Chuyện của người chống tham nhũng: Tôi nguyên là công dân...

TP - “Tôi nguyên là công dân...”,  ông nói với tôi, giọng buồn sâu thẳm. Lại tiếp câu chuyện buồn về ông Nguyễn Lâm Sáu - một người chỉ vì chống tham nhũng mà, 24 năm trôi qua, vẫn mang thân phận bị can.

>> Kỳ trước

Cách đây hơn ba năm, bị can Nguyễn  Lâm Sáu liều mang hồ sơ kêu oan ra Hà Nội và tôi gặp ông để rồi từ đó vẫn canh cánh về một cảnh đời đầy oan trái. 

Vốn là kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản ở Liên Xô (cũ), năm  1977, Nguyễn Lâm Sáu được điều từ miền Bắc vào Tây Nguyên làm cán bộ khung cho nông trường Eo Kao – Đắc Lắc. Nhưng tại đây, Lâm Sáu phải chứng kiến một số cán bộ của nông trường tham nhũng một cách ngang nhiên trắng trợn.

Ông Sáu đang nói bỗng dưng giật mình. Cái giật mình đã thành phản xạ. Phản xạ được  hình thành từ mấy dòng chữ  “khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định” (Lệnh tạm tha).

Ông sợ bỗng dưng cơ quan pháp luật gọi, mình đang ở Hà Nội sẽ không thể “đến đúng ngày, giờ quy định”

Tất cả cán bộ công nhân viên của nông trường ngày ấy, vì cuộc sống mưu sinh, đều im lặng, trừ Nguyễn Lâm Sáu. Lâm Sáu  làm đơn tố cáo lãnh đạo nông trường  lợi dụng chức quyền tham nhũng và ức hiếp cấp dưới. Từ lá đơn tố cáo đó, Ủy ban Thanh tra Nhà nước Tỉnh Đắc Lắc về thanh tra nông trường Eo Kao và kết luận : “Công tác quản lý đất đai, thiết bị xe máy, vườn cây, sản phẩm có nhiều sai phạm nguyên tắc, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa”.

Cũng từ đó, hàng loạt tai họa ập xuống gia đình người kỹ sư trẻ, đất thổ cư bị chiếm, nhà bị đốt cháy, điều động công tác trái khoáy, đấu tố, cắt lương, cắt gạo  và  rồi cả hai vợ chồng bị buộc thôi việc. Rồi bỗng dưng, Sáu bị công an khám nhà. Dù họ chỉ thu được một chai dầu cam đã hỏng nhưng Sáu vẫn bị bắt đi giữa thanh thiên bạch nhật  vì tội “Buôn bán hàng trái phép”.

Sáu bị giam chung với những can phạm giết người. Để chứng minh mình vô tội, Sáu tuyệt thực ba ngày. Đói rét, đau, nhục, khiến Sáu ngất xỉu.

Ngày 21/11/1985  công an giao cho Nguyễn Lâm Sáu một tờ giấy: Lệnh tạm tha. Lệnh tạm tha ghi rõ: “Trong khi chờ kết thúc điều tra và quyết định di lý, căn cứ vào pháp luật hiện hành: Ra lệnh tạm tha. Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định”. 

Từ đó, đến nay, 23 năm trôi qua, trải qua trăm ngàn cay đắng, một mình gà trống nuôi con sau khi vợ không chịu nổi oan trái đã qua đời. Giờ ở tuổi xưa nay hiếm, ông Sáu vẫn mang thân phận bị can, vẫn chỉ mới được “tạm tha”. Cái lệnh tạm tha nó khiến ông sống như bị tù đày giữa đời thường.

Bao giờ ?

Sau khi Tiền Phong đăng bài về những oan trái mà ông Nguyễn Lâm Sáu phải nếm trải, ngày 10/7/2008 , Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công văn số 4519 gửi UBND Tỉnh Đắk Lắk, cho biết Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo: “Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Lâm Sáu  theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trong tháng 9/2008”.

