phát” nhanh kéo theo xây nhà bất hợp pháp, xâm hại hệ thống thoát nước, kênh, rạch… Kết quả xuất hiện thêm nhiều điểm ngập “mới”.

TS Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP HCM

Cuối năm 2000, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 100 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Giai đoạn từ năm 2001-2005 giải quyết cơ bản tình trạng ngập trong mùa mưa và xử lý môi trường nước đô thị giai đoạn 2001 – 2005, từng bước xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Theo TS Long, kết quả sau 5 năm thực hiện: Đầu năm 2001 còn tồn tại 100 tuyến đường trục chính ngập do mưa, giai đoạn 2001-2005 phát sinh ngập 67 tuyến đường, đã xóa giảm được 62 tuyến đường, còn tồn tại 105 tuyến đường trục chính ngập do mưa và thống kê còn tồn tại 95 tuyến đường trục chính ngập do triều cường.

05/12/2018 09:55

Nói về những khó khăn trong thủ tục đầu tư, TS Đỗ Tấn Long cho rằng, các dự án, đề án đã có trong chương trình, kế hoạch ban hành. Tuy nhiên, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đầu tư lại từ đầu, thời gian thực hiện kéo dài. Các dự án lớn thuộc danh mục kêu gọi đầu tư hầu như rất ít được triển khai, thời gian lựa chọn nhà đầu tư kéo dài.

“Khó khăn trong đầu tư, giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư để triển khai các dự án chống ngập. Việc xả rác sau mưa triều cường cũng rất khó khăn. Muốn thực hiện dự án thì phải có luật đầu tư công. Xây dựng kế hoạch trung hạn, phải cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách đủ mạnh thì mới thành công” – TS Long nhìn nhận.

 TS Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa phát biểu. Clip: Văn Minh

05/12/2018 09:57

Theo ông Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố, sau khi nghiên cứu, ông thấy rằng vấn đề ngập nước ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội nên công tác chống ngập rất quan trọng. Ông Thành cho rằng, ngập nước do dân số quá đông, phát triển nhanh; Cơ sở hạ tầng quá tải (thoát nước, kẹt xe, ô nhiễm…).

Ông Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố

Ngoài ra 2 yếu tố còn có nguyên nhân do địa hình thấp, nền đất bị sụp lún, triều cường, biến đổi khí hậu, đô thị hoá, bê tông hóa; san lấp kênh rạch, chặn luồng thoát nước…

“Cần có cái nhìn nhận đúng về hậu quả của ngập nước”, ông Lê Văn Thành nhấn mạnh.

05/12/2018 10:02

Cũng theo ông Thành, đến nay chưa có ước tính tổn thất do ngập nước theo thời gian. Với tổng số khoảng 200 tỷ, đây cũng chỉ là ước tính mang tính chất gợi ý. Nhưng có cho thấy một khoảng tổn thất lớn cần điều tra khảo sát để có số liệu chính xác.

Về giải pháp, ông Lê Văn Thành cho rằng, ngoài những biện pháp công trình lớn thì cần thống kê tính toán tổn thất xã hội do ngập hàng năm; Chuyển đổi nhận thức hành vi người dân ; Xử phạt nghiêm, quản lý theo cấp phường… Đặc biệt, ông ủng hộ dự án Máy bơm cục bộ như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Mô hình thoát nước vi mô: hộ gia đình; Liên kết doanh nghiệp theo vùng bị ngập…

05/12/2018 10:28

GS Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TPHCM - Công ty mục tiêu Môi trường và Cộng đồng (EPT) phân tích, ngày 25/11 vừa qua, TPHCM hứng chịu một trận mưa khủng khiếp rải đều trên toàn thành phố với vũ lượng ngoài tưởng tượng 300 đến hơn 400mm, gây ngập lụt thảm họa trên 40 tuyến đường, đến sớm thứ hai 26/11 một cảnh tượng chưa từng thấy, trên nhiều tuyến đường xe bị ngập chết máy nằm rải rác khắp nơi. Đến tối ngày 26/11 mới cơ bản được cứu hộ hết. Tình trạng này làm bộc lộ những mặt kém cỏi của hệ thống chống ngập.

