Mất ăn mất ngủ vì… “ông tí”
Ngô An Phước, làm việc tại Công ty đóng sửa tàu Nhà Bè, thuê trọ ở khu hẻm đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3, TPHCM cho biết mấy tháng nay đêm nào ngủ cũng bị chuột rúc vào chân.
“Khoảng 1-2 giờ khuya đang ngủ ngon, thấy dưới chân nhột nhột, thức dậy bật đèn thì thấy mấy “ông tí” tháo chạy tán loạn”- Phước kể.
Trần Thị Viết Hương, sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trọ tại hẻm 759 Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết, chuyện chuột ghé thăm phòng trọ như cơm bữa. “Lúc đầu thấy phiền, em và bạn mua bả chuột về bẫy, chuột có giảm nhưng hết bẫy thì nó lại xuất hiện”- Hương nói.
Mới dọn vào thuê ở trong khu chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh được 10 ngày nhưng anh Hoàng Văn Giáp cho biết có 9 hôm chuột chạy vào nhà. “Không chỉ mất ăn mất ngủ vì chuột mà cả thức ăn để trong nhà cũng bị chuột quậy phá”- anh Giáp kể.
Hộ gia đình ông Lê Văn Quốc sống trong khu nhà lụp xụp cạnh bờ kênh Thanh Đa ở phường 27, quận Bình Thạnh vô cùng ngao ngán khi nhắc đến chuột.
Ông Quốc kể, nhà ông còn dư miếng đất nhỏ vừa đủ rào cái chuồng gà. Để đề phòng chuột cống vào ăn trứng, ông dùng lưới sắt B40 rào kín. Thế nhưng ngay trong đêm, lũ chuột tràn vào cắn chết và tha xác lũ gà con đi.
“Vừa rào kín, vừa đặt bẫy chuột, vậy mà vẫn chết cả đàn gà con. Có khi chuột còn cắn cả gà trống”- ông Quốc bức xúc.
Để hạn chế chuột, người dân trong xóm dọn dẹp vệ sinh, yêu cầu không vứt rác bừa bãi. Thế nhưng, không tìm thấy thức ăn ngoài đường, chuột bò vào nhà, lục lọi xoong nồi.
Tại khu dân cư quanh khu vực chợ xép trên đường Ngô Tất Tố phường 22, quận Bình Thạnh nằm dưới chân cầu vượt Thủ Thiêm cứ đến mùa mưa là chuột lớn chuột bé chạy tán loạn ngoài đường và cả trong nhà.
“Buổi tối nấu thừa cơm một xíu để sáng mai hâm lại cho cả nhà ăn sáng, vậy mà đêm nào chuột cũng bò vào ăn. Sau khi để hết đồ ăn vào tủ lạnh, lũ chuột không kiếm được thức ăn bèn cắn phá khắp nơi. Áo quần, giày dép, túi xách gì cũng bị cắn rách”- bà Nguyễn Thị Hóa, thuê trọ trong con hẻm đường Ngô Tất Tố than thở.
Chị Hồ Thị Quýt, nhà ở khu dân cư Tân Quy Đông, quận 7 cho biết: Đêm 6-7, cả nhà chị ra ga Sài Gòn về Nha Trang thăm gia đình. Khi lên toa 8, tàu SNT2, vừa lật giường để cất hành lý, cả nhà hoảng loạn, vì phát hiện một bầy chuột tháo chạy tán loạn.
Đêm ấy, không ai ngủ được vì sợ chuột gặm. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, có không ít vụ tai nạn giao thông vì chuột chạy ra đường khiến người điều khiển giao thông hoảng loạn, không làm chủ tay lái. Người đi đường ở TPHCM không lạ gì khi thỉnh thoảng thấy xác chuột bầy nhầy trên đường vì bị xe cán.
Mỗi năm, từ một đôi chuột thành 2.000 con
Nhiều năm nghiên cứu về loài chuột để khống chế chuột gây dịch bệnh, kỹ sư Lê Đình Dũng- Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết chuột ngày càng sinh sôi do phong trào diệt chuột ở TPHCM không còn rầm rộ như thời kỳ còn bệnh dịch hạch.
Ông nói, hiện chỉ còn một vài quận, huyện ra quân diệt chuột nhưng làm theo kiểu phong trào nên kết quả thu được chả đáng là bao.
“Thế giới có khoảng 500 loài chuột các loại, nhưng tại Việt Nam có 5 loài được xem gây hại trực tiếp cho con người. Đó là chuột nhà, chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt và chuột lợn”- kỹ sư Dũng điểm danh.
