Chúng tôi viết bài: “Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng”

TP - Đầu tháng 6/2010, anh Tô Nam, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong vỗ vai tôi: “Băm nát quy hoạch vào chung khảo Giải thưởng báo chí Quốc gia rồi đấy! Chúc mừng”. Trong lòng rất vui nhưng tôi nghĩ các báo đều có nhiều “hàng khủng” trình làng, thêm nữa Tiền Phong cũng có nhiều tác phẩm vào chung khảo, chắc gì đã có giải.
Nhà báo Vương Hạnh (áo sáng ngoài cùng bên phải) thu thập thông tin về siêu dự án KĐT Đồng Xuân - Tiến Xuân
Nhà báo Vương Hạnh (áo sáng ngoài cùng bên phải) thu thập thông tin về siêu dự án KĐT Đồng Xuân - Tiến Xuân . Ảnh: Phùng Sưởng

Có sự trùng hợp gì đó chăng khi Quốc hội đang bàn luận sôi nổi trong nghị trường về Quy hoạch chung Thủ đô thì loạt bài “Băm nát quy hoạch...” của tôi và nhà báo Vương Hạnh vào chung khảo. Cuối cùng may mắn cũng vẫn mỉm cười. Loạt bài “Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng” đoạt giải C.

Năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 có lẽ là đỉnh điểm của các dự án bất động sản đổ về Hà Tây. Có phải vì Hà Tây đã mở cửa bứt phá mà tạo ra ma lực với nhà đầu tư? Chỉ trong vòng hơn một năm mà có đến 500 dự án được phê duyệt, cấp đất với diện tích lên đến hàng chục ngàn hécta là điều không bình thường. Trong số đó chủ yếu là dự án bất động sản.

Nhà báo Phùng Sưởng . Ảnh: Phạm Yên

Hà Tây một tỉnh kinh tế trung bình, dân số 2,3 triệu người, trong đó có đến 80% là nông dân bỗng chốc “hóa rồng” chăng. Với diện tích đất dành cho đô thị được quy hoạch, được cấp mà trong thời gian ngắn tỉnh này phê duyệt đủ để cho số dân gấp ba lần tỉnh Hà Tây sinh sống, tức khoảng 7 triệu người. Đây là sự vô lý.

Khi Quốc hội thông qua nghị quyết 15 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, những mảnh đất dù cằn khô sỏi đá, sau một đêm được gắn mác “Thăng Long- Kinh Kỳ” giá trị đã đổi khác rất nhiều.

Khi làm bài điều tra “Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng”, tôi và nhà báo Vương Hạnh đã quần thảo nhiều ngày tại một siêu dự án Khu đô thị Đồng Xuân - Tiến Xuân (Lương Sơn - Hòa Bình), khi là vai nhà báo, lúc khoác áo nhà đầu tư, khi làm môi giới.

Nhiều người dân mà chúng tôi tiếp xúc đã ngỡ ngàng khi mảnh ruộng, vạt nương của gia đình mình bỗng dưng thành đô thị. Một bác nông dân kẽo kẹt đôi quang gánh trên vai chỉ tay lên ngọn núi chếch sau những mái nhà lúp xúp ẩn dưới những tán mít, bụi tre nói: Đấy, đô thị lên đến đỉnh của ngọn núi đó. Cả làng, cả xã trừ chỗ nào không vẽ được thì còn đó, còn vẽ được là vào đô thị hết.

Chúng tôi đã về tâm bão bất động sản Quốc Oai. Một huyện thuần nông bỗng vào thành phố. Trên trục đường nhỏ nối từ đường Láng - Hòa Lạc vào chùa Thầy có gần chục dự án đô thị, trung tâm mua sắm, sân golf.

Đầu xuân bà con đi cấy, trời lạnh chân mềm chìm sâu trong bùn. Phía trên những lưng còng lam lũ là tấm panô rộng in hình khu đô thị hiện đại. Nhà báo Vương Hạnh nói: Giá mà những đô thị như thế này đổi đời cho những người nông dân lam lũ? Biết đến bao giờ. Họ vẫn sống ngay bên các dự án được xây nên từ những mảnh ruộng có từ trăm năm nay, nhưng sao xa lạ quá. Chúng tôi đã viết bài: “Những nông dân bên lề dự án”.

Trong số nhiều kỳ của loạt bài, chúng tôi đã dành một kỳ nói về “Cuộc chiến giữ đất dưới chân núi Thầy”. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao người dân phản đối dự án quyết liệt đến thế. Các cụ cao tuổi đã tập hợp con cháu thành một đội xung kích, mỗi khi có ai đó lạ mặt ngấp nghé đồng xôi, ruộng mật của làng là gõ kẻng ngăn chặn.

Chúng tôi phát hoảng vì nếu đi sâu mô tả việc này dễ bị cho là kích động. Tuy vậy, những câu nói của các già làng Thụy Khuê khiến ai cũng phải suy ngẫm: “Phải mất hàng trăm năm cha ông chúng tôi mới cải tạo, bồi đắp được những cánh đồng tươi tốt như hôm nay. Vậy mà chúng sẽ bị san thành sân golf, xây khách sạn. Con cháu chúng tôi sẽ sống bằng gì?”.

Và rằng, kể cả đền bù 500 triệu đồng/ sào chúng tôi cũng không cần. Xin nói thêm, thời điểm đền bù khi đó chỉ khoảng 70 triệu đồng/sào. Thế mới hiểu các cụ giữ đất không phải so đo tiền đền bù hơn thiệt mà vì tình yêu với đất, giữ trọn đạo cháu con với tiên tổ...

Hà Nội đã rộng gấp ba lần, 3.200km2 và xếp vào danh sách không nhiều những thủ đô rộng nhất thế giới. Nhưng Hà Nội liệu có xứng tầm, có được như kỳ vọng không là việc khác. 500 dự án mà nhiều trong số đó được đẻ non, một số dị dạng nhưng vẫn hiển hiện như một sự đã rồi.

Nhiều chuyên gia về quy hoạch kiến trúc đau xót: Trung bình mỗi ngày có một dự án được duyệt. Thử hỏi người vẽ ra các dự án này có đủ thời gian vật chất để đầu tư, sáng tạo ra các đồ án có giá trị bền vững hay chỉ theo đuổi mục tiêu: xong trước ngày hợp nhất? Chẳng nhẽ tương lai Hà Nội chỉ là một phép cộng đơn thuần.

Trước sự bức xúc của dư luận, thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng đã vào cuộc quyết liệt rà soát các dự án. Đến đầu năm 2010 có trên 700 dự án được rà soát, trong đó hàng trăm dự án phải tạm dừng, nhiều dự án được thực hiện nhưng phải điều chỉnh. Đặc biệt có nhiều dự án sân golf đã bị đình chỉ, hoặc xóa bỏ.

Trong lúc quy hoạch chung Hà Nội đang nóng tại nghị trường QH thì người làm báo cũng cảm thấy vui vì ít nhiều có đóng góp cho bản quy hoạch Hà Nội tương lai thêm xứng tầm.