GS Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TPHCM

Ông Niên cho rằng, ngập ngoài lý do lũ và triều cường, mưa lớn, hệ thống thoát nước cũ, chưa có hoặc có nhưng chưa đủ bị quá tải còn do tác động của con người nảy sinh trong hoạt động quy hoạch, thiết kế và xây dựng các công trình xây dựng, san lấp nền dẫn tới thu hẹp mặt cắt sông, rạch làm cản trở dòng chảy.

“Tổng quan về các giải pháp chống ngập và thoát nước cũng cho thấy, thoát nước nội thị là giải pháp yếu tố quyết định trong công tác chống ngập và thoát nước cho thành phố, trong đó không thể thiếu yếu tố bơm đối với những khu vực trũng thấp hoặc bị quá tải” - GS Nguyễn An Niên nêu giải pháp.

05/12/2018 10:35

 

Giáo sư Nguyễn Ân Niên, Anh hùng lao động trong thời kỳ mới, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Thủy lợi miền Nam nói về 2 giải pháp chống ngập tại TPHCM. Clip Văn Minh

Cũng theo GS Nguyễn An Niên Ngoài ra, trong điều kiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến biến đổi khí hậu của Công ty Trung Nam thực hiện gần xong, từ nay nên ưu tiên cho thoát nước nội thị và nạo vét kênh, rạch tiêu thoát nước sau các cửa xả. Do TPHCM đã quyết về chủ trương đầu tư bổ sung phần bơm cho dự án này nên khi triển khai các dự án nạo vét trục thoát nước và không nên mở rộng để tạo dung tích trống dự trữ như trước đây nữa mà chỉ cần tính toán thiết kế theo yêu cầu tiêu thoát nước là đủ. Đối với những vùng vẫn bị ngập do mưa dù có vận hành bơm thì cần bố trí thêm bơm lớn, còn đối với các cống, kênh rạch chảy vào các trục thoát nước trong vùng dự án đã được lắp cửa ngăn triều một chiều rồi thì phải rà soát xem cửa đã lắp có còn cần thiết nữa hay không.

'Riêng ở những nơi có cống bao thu gom nước thải để đưa về xử lý ở các trạm, nhà máy xử lý nước thải thì bắt buộc vẫn phải có cửa van ngăn triều một chiều ' GS Niên đề xuất.

05/12/2018 10:48

Kỹ sư Nguyễn Trọng Dần, Hội viên hội KHKT Máy thủy khí Việt Nam phân tích cụ thể hơn những giải pháp tùy thuộc vào địa hình. Cụ thể, với địa hình cao, nguyên tắc giải quyết là quy hoạch hệ thống cống tự tiêu (mạng lưới tiêu thoát; độ lớn cống và độ dốc tự tiêu), còn với địa hình thấp (trũng, sụt lún, nước biển dâng), nguyên tắc giải quyết là quy hoạch hệ thống cống tiêu gom, tạm trữ tại hầm, hồ điều hòa và dùng hệ thống động lực (bơm) đưa nước tới các vị trí hay hệ thống tiêu thoát như sông rạch, hồ chứa hay các vị trí trúng hơn cho phép.

“Riêng độ cao địa hình TPHCM theo số liệu điều tra độ cao trung bình của TP. HCM  so với mốc là: +1,65 m,-Mức triều dâng trung bình tại TPHCM là: +1,35 m. Với những con số trên, cho thấy độ dốc thoát nước của TP.HCM khi có triều cường trung bình chỉ là: +0,3m (1,65m  1,35m = 0,3m). Chưa kể khi triều cường đạt đỉnh (+1,67m)! Độ cao thoát nước có thể âm (-)m.

'Những thông số trên còn có thể giảm xuống do cốt nền TP.HCM liên tục thấp xuống do bị sụt lún hàng năm. Độ dốc thiết kế cống thoát nước đô thị tối thiểu phải có: (0,1~0,3)%. Với TPHCM, các điều kiện cho tiêu úng đều không đáp ứng! Do vậy TPHCM xảy ra ngập úng là vấn đề đương nhiên không phải tranh cãi!.” - ông Dần phân tích.

Kỹ sư Nguyễn Trọng Dần nêu kinh nghiệm chống ngập ở nước ngoài. Clip Văn Minh

Để giải quyết vấn đề ngập úng tại TPHCM, có nhiều ý kiến cho rằng phải nâng cốt nền đường giao thông, trên cơ sở đó sẽ làm tăng độ dốc thoát nước.

Tuy nhiên, ông Dần cho rằng, việc nâng đường không làm tăng độ dốc thoát nước cho khu vực mà còn gây ra các hệ lụy xấu khác như: tạo sự phân cách các khu vực trũng thấp, ngăn cản việc tiêu thoát úng bởi các con đường mới tôn cao, khu dân sinh sẽ ngập nặng hơn! đường cao hơn nhà, phá vỡ quy hoạch mặt bằng giao thông, thương mại hiện hành, dẫn tới hậu quả sau này khó khắc phục: như đã xảy ra tại đường Kinh Dương Vương; Đường Nguyễn Văn Quá.

“Nâng đường và thay đường cống mới nhưng thực trạng vẫn bị ngập do triều cường và mưa lớn. Đây không thể là cách giải quyết chống ngập theo đúng nghĩa! Nâng đường thay cống lớn chỉ giải quyết vấn đề đường không ngập còn khu vực dân cư ngập úng còn diễn ra trầm trọng hơn. Điều này không đồng nghĩa với mục tiêu chống ngập úng! Tương đồng với giải pháp này phải nâng cốt nền của cả lưu vực nào đó. Song điều kiện như vậy là bất khả thi đối với TP.HCM”, …” - ông Dần nói..

05/12/2018 10:49

Dẫn chứng về giải pháp chống ngập tương đối hiệu quả, ông Dần lấy ví dụ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu bản chất hiện tượng ngập úng, đã đề xuất giải pháp chống ngập úng cục bộ với từng khu vực cụ thể, trên cơ sở đánh giá diện tích lưu vực, mức độ ngập úng, hiện trạng hệ thống thoát nước và điều kiện tiêu úng, đưa ra giải pháp công nghệ sử dụng bơm đặc thù để chống ngập cho từng khu vực dân cư!. 

Theo ông Dần, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hết ngập khi có mưa lớn đến 120mm, trong tình trạng có triều cường. Kết quả chống ngập trên đã được ghi nhận tại nhiều biên bản của các cơ quan có thẩm quyền và các phản ánh tích cực từ người dân sinh sống tại khu vực Nguyễn Hữu Cảnh.

“Phương án chống ngập bằng bơm là điều bình thường không mâu thuấn với bất cứ nguyên tắc khoa học nào. (nên nhớ với các vùng trũng, bị sụt lún hay bị ảnh hưởng điều kiện mức triều cường, không còn cách nào khác ngoài dùng nguồn năng lượng bổ sung: đó là bơm để đưa nước tới các vị trí thoát như sông rạch, hồ trũng hay các vị trí cho phép khác)” - ông Dần nói và cho biết, phương án dùng bơm đã được ứng dụng từ lâu, đã là giải pháp cứu cánh bắt buộc của nhiều đô thị văn minh trên thế giới như thủ đô AMSTECDAM - Hà Lan (tất nhiên đối tượng ngập úng này đều đến từ nguyên nhân khu vực trũng thấp, sụt lùn và bị ảnh hưởng bởi triều cường, với điều kiện này không thể tạo ra độ dốc dòng chảy thoát úng tiêu chuẩn).

Kỹ sư Nguyễn Trọng Dần, Hội viên hội KHKT Máy thủy khí Việt Nam

Ông Dần cho biết, việc sử dụng thiết bị bơm chống ngập cục bộ cho từng khu vực dân cư hay đường phố cụ thể sẽ là giải pháp tình huống cho giai đoạn trước mắt từ 10 đến 15 năm tới.

