Tối 5/5, trong cuộc tọa đàm với chủ đề "khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ có nói “chống dịch như chống giặc”, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt nên cần chuyển qua cứu doanh nghiệp như cứu hỏa.
Doanh nghiệp "tắt thở" vì COVID-19
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM ví von hiện nay doanh nghiệp đang trong tình trạng thở oxy, hô hấp nhân tạo nên không có chính sách kịp thời thì “chết lâm sàng” hoặc “tắt thở”. Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay là có một số chính sách cũ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
"Doanh nghiệp đề xuất thủ tục về chính sách hỗ trợ kích cầu đầu tư phải được làm nhanh. Về hỗ trợ doanh nghiệp, với những chính sách mới nên làm nhanh để không mất cơ hội của doanh nghiệp" ông Trần Việt Anh nói.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM cho biết, cần có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của trong nước.
Mỗi doanh nhân là một chiến sĩ
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân TPHCM đoàn kết một lòng, cùng nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép” đã đề ra trong điều kiện bình thường mới.
"Đó là kiên trì, không buông lỏng, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. Đồng thời, ổn định và khôi phục phát triển kinh tế trong tình hình mới. TPHCM xác định việc ổn định và khôi phục kinh tế thì mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân là một chiến sĩ", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Lãnh đạo TPHCM dự báo, trong cơn bão COVID-19 này, khả năng trụ lại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ là rất khó khăn. Thậm chí phá sản trước khi nền kinh tế trở lại bình thường. Cho nên, TPHCM phải có chính sách và giải pháp tạo bệ đỡ ngăn chặn, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc này để không bị phá sản.
Bên cạnh đó, TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, tái cấu trúc thị trường, mở rộng thị trường nội địa, triển khai các giải pháp khai thác thị trường trong nước. Đặc biệt, TPHCM triển khai mạnh mẽ đầu tư công.
TPHCM đẩy nhanh phát triển kinh tế số trong ngắn hạn và dài hạn, trong từng ngành, từng lĩnh vực, có chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics.
"TPHCM sẽ nghiên cứu xây dựng chương trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Dù khó khăn thế nào, thành phố cũng quyết tâm giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
TPHCM chiếm một nửa doanh nghiệp cả nước
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tại TPHCM chiếm 50% số lượng doanh nghiệp cả nước, chiếm 10% tổng số hộ sản xuất cá thể của cả nước. Cụ thể, TPHCM có 420.079 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ là 360.057 (chiếm 85,7%), doanh nghiệp nhỏ là 21.313 (chiếm 5,07%), doanh nghiệp vừa là 29.721 (chiếm 7,08%) và doanh nghiệp lớn trên 100 tỷ đồng là 8.989 (chiếm 2,14%).
Trong thời gian tới, TPHCM phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, cũng như tạo ra đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh.