Chủ trương tuyển sinh 2013: Vừa làm vừa nghĩ

TP - Đúng hẹn, ngày 21-2, Cuốn cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã ra mắt bạn đọc trên cả nước. Tuy nhiên, các chủ trương mới của kỳ thi năm nay bước đầu cho thấy Bộ GD&ĐT và các trường sẽ phải vừa làm vừa nghĩ tiếp.
Kỳ tuyển sinh 2013 sẽ có nhiều điểm mới

> Hà Nội - Lao đao tuyển sinh ngoài công lập
> Bán trường vì nợ nần
> Khuyến khích các trường tuyển sinh riêng

3 giấy chứng nhận kết quả thi vẫn ảo

Từ ngày 11-3 đến ngày 11-4, thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nộp hồ sơ theo hệ thống quy định của Sở GD&ĐT; từ ngày 12-4 đến 19-4, thí sinh nộp hồ sơ tại các trường ĐH, CĐ tổ chức thi.

Theo chủ trương mới, các trường ĐH, CĐ sẽ in, đóng dấu đỏ và cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh không trúng tuyển vào trường mình nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên để thí sinh đăng ký xét tuyển.

Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi; các trường sẽ không nhận bản đăng ký xét tuyển phô tô như năm 2012.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN nhận xét: 3 bản nộp 3 trường tốt hơn nộp bản phô tô tới chục trường như năm trước nhưng 3 nguyện vọng cho một thí sinh vẫn rộng và gây ảo cho 2 trường.

Ngoài ra thí sinh được rút thoải mái thì cũng nên quy định không nhận bản kết quả tẩy xóa để nộp sang trường khác vì tẩy xóa thoải mái thì khác gì phô tô nhiều bản. Có thể cho phép một số trường ngoài công lập quá ít sinh viên vẫn nhận bản tẩy xóa để họ dễ tuyển người học.

Ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng đào tạo trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội khẳng định chủ trương này tốt cho trường dân lập vì đỡ ảo, nhưng phát sinh chi phí cho việc in hàng vạn bản giấy báo điểm.

Chấm thanh tra: tốn tiền, tốn nhân lực

Với giá cả năm nay, chấm lại 5% bài thì kinh phí ở đâu là câu hỏi của ông Đoàn Văn Vệ. Còn theo ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM, chấm lại 5% là tăng thêm 5% khối lượng công việc.

Câu hỏi đặt ra là người giỏi nhất đã tham gia chấm thi thì kiếm đâu ra lực lượng để chấm thanh tra nữa? Ông Nghĩa phân tích: Chấm song song (vừa chấm vừa thanh tra) thì mất thì giờ và chấm nối tiếp (chấm xong mới chấm thanh tra) thì kẹt nhân lực. Ông Nghĩa nói: chấm thanh tra có tốt hơn không, biết đâu có “chỉ đạo “ thì chết ! (cười).

Người Việt mình hay có sự trúc trắc - trăm trường thì trăm cách. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị: Bộ phải có quy định quy trình và nguyên tắc chấm thế nào đó trong tình hình nhiều trường kẹt vì có rất nhiều trường thuê giáo viên phổ thông chấm.

Bộ cần quy định cụ thể: lực lượng chấm thanh tra phải có biên chế hay hợp đồng dài hạn, phải là người của trường, phải chọn người chấm tốt hoặc bốc thăm thì mới đảm bảo chất lượng thực sự của việc chấm thanh tra. Ông Nghĩa nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT phải lường trước các tình huống, phải... nghĩ tiếp. Cần công khai quy định để các trường cùng làm nếu không thì sẽ... không chất lượng!

Sẽ hiếm thí sinh học liên thông

Đó là ý kiến của ông Đoàn Văn Vệ khi ông cho rằng ngoài quy định chỉ tiêu liên thông năm nay chỉ chiếm 20 % tổng chỉ tiêu của các trường thì tháng 11 -12 của năm cũ, các trường tuyển gấp “chạy quy chế” đợt vét và có trường vét ngàn thí sinh thi.

Tuy nhiên, theo ông Vệ, tuyển vét chưa phải là vấn đề so với câu chuyện sẽ: Đào tạo các thí sinh “đặc biệt” này như thế nào? Ông Vệ đưa ra không ít câu hỏi cho vấn đề này: nếu chỉ tuyển được 1 đến 10 thí sinh (mà khả năng này là rất lớn) thì ghép vào lớp học cùng sinh viên chính quy là rất khó khăn vì đối tượng này sẽ học kém hơn và có thể sẽ vừa đi học vừa đi làm thì sinh viên sẽ bố trí theo học kiểu nào, nếu đủ thí sinh mới mong mở được lớp riêng và tăng giờ dạy, rồi sinh viên kém thì phải phụ đạo lấy kinh phí đâu để trả tiền giờ dạy phụ trội ?

Ông Vệ kết luận: Trường nào chỉ có hơn 10 thí sinh liên thông thi vào là... chết dở; nhìn chung, năm nay vừa làm vừa rút kinh nghiệm và chắc ngành GD&ĐT phải tìm ra biện pháp nào đó cho vấn đề này.

Theo Báo giấy