“Tôi ủng hộ phương án tình huống này! Để giải quyết chống ngập cho TP.HCM cần thực hiện nhiều giải pháp đan xen bổ khuyết lẫn nhau. Cần sự chung sức của nhiều ban ngành, sự nhiệt tâm của nhiều nhà chuyên môn và doanh nghiệp trong lĩnh vực thoát nước đô thị. Để giải quyết chống ngập triệt để và lâu dài cho TPHCM sẽ phải là giải pháp tổng thể từ quy hoạch hoàn chỉnh có tính đến các điều kiện tự nhiên và khả năng đầu tư kinh tế kỹ thuật của Việt Nam” - Kỹ sư Dần khẳng định.

05/12/2018 10:50

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, diện tích TPHCM là 2.095 km2; trong đó 1.331 km2 (63%) có cao độ dưới +1.5m là nơi có địa hình thấp chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập, các giải pháp chống ngập hiện nay như xây dựng các hệ thống cống ngầm lớn ở các khu vực và hệ thống bơm kết hợp cải tạo hệ thống thoát nước hiện hữu để đưa nước về các hệ thống cống ngầm.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam

Hệ thống cống ngầm của trung Nam kết hợp bơm đã áp dụng rất thành công ở các nước như Nhật Bản, Malaysia, Pháp… Khoan ngầm thu nước mặt kết nối thoát nước hạ tầng hiện hữu, xây dựng các trạm bơm cuối tuyến cống ngầm, kết hợp xây dựng kè kênh rạch chống tràn ngược cho một lưu vực, phương pháp này ưu điểm thi công không ảnh hưởng nhiều đến giao thông, chống ngập triệt để, còn nhược điểm là mức đầu tư lớn.

05/12/2018 10:51

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam nói về giải pháp mới chống ngập cho TPHCM. Clip Văn Minh

05/12/2018 10:54

Nhìn nhận về vấn đề chống ngập tại TPHCM, TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường cho rằng, chúng ta bàn và phân tích nguyên nhân rất nhiều song có điểm chính gồm: Thủy triều, lũ thượng nguồn và mưa. Từ đó có 2 nguyên nhân chính đó là triều lũ và mưa. Do đó, bản chất chống ngập là cần dắt mưa ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào.

TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường
“Không có giải pháp nào tối ưu nhất cho chống ngập TPHCM. Song, nếu chúng ta có những bài toán tổng hợp thiệt hại về kinh tế, xã hội… thì từ đó sẽ mới có bài giải phù hợp” - TS Lê Xuân Bảo cho biết.

05/12/2018 11:05

Tiến sĩ Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện thủy lợi và Môi trường nêu một số dự án chống ngập trên thế giới. Clip Văn Minh

05/12/2018 11:37

Trong phần thảo luận, rất nhiều câu hỏi liên quan việc vì sao ở một số khu vực ngoại thành có nhiều tuyến đường “làm đường nhưng không làm cống”. Như vậy mưa xuống thì nước chảy đi đâu?

Trước câu hỏi này, đại diện Phòng Quản lý cấp Thoát nước Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, vấn đề này lệ thuộc vào quy hoạch, định hướng của khu dân cư nơi đó. Chẳng hạn nhưng một số tuyến đường ở H.Bình Chánh không làm cống mà chủ động nước chảy sang hai bên.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM chia sẻ tại hội thảo

Trong khi đó, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng, việc phát triển tăng trưởng của thành phố liên quan đến nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Ở cấp độ quy hoạch, chúng ta phát triển theo định hướng quy hoạch không gian, tập trung theo trung tâm TPHCM và 4 hướng Đông, Nam, Đông Nam và Tây Bắc.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM) nói về lý do 'chỗ khô, chỗ ngập'. Clip Văn Minh

Việc hình thành những trung tâm thành phố theo các hướng sẽ giúp phân bổ dân cư đồng đều, tránh tập trung vào trung tâm. Để làm được vấn đề này đòi hỏi thành phố đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường kết nối giữa trung tâm chính và trung tâm phụ thông qua các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Đại lộ Đông Tây, đường Vành đai.