Ông Dũng cho rằng, nếu không quyết liệt để diệt chúng, nhất là trước mùa chuột cái sinh sản, chuột con sẽ tiếp nối chuột bố mẹ để phá hoại.
“Chuột sinh sản theo cấp số nhân. Từ một cặp vợ chồng chuột sau một năm nó sinh sôi thành 2.000 con” - kỹ sư Dũng cho biết. Lấy ví dụ ở TPHCM có khoảng 5 triệu chuột các loại sinh sống, trong đó có 2 triệu con chuột sinh sản, con số mỗi năm chuột con ra đời là 400 triệu con.
Kỹ sư Lê Đình Dũng cho biết, chuột có thói quen chạy trên các lối đi cũ, cảnh giác với vật lạ, nếm thức ăn trước, đánh dấu bằng nước tiểu hoặc phân và biết phân ranh giới, xác định lãnh thổ.
Đặc biệt, loài chuột lại thích ứng tốt với đời sống của con người và sống gần người. “Răng của chúng cứ dài ra theo thời gian nên bắt buộc chúng phải gặm nhấm bất cứ thứ gì để mài răng đi. Vì vậy, chuột rất thích phá hoại các đồ vật, đặc biệt là thức ăn ở mọi nhà, chợ búa và các khu vực môi trường ô nhiễm…”- kỹ sư Dũng nói.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, vật chủ gây bệnh dịch hạch tại nước ta là chuột cống, chuột nhắt, chuột đồng, chuột đất lớn… “Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh và tử vong cao”- bác sĩ Siêu cảnh báo.
Diệt không xuể
Bà Đặng Thị Trúc Loan - Giám đốc Trung tâm kiểm soát côn trùng và động vật gây hại ở TPHCM cho biết. Mỗi tháng chúng tôi diệt được 500-700 con. Và định kỳ 1-3 tháng các tòa nhà, khu công nghiệp lại thuê diệt một lần.
Vòng sinh sản của chuột diễn ra 4 lứa một năm và lứa sau gấp đôi lứa trước nên nếu không diệt thường xuyên chuột lại tăng lên.
Hiện theo bà Loan, cách diệt chuột theo vật lý là dùng lưới ngăn chuột xâm nhập, dùng bẫy và phương pháp dùng các loại thuốc sinh học chuyên dụng để xử lý, tiêu diệt chuột.
Anh Trần Hồng Út - nhân viên diệt chuột của Công ty diệt mối, diệt chuột ở Tân Bình, TPHCM cho biết, chuột sống ngày càng nhiều ở khu dân cư nhưng ít người thuê giết vì… “nhà này cứ đẩy cho nhà kia”.
“Có lần chúng tôi được một người dân ở Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh thuê diệt chuột. Mấy ngày đầu chuột diệt sạch nhưng vài hôm sau chủ nhà kêu ca vì chuột từ hàng xóm kéo đến. Chủ nhà bảo đã khuyên mấy nhà hàng xóm hùn tiền diệt luôn nhưng họ không chịu nên diệt cũng như không”- anh Út kể lại.
Tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ nông sản Thủ Đức gần như tháng nào cũng có đội diệt chuột “ghé thăm”. Mỗi chợ một đợt diệt tới cả 300-400 con.
“Tui bán hàng khô, có mực, cá khô trứng… nên chuột cứ ghé vào hoài. Mỗi sáng ra cửa hàng thấy thực phẩm bị băm nát là biết hồi tối chuột vào ăn mà không làm gì được”- chị Hà bán ở chợ Tân Mỹ, quận 7 nói.
Theo chị Hà để đối phó với chuột, nhiều tiểu thương đặt bẫy, nhưng rồi chuột cũng thấy quen, vẫn nhởn nhơ.
Qua các nghiên cứu từ Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, chuột còn là nguyên nhân gây ra các bệnh như: bệnh sốt hoàng đản- xuất huyết nhiễm trùng do nước đái chuột; nhiễm vi trùng kiết lỵ, amibe, vi khuẩn salmonella… do ngộ độc phân chuột; bệnh uốn ván do chuột cắn và nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh do nước đái của chuột nhắt.
Cách đây 2 năm, Sở Y tế TPHCM đã ra quân diệt chuột tại 200 điểm ở thành phố với kinh phí 2 tỷ đồng.
Đợt ra quân này “thu hoạch” được hơn 2000 con chuột. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc diệt chuột chỉ ở mức tự phát ở các quận huyện, chưa được ngành chức năng phát động trên toàn thành phố.