Ít lâu sau, Thanh tra Nhà nước Tỉnh Đăk Lăk cử cán bộ đến nhà ông Nguyễn Lâm Sáu  tìm hiểu lại tường tận sự việc. Ông Sáu cũng được lãnh đạo Công an tỉnh mời đến trụ sở, nghe ông giãi bày, bổ sung chứng cứ hồ sơ. Ông Sáu yêu cầu được giải oan đồng thời bồi thường các thiệt hại gia đình ông đã gánh chịu.

Thượng tá Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc Công an Tỉnh, thay mặt công an tỉnh xin lỗi ông Sáu về sai trái của những cán bộ công an trước đây bắt giam oan, gây ra những tổn thất không đáng có cho gia đình ông, đồng thời hứa sẽ kiến nghị UBND Tỉnh sớm có giải pháp đáp ứng những yêu cầu chính đáng của ông.

Ông Sáu khấp khởi mừng, trong thư cảm ơn Tiền Phong, ông viết: “Vậy là tôi đã hai lần được đi xe công an. Lần trước cán bộ điều tra đi xe Jeep đến nhà bắt tôi vào trại giam. Lần này ông Phó Giám đốc Sở điều hẳn một xe sang trọng bảy chỗ ân cần đưa tôi về đến tận nhà. Giữa hai lần tôi bị và được ngồi xe công an, 21 năm đã trôi qua”.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi thời hạn báo cáo Thủ tướng hết, mà tỉnh Đắk Lắk vẫn im lặng.  Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư khẳng định tỉnh sẽ giải quyết thỏa đáng vụ việc xong trước Tết Đinh Hợi.  Đinh Hợi qua, năm Mậu Tý  cũng trôi qua, rồi đến năm Kỷ Sửu, ông Sáu vẫn chưa được giải quyết bất cứ nội dung nào trong nhiều vấn đề khiếu nại.

Ngày 03/12/2008, Văn phòng Chính phủ lại có công văn “Về việc đôn đốc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Lâm Sáu (Đăk Lăk). VPCP có Công văn số 4519/VPCP-KNTN ngày 10/7/2008 nhưng UBND Tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa có báo cáo, VPCP đề nghị UBND Tỉnh Đăk Lăk khẩn trương thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả”.

Sau đó, UBND Tỉnh Đăk Lăk gửi Công văn số 398 lên Văn phòng Chính phủ đổ lỗi cho ông Sáu: “không nhiệt tình hợp tác, không thiện chí, do đó mà không giải quyết dứt điểm được vụ việc của ông”. Gần nửa quãng đời đi gỡ oan sai, đòi lại quyền công dân cho mình, nhưng khi có cơ hội để làm việc đó, chẳng lẽ Nguyễn Lâm Sáu lại không nhiệt tình hợp tác ư?

Mới đây, bị can Nguyễn Lâm Sáu lại đánh liều ra Hà Nội để tiếp tục cuộc hành trình tìm lại quyền công dân cho mình. Sau ba năm gặp lại, ông già đi nhiều. 70 tuổi đời. 24 năm tuổi bị can. Ông bảo: “ Vụ án của tôi đã hai năm rõ mười rồi, nhưng đến bây giờ tôi vẫn mang thân phận bị can. 

Tôi chỉ yêu cầu cơ quan công an Tỉnh Đăk Lăk đình chỉ vụ án, hủy lệnh tạm tha, trả  lại quyền công dân cho tôi. Nếu họ không đình chỉ vụ án thì đưa vụ án ra xét xử. Quyền công dân của tôi không thể treo mãi thế này được. Vụ việc liên tục kéo dài  với nỗi oan trái vô cùng lớn vắt qua hai thế kỷ và một hành trình khiếu kiện cực kỳ gian nan, kiên nhẫn, dai dẳng, tôi vẫn còn niềm tin và tôi không bao giờ bỏ cuộc”.