“Sở quy hoạch kiến trúc đang đề xuất UBND TPHCM để điều chỉnh về quy hoạch cốt san nền, tham mưu UBND đặt hàng cho đơn vị thi công cách thoát nước khác nhau cho từng khu vực khác nhau. Có từng giải pháp như vậy thì sẽ có gương mặt cốt san nền cụ thể hơn, hiệu quả hơn” – ông Thảo cho biết.

05/12/2018 11:55

Về ý kiến những dự án, công trình chống ngập tại TPHCM đang ngừng thi công, nhưng nếu ngừng quá lâu sẽ đối diện nhiều nguy cơ. Nhà đầu tư có kiến nghị gì với UBND TPHCM? Ngoài ra, doanh nghiệp có còn tâm huyết đầu tư vào TPHCM hay không?

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam bộc bạch, trong chống ngập TPHCM nhiều yếu tố. Yếu tố biến đổi khí hậu là ảnh hưởng lớn nhất. Dự án Trung Nam cũng đang hoàn thành, ngoài ra còn có dự án 547 đang tiến hành. Mục đích là làm sao điều tiết được dòng nước ra kênh rạch, nhưng rác hay tắc nghẽn dòng chảy cũng gây khó khăn. 

“Trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều vấn đề của đơn vị thực hiện. Mỗi ngày nhà đầu tư bỏ cả tỷ đồng để bảo vệ dự án 10.000 tỷ đồng. Trong tương lai chúng tôi vẫn tâm huyết đầu tư ở TPHCM năng động nhất cả nước, nhưng sắp tới sẽ có cơ chế tháo gỡ, hành lang pháp lý hợp lý để phát triển” – ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.

05/12/2018 12:14

Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho hay, sau 7 năm ròng rã nghiên cứu và sáng chế để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh và hầu hết các trận mưa lớn nhỏ ống đều xử lý được.

Ông Cường bộc bạch, ông không phải là chuyên ngành trong thoát nước mà là chuyên ngành chế tạo máy… Sau 7 năm nghiên cứu về ngập ở TPHCM thì thủ phạm chính gây ngập , 65% diện tích bị ngập, đa phần cốt nền những vị trí này tầm 1,5m trong khi thủy triều 1,68m, chưa kể nước biển dâng… trung bình TPHCM sụt lún khoảng 5cm.

Đa phần các giáo trình chống ngập đều nói đến vấn đề thoát nước phải có cống, có độ dốc, phải có hồ điều tiết… Tuy nhiên, việc làm hồ chứa nước và nâng cốt nền gần như không thể.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung

Ví dụ như Hà Lan, cốt nền họ thấp hơn nước biển, nếu thủy triều lên thì họ đóng cổng lại, nếu mưa xuống thì bơm nước ra và TPHCM cũng tương tự như vậy. Về giải pháp, nếu cốt nền thấp thì chỉ dùng bơm – ông Cường cho hay. 

Vị chuyên gia lấy ví dụ về trạm máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện đang rất hiệu quả. Theo ông, nếu chống ngập hiệu quả thì cần nghiên cứu kỹ hơn, đặt máy bơm ở các lưu vực và hoạt động cùng thời điểm.

Nguồn lực của TPHCM rất lớn, song hoạt động chưa hiệu quả, đang bị cản trở bởi 1 số người được giao nhiệm vụ. Do đó ông Cường đề xuất cần phải xã hội hóa cho doanh nghiệp tư nhân vào cùng làm.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung mong muốn cần xã hội hóa hơn nữa trong công tác chống ngập ở TPHCM. Clip Văn Minh

05/12/2018 12:19

Sau 3 giờ đồng hồ diễn ra hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM”, gần 100 ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, doanh nghiệp TPHCM về tình trạng ngập ở TPHCM.

Phát biểu kết thúc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong trân trọng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tham dự hội thảo.

“Cuộc chiến này sẽ còn rất dài và cần nhiều nỗ lực từ cơ quan chức năng, từ sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tâm huyết” – Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết.

 Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu bế mạc hội thảo. Clip Văn Minh

05/12/2018 12:19

Đại biểu chụp hình lưu niệm cùng BTC

Cơn bão số 9 dù không đổ bộ trực tiếp vào TPHCM nhưng gây mưa lớn khiến hầu hết các tuyến đường, nhà dân trên nhiều quận, huyện ngập nặng. Thậm chí có nơi lên đến cả mét, ô tô, xe máy, nhà cửa của người dân bị nhấn chìm, thiệt hại tài sản nặng nề. Đó được xem là trận ngập lịch sử tại TPHCM do lượng mưa đo được tại các khu vực đều trên 300mm, thậm chí có nơi hơn 400mm kết hợp triều cường.

Mưa với vũ lượng quá lớn kèm theo triều cường khiến TPHCM ngập là chuyện khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều khu vực mưa nhỏ cũng ngập, thậm chí không mưa mà đường cũng lênh láng nước khiến người dân không khỏi bức xúc.

Ngập úng trở thành nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.
Trận ngập lịch sử trong cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng.

Theo các chuyên gia, TPHCM có cốt nền thấp, khi triều cường đạt đỉnh kèm theo mưa lớn sẽ gây ngập úng diện rộng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng kèm theo nền địa chất yếu khiến TPHCM lún mỗi năm từ 3-5cm khiến thành phố ngày càng đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm..

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, giai đoạn 2016 đến 2020, TPHCM cần hơn 73.000 tỷ đồng để chống ngập nước. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng hơn 16.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỷ đồng, vận động nguồn vốn vay ODA khoảng hơn 36.000 tỷ đồng. Số còn lại khoảng hơn 20.000 tỷ đồng TPHCM sẽ phải kêu gọi nguồn xã hội hóa.

Nhiều dự án chống ngập ở TPHCM phản tác dụng.

Hàng chục năm qua, TPHCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập từ nâng đường, thay cống, đến hồ điều tiết… với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở các dự án nâng đường, thay cống phải sống trong cảnh tạm bợ, nắng bụi, mưa ngập, kinh doanh ế ẩm, cuộc sống bị đảo lộn nhiều năm.

Thế nhưng, nhiều công trình khi hoàn thành, những công trình này không phát huy được tác dụng chống ngập như dự án nâng đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)…

Tình trạng ngập nước khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã cử nhiều đoàn công tác đi nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, mời các chuyên gia nhiều nước tham gia hiến kế chống ngập với mong muốn sớm giải quyết tình trạng mưa là ngập, không mưa cũng ngập. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu được áp dụng rộng rãi.

Để tận dụng nguồn lực xã hội, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư chống ngập. Một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư kinh phí, nghiên cứu công nghệ để áp dụng như dự án chống ngập bằng máy bơm thông minh công suất lớn, dự án chống ngập do triều với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Thế nhưng, các doanh nghiệp vẫn gặp phải rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện từ thủ tục hành chính đến kinh phí vận hành…

TPHCM đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chống ngâp.

Nhiều giải pháp, công trình chống ngập khác lại không phát huy hiệu quả. Để hạn chế tình trạng ngập nặng như thời gian qua, ngày 5/12, báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập tại TPHCM”. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan ngồi lại tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ nguyên nhân thấu đáo và có hướng đi đúng để giải bài toán chống ngập cho TPHCM.

Tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo các ban ngành gồm:

Lãnh đạo UBND TPHCM:

Ông Vũ Viết Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

Ông Đặng Phú Thành, Trưởng Phòng Quản lý cấp Thoát nước Sở Giao thông Vận tải TPHCM;

TS Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa;

Lãnh đạo Sở Xây Dựng; Lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư;

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, cơ quan quản lý tìm giải pháp chống ngập cho TPHCM..

Về phía chuyên gia, nhà khoa học có sự tham dự của:

GS.Nguyễn Ân Niên, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam;

GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường;

Thạc sỹ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển;

TS Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam;

TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường;

Chuyên gia cao cấp Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam;

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam;

Ông Nguyễn Tăng Cường, Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung;

TS.Tô Văn Trường; PGS-TS.Đặng Xuân Thi, Chủ tịch Hội KHKT Máy thủy khí VN;

Kỹ sư Nguyễn Trọng Dần, Hội KHKT Máy thủy khí Việt Nam…