Sinh ra trong cảnh lam lũ, tồn tại bằng chính bàn tay của mình, Hợi đã lăn xả với muôn vàn công việc để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Mải miết mưu sinh để có tiền cho những liều thuốc đặc trị ung thư vô cùng đắt đỏ, chàng thanh niên này đã vô tình “dính chàm”.
Lúc bước vào trại tạm giam cũng là lúc Hợi đón nhận hung tin về sự ra đi của mẹ. Sau những đau đớn liên tiếp, tưởng chừng khó vực dậy, chàng thanh niên mồ côi ấy đã vịn lấy niềm tin, bước từng bước run rẩy vào cổng giảng đường đại học bằng nghị lực phi thường của mình.
Tuổi thơ cơ cực
Phan Hợi (SN 1983), trong một gia đình có hoàn cảnh khá trớ trêu. Lớn lên trong sự quan tâm của mẹ và anh chị, Hợi chưa một lần biết mặt cha. Mẹ Hợi là một người phụ nữ đa đoan trong chuyện tình cảm, hai lần đò vẫn không mang đến cho bà một mái ấm vẹn toàn. Ba đứa con mang ba họ khác nhau và Hợi mang họ mẹ. Sau những bầm dập của niềm tin, bà ôm các con từ Quảng Bình về lại quê nhà ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sinh sống.
Sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần đã đem đến cho Hợi một tuổi thơ cơ cực, vất vả. Tuy nhiên, dù gia đình có thiếu thốn đến đâu, mẹ Hợi vẫn cố gắng cuốc cày để cho ba con học hết THPT. Năm 2001, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, Hợi quyết định lên đường nhập ngũ thay vì kiếm một cái nghề để mưu sinh như anh chị của mình.
Sau 5 năm rèn mình trong quân ngũ, Hợi trở về quê. Nghỉ ngơi ít hôm, anh quyết định khăn gói vào Đồng Nai đăng ký học nghề điện công nghiệp tại trường cao đẳng dạy nghề số 8 ở thành phố Biên Hòa.
Để có tiền học, Hợi luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh đi làm thêm, nên gia đình không phải chu cấp gì cả. Việc học hành đang bắt đầu vào quỹ đạo thì anh đau đớn nhận hung tin, mẹ anh bị bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Sự sống của bà chỉ tính bằng ngày, bằng tháng. Sau những ngày lao đao, anh quyết định đón mẹ vào Đồng Nai để tiện chăm sóc thuốc men, ăn uống cho bà. Thời gian đó, Hợi lao vào làm việc như một con thiêu thân, ai thuê gì làm nấy, từ phụ hồ, giữ xe, bốc xếp, bưng bê bát đĩa trong các quán ăn...
Nhiều khi, sự lao lực của anh vượt xa cái sức vóc nhỏ bé ấy. Thế nhưng oái oăm thay, bệnh tình của mẹ anh ngày càng nặng hơn, số tiền thuốc tăng lên theo cấp số nhân. Để có tiền mua thuốc cho mẹ, Hợi đã “tự nguyện” thả “hồn mình cho quỷ”, khi đầu cơ cho các công ty bảo kê, đòi nợ thuê, rồi trộm cắp tài sản... Theo mách nước của một bạn xấu, Hợi đã liều vào các bãi gửi xe công cộng, lấy xe cũ đổi xe mới, rồi đem bán kiếm tiền.
Ban đầu, Hợi cũng tự dặn lòng, chỉ làm một lần rồi thôi. Nhưng lóa mắt trước việc kiếm được nhiều tiền một cách dễ dàng, cộng thêm tiền thuốc của mẹ liên tục “réo rắt” cái túi anh hàng ngày, bước chân Hợi cứ thế lún sâu vào vòng tội lỗi không rút ra được. Ngày 1/6/2007, Hợi bị bắt quả tang khi đang mang xe máy cũ vào bãi gửi xe của siêu thị BigC tráo đổi xe mới mang đi bán. Trước đó mấy ngày, Hợi đã linh cảm sẽ có ngày này nên tìm cách đưa mẹ về quê.
Nghị lực từ trong trại giam…
Ba tháng sau, TAND thành phố Biên Hòa đã mở phiên tòa xét xử Phan Hợi với tội danh “trộm cắp tài sản”, tuyên án 24 tháng tù giam. Lúc này ở Hà Tĩnh, mẹ Hợi mới biết tin dữ của con. Những cơn đau do bệnh tật dày vò cộng với tâm bệnh đã khiến sự ra đi của bà nhanh hơn dự tính. Một tháng sau ngày xét xử Hợi, bà nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng. Từ trong nhà tù đón nhận hung tin về mẹ, Hợi đã qụy ngã bên song sắt.
Cùng thời gian trên, Hợi được chuyển về trại giam Cây Cầy (của Bộ Công an đóng tại tỉnh Tây Ninh), do không quen với thức ăn, tinh thần lại suy sụp nghiêm trọng nên chân tay Hợi bỗng dưng bải hoải, không cử động được. Thời gian đó, Hợi sống trong cô độc, một mình chống chọi lại bệnh tật. Từ những thao tác sinh hoạt rất đơn giản, Hợi cũng đã mất khả năng điều khiển. Suốt ba tháng ròng nằm một chỗ như người thực vật, khiến Hợi bỗng giật mình lo sợ.
Một lần nữa, Hợi không cho phép mình gục ngã, phải tự đứng dậy để đấu tranh bền bỉ với hành trình đòi lại chức năng sống cho tứ chi. Trong hoàn cảnh nhà giam, Hợi không có các công cụ hỗ trợ phục hồi chức năng như ở bên ngoài, nên cách tập tành của Hợi chỉ là những thao tác lăn, lê, bò, trườn.
