Trao đổi với báo chí về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ả-rập Xê-út để dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC lần thứ nhất và thăm Vương quốc Ả-rập Xê-út, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận xét “đã thành công tốt đẹp, đạt và vượt các mục tiêu đề ra”.
Đưa quan hệ lên một tầm cao mới
Theo ông Việt, trong 2 ngày tại Ả-rập Xê-út, Thủ tướng đã tiến hành 20 hoạt động với nội dung, hình thức phong phú, đạt được nhiều kết quả cụ thể trên tất cả các mặt. Đoàn Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC đầu tiên.
Chuyến thăm tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam - Ả-rập Xê-út tăng cường tin cậy chính trị và mở ra các cơ hội hợp tác mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thắt chặt hơn mối quan hệ với tất cả các quốc gia vùng Vịnh, một khu vực có tổng GDP lên đến 2.200 tỷ USD, Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng, đề cao ý nghĩa của Hội nghị, mở ra những kỳ vọng to lớn để hai bên cùng nhau phấn đấu đưa quan hệ lên một tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.
Thủ tướng cũng mang đến Hội nghị thông điệp rõ ràng: ASEAN và GCC cần phải có quyết tâm chính trị, thích ứng năng động, phát huy ý chí tự cường và tiềm năng hợp tác to lớn, khơi thông các nguồn lực phát triển, khởi tạo các ý tưởng đột phá, triển khai các hành động cụ thể để thực sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của hợp tác khu vực và thế giới.
Cơ hội để thu hút các khoản đầu tư lớn
Đối với Ả-rập Xê-út, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, đây là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 13 năm, nhằm mở đường, tìm kiếm và tận dụng các cơ hội hợp tác.
Trong hội đàm với Hoàng Thái tử, Thủ tướng Ả-rập Xê-út và các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước thành viên GCC, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Các nước đều đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, vai trò lãnh đạo điều hành cũng như triển vọng tương lai phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Lãnh đạo của Ả-rập Xê-út chia sẻ, họ mong muốn tham gia đồng hành cùng tương lai của Việt Nam, mong muốn biến sự ngưỡng mộ đối với Việt Nam trở thành hành động hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Quốc vương Qatar khẳng định không có giới hạn nào trong hợp tác với Việt Nam; sẽ phối hợp để gỡ bỏ mọi rào cản, vướng mắc thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
"Các nước cho rằng còn nhiều dư địa hợp tác với Việt Nam cũng như Việt Nam có thể mở cửa để thu hút các khoản đầu tư lớn, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống cũng như mở rộng sang các lĩnh vực mới như chuyển đối số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực đa dạng khác", ông Việt cho hay.
Các nước cũng bày tỏ sẵn sàng trao đổi, thúc đẩy thương mại, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam và đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp Halah, mở ra một hướng đi mới cho ngành nông thực phẩm của Việt Nam.
Bên cạnh đó là lĩnh vực hợp tác rất quan trọng về lao động, trong đó có việc cử lao động tay nghề cao của Việt Nam tham gia vào các dự án lớn của Ả-rập Xê Út và các nước vùng Vịnh. Cuối cùng là thúc đẩy hợp tác về du lịch, tăng cường kết nối, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước vùng Vịnh.
Nhằm khai thông nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, Quỹ đầu tư công 620 tỷ USD của Ả-rập Xê-út đã cam kết dành nguồn lực nhiều hơn cho các dự án lớn phát triển hạ tầng của Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều tập đoàn lớn của Ả-rập Xê-út khẳng định sẽ xem xét mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thép, thép tiền chế, bán lẻ, nông nghiệp và năng lượng sạch và mong muốn qua Việt Nam mở rộng mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp này sang các nước ASEAN.