Việc cựu Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp CMC Phòng Phong Huy và cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị CMC Trương Dương bị sa thải khỏi những chức vụ vốn từng giúp hai quan chức này gia nhập CMC chính là bằng chứng cho thấy ông Tập Cận Bình đang củng cố quyền kiểm soát quân đội.
Một đại tá quân đội giấu tên đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh giải thích: "Bộ Tham mưu Liên hợp CMC là đơn vị giám sát các hoạt động chiến đấu của PLA, trong khi đó Tổng cục Công tác Chính trị CMC phụ trách công tác giáo dục tư tưởng. Ông Tập Cận Bình chỉ có thể tiến hành cải cách khi đã nắm trong tay cả cây bút và nòng súng. Chính vì vậy, Chủ tịch Trung Quốc cần phải đưa những người thân cận vào hai vị trí quan trọng này."
Theo một nguồn thạo tin từ quân đội, ông Tập Cận Bình sẽ đưa ra những cải cách đối với CMC tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, dự kiến khai mạc vào ngày 18/10 tới.
Giới chức quân sự Trung Quốc đang thảo luận về một vài kịch bản, trong đó có việc cắt giảm quy mô CMC từ 11 thành viên xuống còn năm, bao gồm một chủ tịch và bốn phó chủ tịch.
Một kịch bản khác là trao tư cách thành viên CMC cho tư lệnh của năm chiến khu, bên cạnh 2-4 phó chủ tịch, nhưng không bao gồm chỉ huy của các lực lượng bộ binh, không quân, hải quân, tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược.
Hiện CMC bao gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch cùng tám thành viên thường trực là bộ trưởng quốc phòng, người đứng đầu bốn tổng cục (theo cơ cấu cũ) và tư lệnh các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa.
Một nguồn tin cho rằng bất kể phương án nào được thực hiện thì mục tiêu số một của ông Tập Cận Bình là loại bỏ những ảnh hưởng xấu từ thời hai Phó Chủ tịch CMC trước đây là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.