Chúng ta tìm gì?

TP - Những ngày tháng đi tìm. Tìm phi công trên chiếc Su-30 mất tích. Rồi tìm những người lính CASA 212 bay tìm đồng đội mất tích cũng đã lại mất tích. Tìm nguyên nhân cá chết. Tìm động cơ làm từ thiện vì ai ?...

Người ta lại vừa tìm thấy 57 hang động mới ở quần thể kỳ quan Phong Nha - Kẻ Bàng. Trái đất như một cái túi bí mật lâu lâu lại ban cho chúng ta một món quà. Nhưng tự hỏi, nếu không nhờ những chuyên gia hang động cừ khôi nhất thế giới cùng những thiết bị hiện đại, liệu chúng ta có “tìm ra” những món quà quý ngay trong túi của mình không? Trên thế giới đã nát bươm vì bới đào tìm kiếm này, có lẽ chỉ những xứ nghèo chưa văn minh bằng người mới còn sót lại những thứ báu vật như vậy. 

Chúng ta đang tìm gì? Tìm thứ đã mất hay thứ chưa có. Có khi nào tìm chính mình không? Và đã ngàn năm rồi có tìm được không?

Đi tìm xem tôi là ai? Tôi là tư duy của chính tôi (“Tôi tư duy nên tôi tồn tại”) của René Descartes vẫn sống từ thế kỷ 17 đến nay. Trong một tinh thần hoài nghi đông đảo. Dẫu không phải đợi đến các triết gia thế kỷ 21 mới nhận ra rằng ý thức hệ của con người là sự kết hợp giữa cơ thể và kinh nghiệm của nó về môi trường. Chứ bộ não duy lý của con người không phải chỉ gắn chặt trong một căn phòng trống (xem Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu? – Richard David Precht, Nxb Dân trí, 2012).

Thế nhưng giờ đây chúng ta đang đầy rẫy hoài nghi mà không hề duy lý được như Descartes. Những hoài nghi cảm tính, võ đoán, quy chụp xuống nhau trong từng phát ngôn, việc làm. 

Nhiều lúc không còn biết số đông chúng ta đang sôi lên tìm gì nữa. Chỉ thấy không ít điều chúng ta tìm kiếm mỗi ngày cũng không nhiều giá trị, nếu không muốn nói là tệ hại.

Giữa nhốn nháo với bao toan tính, phỉnh nịnh, xu thời. Thì thôi, “Xin một chiều nhẹ dạ/ Em không cần phấn son/ Cứ diện chiếc juyp trắng/ Chúng ta tìm chỗ hôn”. (Đi tìm - Trương Nam Hương)

Tìm một chỗ yêu, có khó không?