Trường mầm non Mỹ Đức có hai cơ sở với hơn 30 nhân sự, do cô Nguyễn Hoàng Lăng Viên làm chủ. Cả hai cơ sở phải thuê mặt bằng nên mỗi tháng cô vẫn phải tốn vài chục triệu đồng dù trường đóng cửa suốt gần 3 tháng nay. Cô Viên cho biết, qua các đợt dịch từ đầu năm 2020 đến nay, bao nhiêu tiền bạc đổ vào đây với hy vọng giữ trường. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài khiến việc cầm cự ngày càng khó khăn.
“Năm trước, dù học sinh nghỉ học, giáo viên không đi làm nhưng nhà trường vẫn đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ và hỗ trợ 1 phần kinh phí để phụ các cô sinh hoạt. Nhưng năm nay trường hết khả năng, phải tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội”, cô Viên nói.
Xác định dịch bệnh kéo dài, cô Viên chuyển hướng bán hàng online để kiếm thêm thu nhập cũng như tạo việc làm cho các giáo viên của mình. Mặt hàng đa dạng từ rau, củ, quả, trái cây cho đến hành, tỏi, lá xông nhà, trị cảm cúm…
“Hàng do chính một cô giáo của trường ở Đà Lạt vào đến tận vườn để lựa rồi gửi xe xuống TPHCM. Nhiều hôm xe đến 3 giờ sáng nên vợ chồng tôi phải ra bến xe để lấy về”, cô Viên cho biết.
Các mặt hàng sau khi về nhà sẽ được các cô phân loại, chia phần và đăng quảng cáo trên facebook, zalo... Ai đặt hàng thì các cô sẽ mang giao, nhiều chỗ xa, hàng nặng thì phải nhờ chồng hoặc ship hàng đến nơi. “Buôn bán rất vất vả, nhưng lời không bao nhiêu, nhiều lúc còn lỗ vốn. Ví như mấy ngày đầu TP giãn cách, hàng từ Đà Lạt về bị ùn ứ do kiểm dịch, đến khi nhận về thì hư hỏng, hao hụt rất nhiều…”, cô Viên tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, anh Hồ Thanh Trí, chủ trường mầm non Nhân văn, quận 12 cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Trường chỉ mới mở được khoảng 1 năm nhưng liên tiếp phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh. “Mặc dù khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho 14 nhân sự của trường dù gần 3 tháng nay không làm việc”, anh Trí nói.
Anh Trí cho biết, các cô ở trường có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Có cô thì con nhỏ, cô thì mang thai và cũng có cô là mẹ đơn thân… Để giúp các cô có thêm thu nhập, hơn 1 tháng qua, anh Trí cùng các cô kết hợp bán hàng online. Các mặt hàng từ rau, củ, quả, thậm chí là hàng tươi sống tôm, cua, cá nhập từ quê vào TP để bán cho phụ huynh lẫn người dân bên ngoài.
“Phần lớn các cô là người ở tỉnh nên các mặt hàng nhu yếu phẩm ở quê nhiều và rẻ. Các cô sẽ nhờ người thân mua rồi gửi vào TP. Ở trong này tôi và các cô lập trang facebook rồi đăng lên đó bán. Ai mua thì chúng tôi đi giao, xa quá thì đặt ship cho khách…”, anh Trí chia sẻ.
Cô Võ Thị Hồng Nga (27 tuổi), giáo viên Trường mầm non Nhân văn là người chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Hoàn cảnh của cô Nga rất đặc biệt bởi sau gần 3 năm ở nhà trông hai con sinh đôi, mới đi làm trở lại được 5 tháng thì phải tạm nghỉ vì dịch bệnh. Chưa dừng lại, chỉ mới cách đây ít ngày, chồng cô không may lại thuộc dạng F1 nên phải tự cách ly ở nhà, mọi việc đổ dồn lên đôi vai cô giáo mầm non trẻ tuổi.
“Để có thể trang trải cho gia đình, tôi nhờ anh chị (ở Phú Yên) mua rau, của, quả, thậm chí là tôm cá rồi gửi vào TP để bán. Nhờ có thầy Trí hỗ trợ giới thiệu khách cũng như phụ huynh mua ủng hộ nên cũng có đồng ra đồng vào, cầm cự qua ngày”, cô Nga tâm sự.
Theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của HĐND TPHCM sẽ có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ, gồm: Người lao động bị ngừng việc, hoãn việc do doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/lần (trong 3 tháng 5, 6 và 7). Lao động nữ đang mang thai và lao động nữ đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.
Theo thống kê, có khoảng 42.500 người ở 1.365 doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ này. Trong số này có khoảng hàng chục ngàn giáo viên, nhân viên (kể cả bảo mẫu) làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người.