'Chuyện ấy' lên sân khấu

TP - Những đội kịch tương tác của bạn trẻ chuyên diễn về chủ đề tình bạn, tình yêu, hôn nhân, phòng chống bạo lực gia đình và tình dục an toàn… Đây là một trong những mô hình truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên và thanh niên khá hiệu quả do T.Ư Đoàn, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp triển khai.
Bạn trẻ cùng diễn kịch về chuyện ấy
Bạn trẻ cùng diễn kịch về chuyện ấy . Ảnh: Trọng Phú

Nói chuyện bao cao su

Hội trường CĐ Sư phạm tỉnh Hòa Bình tối cuối tháng 11 chật kín người. Họ đến dự Liên hoan kịch tương tác về SKSS với các đội kịch đến từ 6 tỉnh thành. Từ hàng ghế khán giả, nam nữ thanh niên giơ tay xung phong lên sân khấu để chia sẻ cách xử lý, quan điểm của mình trong tình huống bạn trai không muốn dùng bao cao su trong lúc làm “chuyện ấy”.

Đó là phần tương tác trong tiểu phẩm Bao cao su do đội kịch Tỉnh Đoàn tỉnh Hòa Bình thể hiện.

Tiểu phẩm mở đầu bằng tình huống ba chàng trai hí húi xem phim sex thì bạn gái của một trong ba người đến chơi. Chàng trai đòi, nhưng cô gái nhất định từ chối vì không có bao cao su. Đúng lúc này vở kịch dừng lại. Người dẫn chương trình cầm míc đi xuống hàng ghế khán giả đặt câu hỏi, sau đó mời người trả lời lên sân khấu vào vai chàng trai hoặc cô gái trong vở kịch để giải mã tình huống.

Hàng loạt những câu hỏi về tình yêu, tình dục được đặt ra như thế nào là tình yêu đích thực, quan hệ tình dục an toàn, biện pháp tránh thai, tránh lây nhiễm bệnh tình dục... kèm theo là các giải pháp do chính bạn trẻ nhập vai đưa ra. Khán giả trẻ vỗ tay rào rào khi bạn trẻ có cách xử lý hay.

“Chưa bao giờ em được dự buổi giao lưu nói về... chuyện ấy. Nó giúp giải đáp được nhiều câu hỏi về tình dục mà thường nữ sinh không dám hỏi ai vì e ngại”, Bùi Thị Thanh, nữ sinh CĐ Sư phạm Hòa Bình chia sẻ.

Trước đây, Thanh và nhiều nữ sinh nghĩ con trai xuất tinh ra ngoài khi quan hệ tình dục thì không thể mang thai, nhưng sau buổi giao lưu này mới biết đó chưa phải là tình dục an toàn. “Tình yêu đích thực không phải chỉ là sự đam mê, quan hệ thể xác giữa hai người khác giới, mà tình yêu còn là sự tôn trọng gìn giữ cho nhau giữa những người yêu nhau”, Thanh nói.

Bạch Thanh Chương, thành viên đội kịch tương tác tỉnh Hòa Bình, cho biết, đây chỉ là một trong những buổi diễn, giao lưu thường xuyên về chủ đề SKSS, an toàn tình dục của họ đối với giới trẻ. Ngoài trường học, đội kịch còn về các huyện, xã để diễn.

“Bạn trẻ thường ngại nói về tình dục. Tuy nhiên, thông điệp đó lại được truyền tải dễ dàng hơn qua kịch tương tác. Bạn trẻ không chỉ xem mà còn trực tiếp tham gia vào vở kịch, nhập vai vào nhân vật để giải quyết chính vấn đề mà họ đang gặp phải”.

Theo đánh giá của Trung tâm TTN miền Bắc, kịch tương tác là một trong những mô hình có hiệu quả nhất về truyền thông SKSS vị thành niên và thanh niên. Trên cả nước đã hình thành hàng chục đội kịch tại Hòa Bình, Phú Thọ, Tiền Giang, Bến Tre, Kon Tum và Ninh Thuận.

Diễn kịch không phải chuyên môn của hơn 100 ĐVTN là thành viên các đội kịch, nhưng họ đều tỏ ra chuyên nghiệp. “Cùng là thanh niên cả, nên khi diễn kịch về những vấn đề của thanh niên bọn mình nhập vai dễ dàng hơn”, Nguyễn Văn Cường thành viên của đoàn kịch tương tác tỉnh Phú Thọ nói. Cường hiện đang là Phó Bí thư Đoàn phường Nông Trang, Việt Trì (Phú Thọ). Phó Bí thư Cường đã biểu diễn gần 50 buổi.

Kết quả Liên hoan: Đội kịch tỉnh Phú Thọ đoạt giải nhất; Bến Tre, Hòa Bình đ0ạt giải nhì; Ninh Thuận, Kon Tum, Tiền Giang đạt giải ba. 
Theo Báo giấy