CUỘC ÐỜI GẮN VỚI SỐ 7
Trưa nửa cuối tháng 7, ông Nguyễn Văn Bảy ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành (Lai Vung, Ðồng Tháp) đang nằm võng nghỉ ngơi. Ông Bảy nói: “Cả buổi sáng ở ngoài vườn chăm sóc cây trái, giờ nghỉ ngơi tí rồi ra mé sông đắp đập lại để giữ nước đừng cho cá ra”. Ông Bảy năm nay 83 tuổi, người gầy nhom, râu tóc bạc phơ nhưng nhanh nhẹn, khỏe mạnh và sống chan hòa cùng bà con, xóm làng. Nhà ông cách trung tâm huyện Lai Vung chừng dăm cây số, theo con đường ngoằn ngoèo, quanh co đầy bùn đất. “Bây giờ còn đỡ chứ chục năm trước vào đây đường sá còn lầy lội hơn nhiều, đường thì tối om, đèn dầu loa loét. Sau đó, tôi vận động làm đường, câu điện”, ông Bảy bộc bạch.
Tuổi già nhưng hằng ngày sáng sớm ông đều bơi xuồng ra sông dở dớn rồi đi đồng chăm sóc vườn cây trái cả ngày. “Làm riết quen rồi, ngày nào không làm chịu không nổi”, ông Bảy nói rồi ông dẫn phóng viên dạo quanh một vòng trên mảnh vườn 0,6 ha của mình. Vừa đi vừa trò chuyện, ông giới thiệu, ở đây trồng không thiếu thứ gì từ sen, vú sữa, sầu riêng, ca cao, cà phê, thanh trà… mỗi thứ một ít. “Những loại này, tôi đi đâu thấy khoái là mua về trồng thử cho vui. Còn dưới ao cả tấn cá các loại, tất cả đều là cá sông, đặt dớn rồi thả vào ao nuôi để dành đãi khách, có con 4 - 5 kg”, ông Bảy cười khì nói.
Ông Bảy kể, hồi nhỏ khoái đánh nhau nên năm 17 tuổi xin đi bộ đội làm du kích địa phương. Ðến cuối năm 1954, ông ra Cao Lãnh (TP Cao Lãnh, Ðồng Tháp) ngày nay, xuống tàu tập kết ra Bắc. Ðơn vị của ông di chuyển từ Thanh Hóa đến Thái Bình, Nam Ðịnh, rồi đóng quân ở Xuân Mai, Hà Tây (cũ). Sau đó, Bộ Quốc phòng có đợt tuyển phi công và ông Bảy trúng tuyển. Sau khi được tuyển chọn, ông theo học tại Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn, được phổ cập nhanh từ lớp 4 lên lớp 10 để sang Trung Quốc học lái máy bay.
Ban đầu ông học lái máy bay thể thao, tiếp đến là máy bay YaK-52, Mig 15, Mig 17. Sau 3 năm học lái thành thạo máy bay chiến đấu, 4/1965 ông trở về Việt Nam. Ông cho biết, từ năm 1965-1967, ông bắn hạ 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4, được xếp hạng ACES). Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp aces - một danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ Hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.
Ông tươi cười nói: “Cuộc đời nhiều lúc nghĩ lại thấy vui vì luôn gắn với con số 7”. Ông tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, lái chiếc MiG17, bắn rơi 7 máy bay Mỹ, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.
ÐÁNH NHAU MỚI BIẾT HAY – DỞ
Ông Nguyễn Văn Bảy nói rằng, có đánh nhau mới biết giỏi hay dở chứ nếu rèn luyện, học xong rồi để đó đến ngày về hưu thì không đánh giá được khả năng của mình.
