Vốn uỷ thác cho NHCSXH:

Chung tay cùng người nghèo vượt khó

TP - Để phần nào đáp ứng vốn vay cho người nghèo, đối tượng chính sách giúp họ thay đổi cuộc sống, chính quyền địa phương, doanh nghiệp (DN) tại Thái Nguyên đã và đang uỷ thác hàng chục tỷ đồng cho ngân hàng chính sách xã hội (NH CSXH), cho người dân vay vốn tạo việc làm.
Người dân làng nghề mộc Giã Trung vay vốn uỷ thác của DN về mua gỗ nguyên liệu, giải quyết việc làm

Doanh nghiệp đồng hành cùng người nghèo

Chúng tôi đến thăm làng nghề mộc Giã Trung (Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên). Từ đầu làng đã nghe tiếng máy cưa, máy xẻ ầm ầm, mùi gỗ hương thơm ngát từ gần 300 xưởng mộc. Giã Trung vốn là làng thuần nông, người dân trồng ngô, lúa là chủ yếu. Hơn chục năm trước, gần 20 thanh niên trong làng lên Đồng Kỵ (Bắc Ninh) vừa làm thuê vừa học nghề trong các xưởng mộc.

Tại gia đình anh Nguyễn Ngọc Quyến,  dù đồng hồ đã điểm 12h trưa, trong xưởng, thợ vẫn miệt mài người xẻ gỗ, người đánh ráp cho những khung giường vừa đóng. Anh Quyến cho biết: “Tôi có 2 xưởng gỗ, với 10 lao động, chủ yếu làm giường gỗ hương xuất khẩu sang Trung Quốc. Mỗi lao động lương trung bình 10 triệu đồng/tháng. Số tiền vay từ NHCS XH mua gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho bà con khó khăn trong làng, xã”.

Với mục tiêu hoạt động vì an sinh xã hội, đồng hành để giảm tỷ lệ hộ nghèo, năm 2015, NHCS XH đã góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,7% trên toàn tỉnh Thái Nguyên. Nguồn vốn vay từ NH, hàng năm giải quyết khoảng 16.000 việc làm cho người dân.

 Ông Lê Văn Hồng, 

Phó giám đốc NHCS XH tỉnh Thái Nguyên cho biết

Nói về việc vay vốn, bà Đoàn Lệ Thuỷ, Giám đốc NH CSXH Thị xã Phổ Yên bổ sung thêm: “Hầu hết các xưởng mộc đều vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm của NH CSXH, với số vốn tối đa 50 triệu đồng/hộ gia đình. Nhu cầu vay vốn lớn nhưng nguồn vốn rót từ trung ương về có hạn, phần lớn vốn được huy động từ vốn uỷ thác của UBND cấp huyện và vốn uỷ thác của doanh nghiệp”.

Từ khi nhà máy Samsung đi vào hoạt động khiến nhiều hộ dân nhường đất để xây dựng khu công nghiệp. Nhiều lao động không đủ điều kiện làm công nhân (không đủ hoặc quá tuổi) mất đất sản xuất. NHCS XH cho người dân vay vốn học nghề, mua nguyên vật liệu chuyển đổi sản xuất. NH CSXH Phổ Yên đã cùng UBND thị xã tổ chức hội nghị tiếp xúc với hơn 400 DN. Ngay khi hội nghị kết thúc đã có 15 DN cam kết chuyển vốn uỷ thác cho Ngân hàng để cho người dân vay vốn sản xuất.

“Tiền DN chuyển sang ngân hàng không tính lãi. Việc trích một phần vốn để NH CSXH cho người nghèo vay là thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, đồng hành cùng người nghèo vượt khó. Có DN chuyển tới 5 tỷ đồng sang NHCS XH để người nghèo vay vốn”, ông Lê Minh Hồng, Phó Giám đốc NHCS XH tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Khi chính quyền vào cuộc

Theo bà Nguyễn Thị Mười, Giám đốc NHCS XH huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), trước khi có Chỉ thị 40 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, chính quyền xã, huyện mơ hồ với chương trình tín dụng cho người nghèo. Sau khi có chỉ thị, tiền ngân sách uỷ thác cho NH CSXH vay vốn, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, huyện là Ban đại diện nguồn vốn nên mọi hoạt động thuận lợi hơn.

Theo ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ) nhờ số vốn vay từ NH CSXH người dân mua lợn, gà về chăn nuôi, mua cây giống, phân bón trồng chè. Số vốn vay thông qua các hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, đoàn thanh niên.

“Chúng tôi cử Phó chủ tịch xã nằm trong ban đại diện vốn uỷ thác. Mọi cuộc họp giữa người dân, tổ chức hội và ngân hàng đều tham gia đầy đủ. Từ đó chính quyền xã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cả người dân và ngân hàng”, ông Dũng cho biết.

Theo lãnh đạo NH CSXH tỉnh Thái Nguyên, số vốn vay của ngân hàng hiệu quả nhờ những “cánh tay nối dài” là hội đoàn thể, trưởng thôn, Chủ tịch UBND cấp xã, huyện. Có sự đồng hành của chính quyền địa phương, mọi hoạt động của NH đều thuận lợi hơn. Đến nay, tổng số vốn uỷ thác từ ngân sách các cấp cho NH CSXH Thái Nguyên đạt 48 tỷ đồng. Trong đó có 6 tỷ đồng vốn của DN uỷ thác.