Nói về những tháng ngày đó, anh bảo hết cuộc đời này khó mà quên được. Ấy vậy mà nhờ sự kiên trì tập luyện suốt 11 tháng trời, Hợi đã dần đứng lên được, bàn tay cũng bắt đầu cầm nắm có cảm giác. Trước sự ngỡ ngàng của các quản giáo và bạn tù là những giọt nước mắt nóng hổi tuôn trào trên gò má chai sạm của chàng thanh niên ấy.
Nhờ sự cải tạo tốt, Hợi được ra tù trước thời hạn ba tháng. Ngày đầu tiên về nhà, nhìn lên di ảnh mẹ, tay Hợi run run không cắm được nén nhang vào bát hương. Cứ thế, anh khóc ròng suốt mấy ngày trời bên bàn thờ của mẹ.
Nói về những ngày đầu mới bước ra từ cổng trại giam, Hợi bảo ở trong tù đã khổ, ra tù còn khổ hơn, khi hàng ngày anh phải đối diện với những ánh mắt kỳ thị, xa lánh của người thân, bạn bè, xóm làng. Thông tin Hợi bị bệnh trong tù khi về đến lũy tre làng, không hiểu sao lại biến thể thành chuyện anh bị HIV, nên đi đến đâu, người ta tránh đến đó. Thế rồi, Hợi đành phải làm một cái việc bất đắc dĩ là đi xét nghiệm máu. Khi chuyền trên tay tờ giấy xét nghiệm âm tính với vi rút HIV của Hợi, mọi người mới thôi xì xào.
Bước vào giảng đường đại học
Nghe lời trăn trối của mẹ, Hợi nhờ người dựng lại căn nhà nhỏ trên nền đất trống, sáng ngày lầm lũi mưu sinh bằng nghề bán củi. Thế rồi, một lần vô tình bắt gặp hình ảnh cô bé hàng xóm đang ôn bài bên cửa sổ, nỗi khát khao được đến trường trong Hợi lại trỗi dậy. Sau những đắn đo, Hợi quyết định sang nhà cô bé mượn sách vở, liều đi thi đại học. Từ đó, bóng cậu thanh niên mồ côi ấy cứ hắt lên phên nhà suốt đêm thâu. Ánh đèn dầu cứ bập bùng trong ngôi nhà nhỏ. Ngày lầm lũi cần mẫn lên rừng chặt củi kiếm tiền đong gạo, tối Hợi lại chong đèn “dùi mài kinh sử”.
Khi lịch thi gần kề, Hợi vùi đầu vào sách vở thâu ngày thâu đêm. Có lúc anh bị ngất lịm bên bàn học vì kiệt sức, máu mũi, máu mồm ộc ra, tưởng chết. Mùa thi năm ấy, có chàng thanh niên “cứng” tuổi, khắc khổ hì hục làm bài bên cạnh những cô cậu học sinh nhí nhảnh, đang độ yêu đời.
Ngày đón nhận số điểm 19,5 và tờ thông báo trúng tuyển vào Khoa Lịch sử, trường đại học Vinh, Hợi lại khóc. Những giọt nước mắt nỗ lực vượt qua số phận đã làm cảm phục bao người dân quê nhà. Họ tình nguyện đóng góp mỗi gia đình một ít để đủ tiền học phí cho cậu tân sinh viên nghèo nhập trường.
Bốn năm trên giảng đường đại học, cậu thanh niên mồ côi này liên tục được tín nhiệm làm lớp trưởng, rồi bí thư lớp K50A khoa Lịch sử. Ý thức được hoàn cảnh của mình, Hợi chăm chỉ vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Biết được hoàn cảnh vượt khó của Hợi, Đoàn trường đại học Vinh đã giới thiệu chỗ trọ miễn phí cho anh, khuyến khích tham gia Câu lạc bộ “Mái ấm trường Vinh”.
Ngoài ra, Hợi còn được Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn. Nhờ chi tiêu tiết kiệm, anh cũng bám trụ được để đi đến cuối con đường học vấn của mình mà không đứt gánh giữa chừng. Giờ thì Hợi đang đi đến gần những tháng cuối cùng của cuộc đời sinh viên. Tháng 7 này anh sẽ ra trường, những khó khăn vẫn đang chờ đón, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn tin Hợi đủ nghị lực để vượt qua những thử thách đó.
Những dòng di chúc cảm động của mẹ
Trong lúc bản thân đã “ngấm” mệt mỏi muốn buông xuôi, thì Hợi được một người thân trao cho hai lá thư, gần như là di chúc mẹ viết cho riêng Hợi trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Thư có đoạn: “Ra ngoài xã hội thì không ai nể, không ai thương, nếu cứ lao vào con đường lầm lạc. Sau này ra tù trở về, mẹ khuyên con nên cố gắng lao động. Mình muốn ăn no mặc ấm thì phải siêng năng cần cù, thức khuya dậy sớm để cày bừa cuốc móc. Mẹ và cậu đã mua cho con một mái nhà 4 triệu đồng. Con trở về, tuy là không còn gì nhưng vẫn có được ngôi nhà cho con ở tạm… Mẹ muốn sống thêm để lo vợ cho con nhưng không được nữa. Hãy tha thứ cho mẹ!...”. Đọc thư mẹ, Hợi khóc ròng, quyết tâm làm lại từ đầu.
Theo Người Đưa Tin