Với bản tính thích đánh giặc, ngay sau trở về nước ông xin xuất trận. Nhớ lại lần xuất kích đầu tiên vào năm 1965, ông kể, biên đội Mig-17 của ông cất cánh thì phát hiện máy bay Mỹ trên bầu trời và quyết định tấn công. Khi đó, máy bay Mỹ phản kích lại trúng máy bay của ông Bảy, thủng 82 lỗ, có những vết thủng lớn hơn bàn tay nhưng ông cố gắng điều khiển máy bay hạ cánh an toàn. “Máy bay cũng như con người, đôi khi đánh nhau vỡ đầu chảy máu nhưng không chết, tuy nhiên có lúc đùa giỡn té trúng chỗ hiểm là chết ngay thì máy bay cũng vậy, tôi sợ nhất là trúng bình xăng hay bộ điều khiển coi như xong. May lần đó bị bắn nhiều nhưng không trúng chỗ hiểm nên thoát nạn”, ông Bảy giải thích.
Sau lần đó, máy bay đem về sửa chữa, rồi ông tiếp tục xuất trận trên bầu trời và đã bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên vào năm 1965. MiG-17 khi đó chỉ được trang bị pháo 37mm ngắm bắn, không có tên lửa, bay chậm hơn nhưng lại bắn hạ được máy bay tiêm kích - ném bom siêu thanh của Mỹ. “Khi bay lên cao phát hiện máy bay trinh sát RF-8A được hộ vệ bởi F-8 Crusader của phi đội 211 Mỹ. Tôi cùng đồng đội bắn rơi 2 chiếc, đồng thời bắt một phi công làm tù binh”, ông nói.
Theo lời ông Bảy, sau khi bắn rơi 7 máy bay, Bác chỉ đạo cho ông chuyển sang công tác huấn luyện, đào tạo phi công trẻ. “Có lần Bác Hồ đến thăm đơn vị hỏi ở đây có đồng chí nào ở miền Nam không. Lúc đó, tôi liền giơ tay. Bác tiến gần rồi bảo: “Sau này đất nước thống nhất, cháu lái chở Bác vào miền Nam thăm đồng bào nhé! Tuy nhiên, ước mơ được lái máy bay chở Bác vào Nam không thực hiện được vì Bác đã ra đi”, ông Bảy buồn bã nói.
Năm 1990, sau khi về hưu ông quay trở lại quê nhà với cuộc sống đời thường, ruộng đồng. Ông Bảy dí dỏm nói: “Ban đầu về xây dựng mô hình VAC (vườn - ao - chồng) thời gian nhưng không hiệu quả. Sau đó chuyển sang mô hình BAD (bán - ăn - dần). Qua báo đài, đồng đội thấy lặn ngụp dưới sông, ngoài đồng rồi gọi điện hỏi chính quyền không lo sao mà sống khổ sở vậy nhưng tôi bảo, trong chiến tranh chiến đấu quen rồi, giờ về nhà cũng “chiến đấu” với ruộng vườn. Tao khoái là làm thôi, ít ra là để rèn luyện sức khỏe chứ ngồi nhà không làm gì buồn chịu không nổi, còn nhà nước đã phụng sự nhiều rồi”, ông Bảy tâm sự.
Ông chỉ ra phía sau nhà, giới thiệu vừa làm xong khu nhà sàn, có cầu khỉ bắc ngang ao, phía dưới nuôi cá. “Hễ có khách đến chơi là tao dẫn ra đây tiếp, vừa thoáng mát, vừa ngắm cảnh thanh bình, yên tĩnh lại nhớ đến Bác sống cuộc đời giản dị”, ông tươi cười nói rồi kể tiếp: “Cách nay 3 năm, trong lần vợ chồng viên phi công Mỹ sang đây thăm vậy mà ông ấy cũng lọ mọ “bò” qua cầu được đến bờ bên kia, hay thiệt”.
Hoàn thành nhiệm vụ của người lính, ông trở về quê nhà sống cùng gia đình. “Sống trong căn nhà cấp bốn nhưng gia đình hạnh phúc, con cái hiếu thảo”, ông Bảy nói rồi khoe, trong nhà tự tay ông mua sắm đủ thứ từ cây búa, khoan, đục, máy cưa… như một xưởng mộc “Cần gì là có nấy khỏi mất công đi mượn ai”.
Ông Bảy nói